Trẻ bị hăm mông là hiện tượng khá phổ biến. Trung bình cứ 4 em sẽ có 1 bé bị hăm mông ít nhất 1 lần. Tình trạng nay khiến cho bé con khó chịu và quấy khóc. Thậm chí, nhiều trẻ còn bỏ ăn. Vậy làm sao để xử lý tình trạng hăm mông ở trẻ?
Trẻ nhỏ bị hăm mông là gì?
Hăm mông hay còn gọi là hăm tã là một hội chứng bệnh ngoài da. Nó xuất hiện tại khu vực da tiếp xúc với tã. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 8 – 12 tháng. Đây là thời điểm mà chế độ ăn của bé có nhiều thay đổi. Từ đó, thành phần hóa học nằm trong phân và nước tiểu cũng thay đổi. Để nhận biết trẻ bị hăm mông, bạn có thể theo dõi thông qua các dấu hiệu:
Hăm mông là tình trạng vùng mông của trẻ bị tấy đỏ
- Vùng da quấn tã em bé và quanh bộ phận sinh dục bị tấy đỏ, rát kèm theo mùi khai
- Vết tấy kéo dài từ hậu môn lan đến mông và đùi
- Trong trường hợp nặng, da sẽ bị loét, chảy nước, chảy máu và có mủ
- Bé bị đau lúc đi ngoài
- Quấy khóc nhiều, chán ăn và bỏ ngủ dẫn đến sút cân
Những nguyên nhân khiến trẻ bị hăm mông
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hăm mông ở trẻ nhỏ. Trong đó, lý do chính là độ ẩm của vùng da tiếp xúc với tã. Thế nên, bạn cần lưu ý giữ vùng da mông và đùi của bé thông thoáng. Mẹ tuyệt đối không được để tã bị dơ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hăm mông
Nước tiểu là vô trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn trên làn da của trẻ có thể phân hủy nước tiểu thành hóa chất ammonia gây khó chịu cho vùng da. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy cũng có nguy cơ gây hăm mông. Nếu bé bị tiêu chảy, mẹ cần thay tã thường xuyên. Một chiếc tã bốc mùi là cơ hội để hăm tã xuất hiện.
Các nguyên nhân khác
- Loại tã sử dụng thô ráp chà xát lên vùng da nhạy cảm của em bé.
- Hóa chất của bột giặt và nước xả vải kích thích làn da non nớt của trẻ nhỏ.
- Quần lót bằng nhựa giữ cho quần áo của bé sạch và khô. Thế nhưng, nó không thông thoáng nên làm da bé bị ẩm.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ nhỏ khi bị hăm mông
Vệ sinh cơ thể bé
Khi vệ sinh cho bé, mẹ cần lưu ý rửa vùng bẹn và sinh dục ngoài ngay khi bé đi vệ sinh xong. Bạn nên dùng nước ấm để rửa sạch, sau đó thấm khô bằng khăn bông mềm rồi thay tã mới. Sau mỗi lần tắm gội, phụ huynh cũng nên lau người bé cho thật khô rồi mới quấn tã.
Mẹ cần lưu ý khi vệ sinh cơ thể bé
Thường xuyên thay tã
Việc mặc tã bị dơ trong thời gian dài khiến cho tình trạng của bé trở nên tệ hơn. Do đó, mẹ nên chú ý kiểm tra tã thường xuyên. Khi phát hiện tã lót có dấu hiệu ướt, bạn nên thay ngay.
Chọn khăn ướt phù hợp
Các loại khăn ướt chứa cồn có thể làm da bé bị khô dẫn đến hăm mông. Thế nên, mẹ nên chọn loại sản phẩm không cồn và không mùi. Nếu có thể, bạn nên để làn da của bé tiếp xúc với không khí trong một khoảng thời gian ngắn sau khi thay tã. Việc này giúp bé cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Các vết hăm cũng sẽ mau lành.
Chú ý khi sử dụng phấn rôm
Nhiều phụ huynh thường lạm dụng phấn rôm. Bạn không nên bôi và rắc phấn rôm cho trẻ bị hăm mông vì sẽ dễ làm bít tắc lỗ chân lông. Từ đó, việc thoát ẩm sẽ khó khăn hơn.
Đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám
Mặc dù hăm mông khá phổ biến nhưng phụ huynh cũng không nên lơ là. Bạn cần theo dõi tình trạng của con mỗi ngày. Nếu sau vài ngày không có dấu hiệu giảm hay tệ hơn như xuất hiện lở loét, mụn mủ ngoài da hay vết hăm lan rộng, bạn nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ.
Những điều không nên làm để tránh tình trạng hăm mông
Nhằm phòng ngừa tình trạng hăm mông, phụ huynh nên tránh các việc sau:
- Quấn tã quá chặt
- Quên thay tã cho con trong nhiều giờ liền
- Sử dụng các loại kem bôi lên da trẻ mà không có sự tư vấn của bác sĩ
- Lạm dụng và sử dụng quá nhiều phấn rôm
Tình trạng hăm mông gây ra những phiền toái và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ nên chú ý chăm sóc bé đúng cách để hạn chế tình trạng này.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!