Theo chia sẻ dưới góc độ khoa học của Tiến sĩ Kỹ thuật y sinh Lê Anh Phương, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Ban khoa học, Ruy Băng Tím, phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng là sai lầm. Vậy vì sao thực dưỡng chữa ung thư lại được nhiều người tin tưởng và rầm rộ trong thời gian qua?
Thực dưỡng là gì?
Thực dưỡng được giới thiệu vào thế kỷ 18, bởi bác sĩ người Đức Christophe Hufeland với niềm tin chế độ dinh dưỡng chú trọng thực phẩm chay sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và đảm bảo sức khỏe. Chúng được phổ biến rộng rãi vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật George Ohsawa cùng với môn đệ của ông là Michio Kushi.
Chế độ ăn uống thực dưỡng dựa trên nguyên lý âm – dương. Nguyên tắc cơ bản là tiêu thụ thực phẩm theo quân bình âm – dương, hòa hợp với thiên nhiên sẽ giúp con người sống thọ hơn và tránh bệnh tật. Ohsawa viết: “Không có bệnh nào chữa được đơn giản hơn là ung thư bằng cách trở về với việc ăn uống cơ bản và tự nhiên nhất”.
Phác đồ thực dưỡng của Ohsawa bao gồm 10 giai đoạn hạn chế dần về thành phần. Giai đoạn thứ 10 là chế độ ăn uống chỉ gồm nước và gạo lứt.
Những sai lầm từng xảy ra trong lịch sử
Tuy nhiên, vào cuối những năm 1960, một số biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở những người đang theo dõi chế độ ăn của Ohsawa. Hội đồng Hiệp hội Y khoa Mỹ về Thực phẩm và dinh dưỡng (American Medical Association’s Council on Foods and Nutrition) đã báo cáo những trường hợp của người áp dụng phương pháp này.
Họ bị bệnh Scobut, thiếu máu, tăng protein trong máu, hạ calci máu, xuất huyết, suy dinh dưỡng, suy thận và thậm chí tử vong. Chế độ ăn này sau đó bị bài bác.
Sau đó, Kushi xuất bản một số sách về chế độ thực dưỡng với những điều chỉnh bớt khắc khổ hơn, tuyên bố rằng thực hành theo chế độ này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Chế độ này bao gồm tiêu thụ thực phẩm với 40-60% ngũ cốc nguyên hạt (hữu cơ trồng và nấu tại nhà) 20-30% rau và 5-10% các sản phẩm từ đậu và rau biển. Một lượng nhỏ cá, hạt hoặc quả hạch và được trồng tại địa phương, trái cây theo mùa cho phép hàng tuần.
Thịt đỏ, gia cầm, trứng và sản phẩm sữa chỉ được cho phép ăn một lượng rất nhỏ hàng tháng. Đường tinh chế, chất làm ngọt nhân tạo, vitamin, khoáng chất bổ sung và các loại phụ gia hóa học cần phải tránh.
Tại sao chế độ ăn thực dưỡng được nhiều người quan tâm?
Gần đây, những cuộc tranh cãi về thực dưỡng chữa ung thư liên tục xảy ra. Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng chỉ cần ăn thực dưỡng có thể phòng và khỏi bệnh ung thư, không cần điều trị Tây y.
Thực chất, thực dưỡng hay thực dưỡng Ohsawa là chế độ dinh dưỡng thực hành phổ biến và được cho là có thể phòng ngừa, chữa nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư.
Người theo chế độ thực dưỡng sử dụng thực phẩm chủ yếu bao gồm ngũ cốc nguyên cám (ở Việt Nam là gạo lứt), rau, củ quả. Họ hạn chế thịt và thực phẩm chế biến trong bữa ăn.
Ngoài ra, cùng với những câu chuyện phục hồi của các bệnh nhân ung thư có tiên lượng xấu, thực dưỡng nhận được sự quan tâm của nhiều người về việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng trong điều trị.
Vậy dùng thực dưỡng chữa ung thư có hiệu quả không?
Những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng, về cơ bản là tốt cho sức khỏe và có mối liên hệ tới phòng ngừa ung thư.
Ngũ cốc nguyên cám và rau củ, trọng tâm của chế độ thực dưỡng, được cho thấy có sự liên hệ với giảm thiểu nguy cơ nhiều loại ung thư như đại trực tràng, dạ dày và nội mạc tử cung.
Theo báo cáo của American Institute for Cancer Research and World Cancer Research Fund (1997), tăng tiêu thụ rau và trái cây từ 250 đến 400 g/ngày có thể làm giảm 23% nguy cơ ung thư.
Thịt đỏ – loại thực phẩm được giảm thiểu trong thực dưỡng có mối liên hệ với nhiều bệnh ung thư như đại tràng, trực tràng, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
Sự liên hệ giữa thành phần thực phẩm của chế độ thực dưỡng và nguy cơ ung thư dễ dẫn đến suy luận rằng chúng giúp phòng ngừa căn bệnh quái ác này.
Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa có đủ bằng chứng và báo cáo tổng hợp cho thấy thực hành thực dưỡng có thể phòng ngừa ung thư.
Thực dưỡng không chữa được ung thư, có nguy cơ gây ra suy dinh dưỡng!
Hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng cho thấy việc sử dụng chế độ thực dưỡng có hiệu quả trong chữa trị ung thư. Ngược lại, chúng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư, dẫn đến suy nhược cơ thể.
Nguy cơ suy dinh dưỡng vì thực dưỡng
Suy dinh dưỡng là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Nó dẫn đến nhập viện kéo dài, giảm đáp ứng với điều trị, tăng tác dụng phụ, chất lượng cuộc sống bị suy giảm và tiên lượng xấu hơn.
Người bệnh cần đảm bảo chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng gồm đạm, đường, tinh bột, chất béo, nước, vitamin, khoáng cần thiết để đáp ứng cân nặng và lượng calorie cần thiết.
Chúng ta chỉ có duy nhất bằng chứng cho thấy chế độ ăn giảm chất béo có thể giúp phòng ngừa tái phát cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn đầu. Tuy vậy, việc đảm bảo cân nặng, calo nạp vào và các chất dinh dưỡng còn lại vẫn cần thiết.
Ảnh hưởng quá trình điều trị ung thư
Một nghiên cứu tổng hợp so sánh thực dưỡng với chế độ ăn bình thường cho thấy chế độ thực dưỡng thiên lệch nhiều về gạo lứt. Nó hạn chế thực phẩm cung cấp nhiều đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu tương.
Điều này dẫn đến thiếu hụt lượng calorie, đạm, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12 (những chất quan trọng cho hình thành tế bào hồng cầu, tổng hợp DNA). Thiếu vitamin B12 có thể dẫn tới mất vị giác, khứu giác, làm ăn uống không ngon, từ đó tiếp tục làm suy dinh dưỡng ở bệnh nhân. Thiếu canxi (quan trọng cho sức khỏe tim mạch và xương) cần thiết cho cơ thể.
Hơn thế, chế độ ăn uống thực dưỡng có nhiều lượng muối natri và phốt pho nạp vào cơ thể. Nó dẫn tới các nguy cơ về xương và tim mạch, làm giảm sức khỏe bệnh nhân, chất lượng sống. Do đó, chế độ thực dưỡng không được khuyến khích bởi bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và các tổ chức ung thư.
Chúng tôi xin đưa ra kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy có hiệu quả trong phương pháp thực dưỡng chữa ung thư. Bên cạnh đó, những bằng chứng liên quan tới phòng ngừa ung thư của thực dưỡng là chưa đủ.
Thậm chí, việc giảm thiểu dinh dưỡng chỉ còn gạo lứt, muối mè làm nguồn thức ăn chính (bậc 10 của thực dưỡng) có thể dẫn đến thiếu đi lượng và chất dinh dưỡng quan trọng để đảm bảo sức khỏe trong quá trình điều trị.
Người bệnh nên dựa theo hướng dẫn của bác sĩ và đội ngũ y tế để lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất cho bản thân, với điều kiện đầy đủ lượng và chất để đáp ứng điều trị tốt hơn. Đối với người khỏe mạnh, khi thực hành thực dưỡng cần cân nhắc và điều chỉnh khi áp dụng để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Theo Zing.VN
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!