Nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở cả nam lẫn nữ gọi chung là STD (Sexually Transmitted Disease). Các bệnh STD không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu hay đau đớn ở vùng nhạy cảm mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản. Việc thực hiện xét nghiệm STD định kỳ sẽ giúp bạn sớm phát hiện bệnh để có thể điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Dấu hiệu nhận biết các bệnh STD phổ biến
Theo thống kê, có khoảng hơn 20 loại bệnh STD. Trong đó nhóm bệnh do virus (HIV, viêm gan B, HPV, herpes) là hay gặp nhất, kế tiếp là nhóm do vi khuẩn (giang mai hay còn gọi là bệnh lậu, hoa liễu, nhiễm chlamydia), nhóm do ký sinh trùng (rận mu, ghẻ) và nhóm do nấm candida. Nhiều căn bệnh STD không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể dễ dàng được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Bệnh lậu
Là loại bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên khoa học là Neisseria gonorrhoeae hay gonococcus. Đây là loại vi khuẩn thường xuất hiện ở âm đạo, cổ tử cung, mắt, miệng, hậu môn và nhất là trong đường niệu đạo của nam giới. Khoảng 10 – 20 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn lậu, người bệnh mới thấy xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Tuy nhiên, triệu chứng bệnh lậu ở nam và nữ lại khác nhau. Nam giới thường tiểu đau, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, nước tiểu lẫn máu hoặc mủ. Ở nữ giới triệu chứng không rõ ràng nên thường bị bỏ qua, những triệu chứng như tiểu đau buốt, có mủ màu xanh, vàng chảy ra từ niệu đạo, cổ tử cung, vùng kín có mùi hôi tanh bất thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn bệnh nặng.
Bệnh giang mai
Là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Do cấu tạo đặc thù của bộ phận sinh dục nên nữ giới dễ bị mắc bệnh này hơn nam giới.
Các dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện sớm tại thời kỳ ủ bệnh. Lúc này trên cơ quan sinh dục sẽ xuất hiện các vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 – 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng và bóp không đau.
Ngoài ra, các tổn thương này có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi. Sau khi các tổn thương này xuất hiện, các hạch cũng xuất hiện theo, trong đó có 1 hạch lớn nhất được gọi là hạch chúa.
Bệnh sùi mào gà (HPV)
Gây ra bởi chủng vi rút human papilloma (HPV). Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là các mụn sùi (mụn cóc) xuất hiện chủ yếu quanh cơ quan sinh dục và hậu môn của người bệnh. Ban đầu chỉ xuất hiện các nốt nhỏ, khi bệnh diễn biến nặng hơn, các mụn này phát triển dày đặc và nằm sát nhau tạo thành khối lớn, có thể lên tới vài centimet và có hình như mào gà hoặc bông súp lơ. Khi chạm vào có thể chảy mủ. Bệnh gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu thường trực, khi quan hệ tình dục sẽ thấy đau và chảy máu ở bộ phận sinh dục.
Bệnh nhiễm Chlamydia
Đây là bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục phổ biến nhất. Bệnh nguy hiểm ở chỗ nó rất khó phát hiện vì người mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng.
Với nữ giới thì âm đạo ra máu một cách bất thường, đau buốt khi đi tiểu, đau ở bụng dưới và nhất là đau khi quan hệ tình dục. Còn với nam giới thì đầu dương vật nhỏ dịch một cách bất thường và xung quanh quy đầu ngứa ngáy khó chịu. Bên cạnh đó kèm theo sốt nhẹ hoặc đau đầu, mỏi cơ.
Bệnh HIV/ AIDS
Đây là căn bệnh nguy hiểm nhất mà một trong những nguyên nhân gây bệnh là do quan hệ tình dục không an toàn. HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi mới phát bệnh, bệnh nhân thường sụt cân nhiều, ho kéo dài, tiêu chảy, sốt, sưng hạch, ra mồ hôi đêm, đau họng, có nốt trên da, xuất hiện vết lở…
Đến giai đoạn AIDS toàn phần, người bệnh có thể mắc nhiều bệnh như lao, viêm phổi, bệnh đường ruột, các bệnh phụ khoa… Hậu quả lớn nhất là bệnh có thể gây tử vong.
Khi nào nên xét nghiệm bệnh STD?
Ở mỗi giới thì triệu chứng bệnh khác nhau. Với từng loại bệnh cũng sẽ có các kỹ thuật xét nghiệm máu, định lượng kháng thể trong máu hay với một số loại vi khuẩn như chlamydia và lậu cầu thì chỉ cần xét nghiệm nước tiểu cũng có thể phát hiện ra một cách dễ dàng.
Khi có các triệu chứng sau thì cần phải nghĩ ngay tới việc xét nghiệm STD
- Nữ giới: đau vùng bụng dưới, chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, nóng rát hoặc ngứa xung quanh âm hộ, đau khi quan hệ tình dục, huyết trắng ra nhiều, màu đục hơn và có mùi hôi.
- Nam giới: có dấu hiệu loét hay mụn nước gần bộ phận sinh dục, vùng miệng, tiểu buốt hoặc tiểu rát, hạch ở háng sưng lên, sốt, ớn lạnh, nóng sốt, sưng họng, nổi mẩn trên da, vàng da, vàng mắt, đau và sưng khớp xương, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở bộ phận sinh dục, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, đau vùng gan bụng trên bên phải, có giọt mủ ở đầu dương vật vào mỗi buổi sáng khi thức dậy.
Cần hết sức lưu ý là các dấu hiệu và triệu chứng trên có thể xuất hiện vài ngày sau khi có tiếp xúc với nguồn bệnh, cũng có thể mất nhiều năm mới phát hiện ra bất cứ dấu hiệu đáng chú ý nào.
Tuy nhiên, nếu đến khi phát hiện ra các triệu chứng mới làm xét nghiệm thì đã là muộn. Tốt nhất, nên thực hiện xét nghiệm STD nếu:
- Quan hệ qua âm đạo, hậu môn hoăc miệng.
- Không sử dụng bao cao su khi quan hệ.
- Dùng chung kim tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục với người dùng chung kim tiêm.
- Cảm thấy bản thân bị phơi nhiễm hoăc có bất cứ dấu hiệu nào kể trên.
Bao lâu nên làm xét nghiệm STD một lần?
Các bác sĩ khuyên rằng bạn nên xem xét mức độ quan hệ tình dục của mình để quyết định có xét nghiệm thường xuyên không. Xét nghiệm có thể được thực hiện thường xuyên một lần mỗi vài tháng hoặc thưa hơn là hai năm một lần nếu bạn quan hệ một vợ một chồng.
Xét nghiệm STD ngày nay khá nhanh chóng và dễ dàng nên bạn hãy đi kiểm tra thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu dù là nhỏ nhất.
Theo: The Asianparent
Xem thêm các bài viết khác:
xét nghiệm STD
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!