Thức ăn bổ máu cho trẻ nên là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt. Hãy bổ sung cho trẻ các thực phẩm như: gan, tim, bầu, trứng, thịt, cá, tôm, cua, các loại đậu… đồng thời cho trẻ bổ sung rau quả có chứa nhiều vitamin C. Bài viết dưới đây gợi ý cho các mẹ 9 thực phẩm bổ máu cho bé.
Thức ăn bổ máu cho trẻ gồm có những gì?
Thiếu máu do thiếu chất sắt. Vì thế để bổ máu mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất sắt. Các thực phẩm như gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín…
Cần dựa vào tuổi của trẻ để có thực đơn hợp lý, đủ thành phần các chất dinh dưỡng. Trong thực đơn hàng ngày, mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt.
Để hấp thụ chất sắt tốt hơn, trẻ cần tăng cường các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C, các thực phẩm như: cam, quýt, chuối, ổi, đu đủ, rau ngót, rau muống…
Khi trẻ đã bị thiếu máu chế độ ăn chỉ có tính chất hỗ trợ. Bên cạnh chế độ ăn phải cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt theo chỉ định của bác sĩ.
9 loại thức ăn bổ máu cho trẻ
1. Các loại thịt đỏ
Mẹ biết không! Các loại thịt đỏ như thịt bò, heo, cừu… là nguồn thực phẩm bổ sung chất sắt vô cùng phong phú. Chúng giúp cải thiện huyết sắc tố cho cơ thể chúng ta. Trong đó, thịt bò nạc chính là nguồn chất sắt dồi dào và phổ biến nhất.
Trong 100g thịt bò nạc có thể cung cấp 3,1 mg sắt, tương đương 21% lượng sắt cần thiết trong ngày. Ngoài ra, thịt bò chứa sắt heme, loại sắt được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Lưu ý: mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều. Vì thịt đỏ có hàm lượng cholesterol cao, dễ gây ra các bệnh béo phì, tim mạch…
2. Thịt gà
Tuy là thịt trắng, không chứa nhiều chất sắt như thịt đỏ nhưng thịt gà lại cực kì giàu dinh dưỡng. Ức gà là bộ phận chứa nhiều chất sắt nhất so với các thành phần khác của thịt gà. Khoảng 100g ức gà cung cấp 0,7 mg sắt. Các bộ phận như tủy, xương và gan gà cũng giúp tăng cường hemoglobin cho cơ thể.
3. Hải sản
Thủy hải sản là thực phẩm cực kì bổ dưỡng cho cơ thể. Chúng được xếp vào danh sách các loại thực phẩm bổ sung sắt cho bé. Nhóm thực phẩm này có tác dụng hỗ trợ điều trị thiếu máu hiệu quả. Cụ thể, 100g cua đồng có tới 4,7 mg sắt; 100g cua biển có tới 3,8 mg sắt; 100g tôm khô có tới 4,6 mg sắt… Bạn nên cho bé ăn các loại hải sản để bổ sung dinh dưỡng và tăng cường lượng máu cho cơ thể.
Trong nhiều loại hải sản còn chứa nhiều vitamin B12. Vitamin này có chức năng tăng cường hoạt động của các tế bào hồng cầu trong máu. Thiếu hụt vitamin B12 có thể gây ra tình trạng thiếu máu khá nghiêm trọng.
Có một điều mà các mẹ cần lưu ý chính là hải sản dễ gây dị ứng. Đồng thời chúng hàm lượng kim loại nặng khá cao. Mẹ nên cẩn thận khi cho trẻ ăn hải sản.
4. Gan động vật
Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò đều chứa hàm lượng sắt cao. Vì thế ăn gan động vật nhiều cho trẻ bổ máu. Trong 100g gan lợn cung cấp 12 mg sắt, 100g gan gà cung cấp 10 mg sắt và 100g gan bò cung cấp 6,5 mg sắt.
Mẹ cần lưu ý khi chế biến cho bé các món ăn từ gan động vật. Khi nấu cần rửa thật sạch, bóp sạch máu đọng để loại bỏ các chất độc có thể tồn tại trong gan. Gan cũng cần được nấu chín hẳn rồi mới cho bé ăn. Mẹ cũng nên cẩn thận với các sản phẩm gan làm sẵn, nên chọn những nhà sản xuất uy tín. Để tránh những mối nguy hiểm tiềm tàn.
5. Trứng
Trứng được xem là một loại thực phẩm siêu dinh dưỡng. Vì sao lại nói thế? Vì chúng có chứa tất cả các dưỡng chất mà cơ thể cần như sắt, protein, canxi, phốt pho, vitamin và khoáng chất. Mỗi 100g lòng đỏ trứng có chứa 2,7 mg sắt nên loại thực phẩm này có thể giúp hạn chế nguy cơ thiếu máu ở trẻ. Đồng thời, chúng giúp bổ sung sắt, tăng cường lượng máu đi nuôi cơ thể.
Hầu hết các bé đều thích ăn trứng, đặc biệt là trứng chiên, trứng luộc lòng đào. Vì thế mẹ có thể dễ dàng đưa loại thực phẩm này vào thực đơn của bé. Tuy nhiên, không nên cho bé ăn quá 4 quả/tuần. Vì ăn quá nhiều trứng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của gan.
6. Rau xanh, củ, quả
Đây là thực phẩm tối quan trọng trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ. Rau bina, cải xoăn, súp lơ xanh… là những loại rau chứa nhiều sắt nhất.
Việc ăn rau xanh thường xuyên không những giúp bổ sung chất sắt mà còn có thể giúp bé phòng ngừa được các bệnh về tim mạch, béo phì… Trong rau xanh có rất nhiều những loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
7. Trái cây
Dưa hấu, nho, dâu tây, đu đủ, chuối, chà là, mận… có thể được kể đến là những loại trái cây giúp hỗ trợ bổ sung sắt cho trẻ.
Dưa hấu là loại quả thơm ngon, dễ ăn, giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết tốt. Ngoài ra dưa hấu còn giúp lợi tiểu, chữa trị bệnh viêm thận và bệnh huyết áp cao. Dâu tây và quả mâm xôi là hai loại trái cây có hàm lượng sắt cao, giúp trẻ bổ máu. Hơn nữa, dâu tây và mâm xôi còn giàu chất chống oxy hóa, có vai trò củng cố hệ miễn dịch cho cơ thể.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý bổ sung cho trẻ những loại quả chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, ổi, kiwi,… Vitamin C có khả năng tăng cường sự hấp thụ chất sắt của cơ thể.
8. Các loại đậu, hạt
Hạt và đậu có công dụng tuyệt vời trong việc bổ sung máu cho cơ thể vì chúng chứa hàm lượng chất sắt dồi dào.
Điển hình, đậu xanh và đậu nành đã được chứng minh là các thực phẩm bổ máu tuyệt vời để tăng mức độ huyết sắc tố cùng với folate và vitamin C. Cứ 100g đậu nành hoặc đậu xanh có 15,7 mg sắt.
Một số loại hạt có chứa sắt như: hạt bí ngô, hạt điều, hạt thông, hạt hướng dương, hạnh nhân…
9. Ngũ cốc nguyên cám
Ngũ cốc nguyên cám là lựa chọn lành mạnh cho người thiếu sắt. Những loại ngũ cốc nguyên hạt này nên được thêm vào chế độ ăn hàng tuần. Mỗi 100g lúa mạch, diêm mạch hoặc bột yến mạch có 2,5mg sắt.
Muốn phòng thiếu máu các mẹ cần phải làm gì?
- Các mẹ phải ăn uống tốt, đầy đủ khi có thai và cho con bú.
- Uống viên sắt khi biết mình có thai cho đến 1 tháng sau đẻ.
- Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ. Cho trẻ ăn bổ sung theo đúng tháng tuổi, chọn các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
- Cho trẻ tẩy giun theo định kì 6 tháng/lần.
Tổng kết
Để trẻ bổ máu mẹ cần cho trẻ ăn nhiều các loại thịt đỏ và đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để có nhiều vitamin và khoáng chất.
Xem thêm:
- Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tăng cân từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia
- Trẻ mấy tháng ăn được sữa chua: Mẹ cần lưu ý điều gì?
- Một bữa ăn sáng lành mạnh nên có những gì?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!