So với lần kết hôn đầu tiên thì thủ tục đăng ký kết hôn lần 2 sẽ có một số thay đổi nhỏ mà các đôi vợ chồng cần phải nắm bắt kịp thời và thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.
Trên thực tế, có rất nhiều người không may mắn khi có cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ và sau đó tìm thấy được nửa kia của mình, họ lại có mong muốn kết hôn lần thứ hai.
Vấn đề này thường gặp nhiều ở những cặp đôi trẻ, yêu đương nhưng không tạo thời gian lâu dài để tìm hiểu đối phương và dẫn đến tác hại của việc kết hôn sớm.
Vì vậy, rất nhiều cặp đôi thắc mắc việc kết hôn lần 2 cần những điều kiện nào và cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Để giải đáp những vướng mắc đó, theAsianparent xin cung cấp tới bạn đọc các quy định về việc đăng ký kết hôn lần thứ hai một cách chuẩn xác nhất và theo đúng như quy định của nhà nước hiện nay.
Những điều kiện đăng ký kết hôn lần 2
Cũng như đăng ký kết hôn lần một, khi kết hôn lần hai, hai bên nam nữ phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) hiện hành:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn: Kết hôn giả tạo; tảo hôn; cưỡng ép, cản trở, lừa dối kết hôn; kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng; kết hôn với người có cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi,…
- Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo thủ tục quy định tại Luật HN&GĐ.
Đặc biệt: Nhà nước hoàn toàn không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Chỉ có thể thực hiện thủ tục kết hôn lần 2 khi đã ly hôn
Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được khẳng định trong khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình đó là bạn chỉ có thể thực hiện thủ tục kết hôn lần 2 khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn với người trước.
Ngoài ra, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong quan hệ hôn nhân là người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Do đó, để được đăng ký kết hôn lần hai, một trong hai hoặc cả hai bên nam, nữ đã từng ly hôn và tại thời điểm đăng ký kết hôn bắt buộc hai bên đều phải không có vợ hoặc có chồng.
Như vậy, ngoài các điều kiện thông thường thì khi kết hôn lần hai, một trong hai hoặc cả hai người nam, nữ đã từng ly hôn phải có bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật (theo khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ).
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký kết hôn lần 2
Theo như quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn lần hai gồm có:
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ: Nam, nữ Việt Nam đăng ký kết hôn tại Việt Nam (khoản 1 Điều 17);
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam (khoản 1 Điều 37) nếu cặp đôi là công dân Việt Nam kết hôn với:
– Người nước ngoài;
– Công dân Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài;
– Cả 2 đều là công dân Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài với nhau;
– Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên người nước ngoài cư trú tại Việt Nam: Thực hiện đăng ký kết hôn khi có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam (khoản 1 Điều 37).
Thủ tục đăng ký kết hôn lần 2 mới nhất trong năm 2020
1. Chuẩn bị hồ sơ
Căn cứ Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, các giấy tờ cần chuẩn bị khi đăng ký kết hôn lần 02 là:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp;
- Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
Riêng người nước ngoài khi đăng ký kết hôn thì cần phải nộp các giấy tờ nêu tại Điều 30 Nghị định 123 gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; Nếu nước ngoài không cấp thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân;
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu,…
Những giấy tờ khác cần xuất trình: Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp. Lưu ý, những loại giấy tờ này đều phải đang còn thời hạn sử dụng.
2. Nộp hồ sơ
Khi thực hiện đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ không được ủy quyền cho người khác nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP).
3. Cấp giấy chứng nhận kết hôn lần hai
Căn cứ Điều 18 Luật Hộ tịch:
- Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch;
- Hai bên nam, nữ ký tên vào sổ hộ tịch, giấy chứng nhận kết hôn;
Nếu phải xác minh điều kiện kết hôn thì thời gian giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
Riêng việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ (theo Điều 11 Thông tư 04/2020).
Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
4. Trao giấy chứng nhận kết hôn
Trong trường hợp kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì ngay sau khi ký vào Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, công chức tư pháp, hộ tịch trao ngay cho hai bên nam, nữ.
Tuy nhiên, việc trao giấy chứng nhận kết hôn trong trường hợp có yếu tố nước ngoài được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký (Căn cứ Điều 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Nếu hai bên không thể có mặt để nhận thì phải đề nghị bằng văn bản và Phòng Tư pháp sẽ gia hạn thời gian trao không quá 60 ngày. Hết thời gian này mà hai bên không đến nhận thì hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký và phải đăng ký kết hôn lại từ đầu nếu sau đó hai bên vẫn muốn kết hôn.
Kết luận
Với những thông tin vô cùng hữu ích mà theAsianparent đã chia sẻ ở trên, chúng tôi mong rằng bạn sẽ nắm rõ những thông tin cần lưu ý khi thực hiện kết hôn lần 2 và chuẩn bị kỹ càng những giấy tờ quan trọng để hoàn tất thủ tục theo quy định của nhà nước.
Nếu muốn tìm hiểu thêm một số điều thú vị về cuộc sống hôn nhân sau này, bạn đừng quên ghé thăm vào website của theAsianparent nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!