Thói quen của bé sơ sinh mà ba mẹ có thể thường thấy nhất là mút ngón tay, thích nằm võng, ngậm ti,… Tuy vậy những thói quen này của bé sơ sinh về lâu về dài có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe của con sau. Hãy đọc bài viết để biết 5 thói quen của bé sơ sinh và giải pháp xử lý cho bé:
- Thói quen của bé sơ sinh – Mút ngón tay
- Nghiện vật trấn an – Thói quen thường gặp ở bé sơ sinh
- Thói quen nghiện ngậm bình sữa ở bé sơ sinh
- Bé sơ sinh nghiện nằm võng
- Thói quen của bé sơ sinh thường gặp: nghiện ti mẹ khi ngủ
Thói quen của bé sơ sinh – Mút ngón tay
Với các bé sơ sinh, mút ngón tay có thể được xem là một hiện tượng tâm lý bình thường. Các chuyên gia trẻ em lý giải rằng, trẻ sẽ cảm thấy thư giãn, an toàn và dễ chịu nếu được mút ngón tay những lúc khó chịu và đặc biệt là khi đi ngủ.
Tuy nhiên, nếu để trẻ mút ngón tay quá nhiều, thường xuyên và trở thành một thói quen không thể bỏ được thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bé. Càng đến tháng tuổi bé di chuyển được nhiều (ngồi, bò, đi, đứng), con sẽ tự do tiếp xúc, sờ nắm vào các đồ vật trong tầm tay. Lúc này đây nguy cơ về nhiễm khuẩn cũng sẽ tăng cao.
Những thói quen của bé sơ sinh có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe trẻ (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Ngoài ra, nếu để bé mút ngón tay quá nhiều trong lúc thức khi con đã ngày càng lớn (từ 2 tuổi trở lên) thì có thể ảnh hưởng đến khung xương hàm cũng như trật tự hàm răng của bé.
Mẹ cũng nên lưu ý, ngậm mút đầu tay kéo dài dễ khiến trẻ bị tổn thương ngón tay và gây ra các nguy hiểm cho phát triển cơ xương của tay.
Bạn có thể xem:
Giải pháp nào cho bố mẹ khi bé hay mút tay
Với bé dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên cắt móng tay cho bé thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ tay cho bé. Nếu bé cần mút để trấn an lúc ngủ thì hãy để nó diễn ra tự nhiên. Nhưng dần dần mẹ có thể nhẹ nhàng bỏ ra khi thấy bé đã say giấc.
Khi con lớn hơn, biết bỏ đồ vào miệng thì cần rửa tay thường xuyên cho con. Khi bé mút ngón tay lúc thức, từ từ nhẹ nhàng gỡ ra và nói với bé không được làm như vậy.
Thu hút sự chú ý của bé vào các loại đồ chơi hoặc hoạt động khác để con quên đi việc mút tay.
Nghiện vật trấn an – Thói quen thường gặp ở bé sơ sinh
Không ít bé đã 2,3 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen như đi đâu dù là ăn hay ngủ cũng phải khư khư vật trấn an ở bên cạnh như một con thú bông dễ thương hay một chiếc chăn yêu thích.
Với bé sơ sinh, đây là thói quen tốt ban đầu vì các đồ vật này thường giúp trẻ cảm thấy an toàn, ấm áp và không bị kích động khi gặp phải môi trường lạ. Con sẽ ngủ ngon hơn, ít quấy khóc nếu có các vật trấn an này. Tuy nhiên, vật trấn an cho bé không được vệ sinh hàng ngày, quá nhỏ hoặc có thể chùm lên mặt con trong lúc ngủ, gây ra nguy cơ ngạt thở và nhiễm khuẩn cho trẻ.
Giải pháp để an toàn cho bé khi sử dụng vật trấn an
Nếu lựa chọn tập thói quen sử dụng những đồ vật này cho con khi muốn con đi vào giấc ngủ ngon và cảm thấy tự tin hơn khi phải thay đổi môi trường, bố mẹ nên lưu ý:
- Vệ sinh thật sạch sẽ bụi bẩn, giặt giũ thường xuyên vật trấn an.
- Luôn kiểm tra tình trạng của con trong khi ngủ để đảm bảo thú bông không quá to hay chăn quá kích cỡ gây nguy hiểm cho bé.
Thói quen nghiện ngậm bình sữa ở bé sơ sinh
Hầu hết các chuyên gia đều khuyên bố mẹ nên tập cho bé thói quen bỏ bình khi bước vào lứa tuổi 18-24 tháng vì khi con mọc răng cũng là lúc thói quen này có thể gây nguy hại về cấu trúc răng cũng như vệ sinh an toàn cho bé.
Giải pháp nào cho bé nghiện ngậm bình sữa/ti giả
Khi bé bước vào độ tuổi ăn dặm, song song với bú bình, trong các bữa ăn mẹ nên tập cho bé uống nước từ cốc. Sau khi bé chuyển sang uống sữa hộp (từ 1 tuổi trở đi), khuyến khích bé kết thúc bữa sữa cách giờ đi ngủ tầm 30 phút và cho con uống sữa từ cốc hoặc ống hút.
Bạn có thể xem:
Bé sơ sinh nghiện nằm võng
Nằm võng hoặc nôi quay là lựa chọn yêu thích của nhiều bố mẹ và ông bà. Trẻ thường thích cảm giác đung đưa vì mang lại sự quen thuộc như khi con đang nằm trong bọc nước ối. Nhưng bố mẹ cần lưu ý về việc cho bé nằm võng, nôi quay quá nhiều và quá lâu. Về lâu về dài thói quen này có thể ảnh hưởng đến bé như:
- Con khó đi vào giấc ngủ và dễ tỉnh giấc nếu không được đung đưa.
- Hệ cơ xương non nớt của bé có thể bị ảnh hưởng.
- Bé bị quay, rung lắc mạnh sẽ tác động không tốt tới não của trẻ.
- Hiểm họa ngã, lật vọng sẽ cao hơn khi bé lớn dần, đặc biệt là từ tháng thứ 3 trở đi.
Nên hạn chế để trẻ nằm võng (Nguồn ảnh: Unplash)
Tiến sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chia sẻ: Khi trẻ nằm võng bị rung lắc quá mạnh sẽ khiến cho trẻ có thể bị hội chứng rung lắc. Đây là một dạng nặng của chấn thương đầu và não. Hội chứng này ít được biết đến ở Việt Nam, trong khi trên thế giới không phải mới. Thường xảy ra ở những bé dưới 2 tuổi hay thậm chí 5 tuổi bé vẫn có thể mắc và gặp nhiều nhất ở bé 9 tháng tuổi.
Theo số liệu thống kê ở Mỹ, mỗi năm có đến khoảng 1200-1400 trẻ bị chấn thương não và tử vong do rung lắc mỗi năm. Do đó, các bậc phụ huynh hãy đung đưa nhẹ nhàng khi bé nằm võng. Tốt nhất bố mẹ vẫn nên hạn chế không cho bé sử dụng võng từ quá sớm.
Giải pháp nào cho bé bị nghiền võng?
Thực ra, nếu có thể, bố mẹ không nên mua võng ngay từ khi chuẩn bị đồ dùng cho bé sơ sinh mà cần học kĩ năng để giúp bé tự đưa mình đi vào giấc ngủ ngay từ khi chào đời.
Trường hợp bé đã trót nghiện và đòi phải ngủ võng cả ngày cả đêm thì lúc này cần phải tập bỏ dần dần qua các cữ ngủ. Chịu khó nghe bé khóc và tập lại thói quen đi vào giấc ngủ của trẻ ở trên giường sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bé hơn.
Thói quen của bé sơ sinh thường gặp: Nghiện ti mẹ khi ngủ
Từ giải pháp ban đầu, mẹ ngủ con cũng ngủ, mẹ mệt thì ti nằm là tiện nhất. Nhưng dần dần sự an nhàn đã chuyển thành nỗi ám ảnh với nhiều mẹ. Đêm chẳng thể nhúc nhích dậy nổi để đi vệ sinh, ngày cứ phải nằm khư khư cạnh con lúc bé ngủ vì chỉ cần rút ti ra là con sẽ gào khóc và không yên giấc.
Bé nghiện ngậm ti mẹ khi ngủ (Nguồn ảnh: Vnexpress)
Giải pháp nào cho bé nghiện ti mẹ?
Mọi sự thay đổi đều sẽ khiến trẻ khóc lóc. Do đó điều đầu tiên mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho cả mình và bé là sức kiên nhẫn, chịu đựng khi con bị tước mất vật trấn an đặc biệt này.
- Luyện cho bé chuỗi thói quen ăn – chơi (hoạt động)- đi ngủ để con không bị nhầm “ti có nghĩa là đến giờ đi ngủ”.
- Khi bé khóc trong lúc ngủ, hãy cho con thời gian để bé tự ngủ lại thay vì ngay lập tức nhét ti vào miêng bé.
Trong năm đầu tiên khi mới chào đời, cơ thể và hệ miễn dịch của bé sơ sinh còn rất non nớt và yếu ớt. Điều này đòi hỏi bố mẹ cần có một chế độ chăm sóc cẩn trọng cũng như cách nuôi dưỡng khoa học, phù hợp để con được phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Đây sẽ là nền tảng tốt nhất cho phát triển của trẻ trong những năm tháng sau này.
Mong rằng mẹ và bé sẽ sớm cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn của việc thay đổi thói quen bé sơ sinh vì những lợi ích của trẻ trong những năm sau này.
Nguồn tham khảo: Rung lắc, đưa võng mạnh gây tổn hại não trẻ – Vnexpress
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!