Nếu bác sỹ chẩn đoán thai nhi bị dị tật, có bất thường hoặc khuyết tật nhiễm sắc thể, bạn có thể phải đối mặt với một số quyết định rất khó khăn và đau đớn. Nói chuyện với các chuyên gia y tế sẽ giúp vợ chồng bạn đưa ra quyết định phù hợp nhất .
Cảm xúc của cha mẹ khi thai nhi bị dị tật hoặc bất thường
Nếu thai nhi của bạn có bất thường nhiễm sắc thể hoặc nguy cơ dị tật khác, đó sẽ là một thời điểm rất khó khăn, đặc biệt nếu bạn không hề chuẩn bị cho tin xấu này.
Việc xuất hiện rất nhiều các trạng thái cảm xúc là điều dễ hiểu. Mẹ bầu có thể cảm thấy sốc, tức giận, buồn bã, cảm giác tội lỗi, lo âu, căng thẳng hoặc xấu hổ. Bạn cũng có thể cảm thấy bị cô lập hay ngắt kết nối với gia đình và bạn bè.
Mẹ mang thai thường cho rằng mình đã làm điều gì ảnh hưởng xấu tới thai nhi hoặc thấy ghen tị với những mẹ bầu khỏe mạnh khác. Cảm xúc của người mẹ phụ thuộc vào mức độ bất thường và tình trạng khuyết tật của thai nhi.
Không có đúng sai ở đây. Mỗi người sẽ có một phản ứng khác nhau trước tin dữ này.
Hãy gặp các nhà tư vấn di truyền học hoặc bác sĩ sản khoa, họ sẽ giúp đỡ bạn vượt qua các cảm xúc tiêu cực. Họ cũng có thể giúp bạn quyết định phải làm gì tiếp theo.
“Khi họ bảo rằng con tôi bị khuyết tật, tôi đã bị sốc. Tôi đã khóc rất nhiều.Tôi cảm thấy rất buồn. Điều duy nhất giúp chúng tôi lúc này là các thông tin của bác sỹ, thứ sẽ giúp chúng tôi có được phương án giải quyết đúng đắn. Vợ chồng tôi đã cùng nhau đưa ra quyết định, với sự đồng hành của cả gia đình.”
– Ellen, một bà mẹ 2 con chia sẻ
Tìm hiểu thêm bất thường hoặc khuyết tật ở thai nhi
Tìm hiểu thêm về tình trạng của thai nhi sẽ giúp bạn lập kế hoạch và đưa ra quyết định cho phần còn lại của thai kỳ.
Mẹ bầu nên nói chuyện với các bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh hoặc nhân viên tư vấn di truyền. Mẹ cũng có thể tham khảo cả bác sĩ nhi vì họ có thể biết về các khuyết tật và tình trạng của em bé.
Trả lời cho các câu hỏi dưới đây có thể giúp mẹ bé đưa ra quyết định sáng suốt về những gì bạn muốn làm trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.
Hỏi về tình trạng bất thường của thai nhi
- Con tôi có những bất thường nào?
- Tại sao con tôi gặp phải tình trạng này?
- Chúng ta có biết nhiều thông tin hơn nếu đợi thêm một vài tuần nữa hoặc làm thêm xét nghiệm khác không?
- Có đúng bé đang phải chịu đựng không?
- Tình trạng này có đe dọa đến tính mạng thai nhi trong bụng mẹ hoặc sau khi sinh không? Nếu có, trẻ có dị tật hoặc bất thường sẽ sống được trong bao lâu?
Những bất thường hoặc dị tật có thể ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
- Các vấn đề thể chất mà con tôi có thể gặp phải là gì?
- Con tôi có thể đi và / hoặc nói chuyện không?
- Các vấn đề sức khỏe chính của con tôi là gì?
- Con tôi có khó khăn về học tập hay khuyết tật trí tuệ không?
- Bé có thể về nhà cùng mẹ sau khi sinh không?
- Bạn có thực sự chắc chắn về những vấn đề mà con tôi sẽ gặp phải không?
Câu hỏi về các dịch vụ và hỗ trợ cho trẻ khuyết tật
- Trẻ em có bất thường hoặc dị tật có cần dịch vụ hỗ trợ không? Những dịch vụ nào có sẵn?
- Cha mẹ cần gì để nuôi dạy một đứa trẻ khuyết tật?
- Con tôi có thể tham dự lớp học chính quy không?
- Khi con tôi lớn lên, bé có thể sống độc lập không?
Các chuyên gia y tế có thể không trả lời được tất cả các câu hỏi chi tiết của cha mẹ. Thường thì không thể biết chính xác bé sẽ lớn lên và phát triển như thế nào sau khi được sinh ra. Bạn có thể liên lạc với các nhóm hỗ trợ hoặc nói chuyện với các gia đình có cùng tình trạng để tham khảo ý kiến.
Những lựa chọn sau chẩn đoán thai nhi dị tật hoặc bất thường
Bạn có hai lựa chọn sau chẩn đoán:
- tiếp tục mang thai
- chấm dứt thai kỳ nếu thai nhi chưa tới 24-28 tuần.
Tiếp tục mang thai
Nếu quyết định tiếp tục mang thai, mẹ bầu sẽ được theo dõi định kỳ bởi bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ hộ sinh, hoặc thai phụ sẽ cần đến một phòng chăm sóc đặc biệt.
Các bệnh viện sản khoa lớn thường có các phòng khám đặc biệt với các chuyên gia y tế có kinh nghiệm để:
- lên kế hoạch chăm sóc cho thời gian còn lại của thai kỳ, bao gồm chăm sóc sức khỏe tinh thần của người mẹ
- giúp mẹ quyết định nơi có thể sinh con. Thay vì bệnh viện phụ sản tại địa phương, có thể mẹ bé cần đến một bệnh viện sản phụ lớn với các cơ sở đặc biệt
- chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra lúc lâm bồn hoặc sau khi sinh – ví dụ, liệu bé có sống sót sau khi sinh hay mẹ sẽ về nhà với một đứa trẻ bị khuyết tật.
Nhân viên y tế sẽ hỗ trợ bạn trong giai đoạn này, cho đến khi bạn nhận được các dịch vụ hỗ trợ trong cộng đồng rộng lớn hơn, nếu đó là những gì bạn muốn.
Chấm dứt thai kỳ
Nếu mẹ chọn chấm dứt thai kỳ, các chuyên gia y tế sẽ đảm bảo điều này xảy ra an toàn.
Phương pháp đình chỉ thai sẽ phụ thuộc vào tuổi thai:
- Giai đoạn sớm của thai kỳ, đình chỉ thai được thực hiện bằng hình thức gây mê toàn thân, và bạn thường về nhà trong ngày. Phương pháp này thường được thực hiện khi thai nhi dưới 14 tuần.
- Giai đoạn muộn của thai kỳ, đình chỉ thai có thể phải dùng tới biện pháp mổ lấy thai sớm hoặc sinh non trong bệnh viện. Giai đoạn này phải mất tới 1-3 ngày, và bé có thể đã chết khi sinh ra hoặc chỉ sống một thời gian ngắn sau khi chào đời. Nếu bé đã được sinh ra, mẹ có thể dành chút thời gian ít ỏi ấy bên con. Lưu lại kỷ niệm bằng những bức hình hay dấu chân của bé.
Sau khi chấm dứt thai kỳ, bạn nên gặp bác sĩ sản khoa để được theo dõi và chăm sóc. Sẽ cần thời gian để người mẹ phục hồi cả thể chất và tinh thần.
Tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ: những điều cần cân nhắc
Sau chẩn đoán bất thường nhiễm sắc thể hoặc các dị tật khác ở thai nhi, một số mẹ chọn chấm dứt thai kỳ. Và những người khác chọn tiếp tục nó. Không có đúng hay sai – đó là sự lựa chọn của bạn.
Nhưng đó là một lựa chọn khó khăn, mà bạn phải thực hiện một cách nhanh chóng. Nói chuyện với các chuyên gia y tế và chồng mình sẽ giúp các mẹ biết cần phải làm gì.
Dưới đây là một số câu hỏi dành cho các chuyên gia y tế, đặc biệt là các nhà tư vấn di truyền học:
- Tôi có bao nhiêu thời gian để đưa ra quyết định?
- Làm thêm các xét nghiệm khác có cho tôi thêm thông tin không?
- Quyết định tiếp tục mang thai, tôi và con cần được chăm sóc như thế nào trong thời gian còn lại của thai kỳ?
- Nếu quyết định chấm dứt thai kỳ, chúng tôi nên làm như thế nào, ở đâu và khi nào?
Một số câu hỏi mẹ có thể tự vấn hay hỏi chồng mình:
- Tôi/chúng ta sẽ cảm thấy thế nào về việc chấm dứt thai kỳ?
- Tôi/chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu tiếp tục mang thai?
- Tôi/chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi sinh con bị khuyết tật?
- Tôi và bạn đời có cùng suy nghĩ và cảm xúc về tình huống này không? Nếu không, chúng tôi phải làm gì?
- Tôi/chúng ta mong đợi sự hỗ trợ nào từ gia đình và bạn bè với quyết định của mình?
Bạn và chồng cần phải hiểu rõ những suy nghĩ, cảm xúc và hậu quả lâu dài khi đưa ra quyết định tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ.
Nỗi đau của mẹ khi thai nhi bị khuyết tật
Dù quyết định thế nào, lúc này mẹ bầu vẫn sẽ có rất nhiểu cảm xúc hỗn độn: bối rối, cô lập, tự đổ lỗi và đau buồn vô hạn.
Nếu chọn tiếp tục mang thai, mẹ sẽ buồn vì mất đi hy vọng về một đứa con khỏe mạnh, bình thường. Nếu đình chỉ thai nghén, mẹ sẽ hụt hẫng vì mất con. Trong cả hai tình huống, mẹ đều vô cùng đau khổ.
Mọi người đều đau buồn theo những cách riêng, và nỗi đau ấy có thể ảnh hưởng đến thể chất, tình cảm, tâm lý và tinh thần của người mẹ. Mẹ có thể băn khoăn cảm giác này sẽ diễn ra trong bao lâu và liệu có ổn không nếu cứ buồn bã như vậy. Nhưng bạn được quyền như vậy, và không ai có thể phán quyết điều đó đúng hay sai.
Mẹ bầu nên tìm sự giúp đỡ để giải tỏa tâm lý của mình. Các nhà tư vấn di truyền học, nhân viên xã hội, hộ lý, bác sĩ gia đình và đôi khi là người thân, bạn bè sẽ giúp ích rất nhiều khi phát hiện thai nhi bị dị tật.
Theo raisingchildren
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!