Thai nhi 17 tuần đã có thể tung những cú đạp vào bụng mẹ. Tuy nhiên, việc mẹ cảm nhận con đang đạp ít hay đạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì thế mẹ cũng không cần lo lắng quá mức nếu cảm thấy trẻ không đạp nhiều.
- Sự phát triển của thai nhi tuần 17
- Cân nặng của thai nhi ở tuần thai này
- Con đã biết đạp chưa?
- Mẹ lưu ý gì trong chế độ ăn uống?
- Hiện tượng gò ở tuần 17
- Đau bụng và ra máu
- Nuôi dưỡng EQ cho bé
- Khuôn mặt em bé 17 tuần tuổi
Sự phát triển của thai nhi tuần 17
Thai 17 tuần nặng bao nhiêu? 6 chỉ số chính mẹ cần nắm vững để đánh giá tình hình sức khỏe và sự phát triển của thai nhi tuần 17 bao gồm đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, cân nặng thai nhi, chu vi đầu, chu vi bụng và tỉ lệ chiều dài từ đầu tới chân.
- Thai nhi 17 tuần tuổi đã phát triển gần như hoàn chỉnh và đã có thể đo được các chỉ số sinh trưởng chính xác hơn (Ảnh: istockphoto)
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết: Thai nhi tuần 17 có nhịp tim khoảng 140 – 150 nhịp/phút, gần gấp đôi nhịp tim của mẹ. Một số mẹ có kết quả siêu âm tim thai tuần 17 thấp hoặc cao hơn 140 – 150 nhịp/phút, tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì ở tuổi thai này, nhịp tim thai dưới 160 lần vẫn là bình thường.
Thai phụ nên chờ đến khoảng 24 – 26 tuần và đề nghị bác sĩ cho siêu âm tim thai (chuyên biệt) để khảo sát thêm. Ngoài ra, thời gian này cơ quan hô hấp cũng cho phép thai nhi hít vào, thở ra, mặc dù xung quanh toàn nước ối.
Các chỉ số này sẽ được tính toán dựa trên số tuần tuổi cộng với xê dịch từ 0-6 ngày.
Chỉ số thai nhi 17 tuần+0
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 30-42 mm, trung bình 36mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 22-26mm, trung bình 23mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 100-147mm, trung bình 124mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 130-146mm, trung bình 138mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 150-212g, trung bình 181g
Chỉ số thai nhi 17 tuần+1
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 31-43 mm, trung bình 36mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 23-27mm, trung bình 23mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 103-148mm, trung bình 126mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 132-148mm, trung bình 140mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 155-219g, trung bình 187g
Chỉ số thai 17 tuần+2
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 31-43 mm, trung bình 37mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 23-27mm, trung bình 24mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 104-148mm, trung bình 127mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 133-150mm, trung bình 142mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 160-226g, trung bình 193g
Chỉ số thai nhi 17 tuần+3
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 31-43 mm, trung bình 37mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 23-27mm, trung bình 24mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 106-149mm, trung bình 128mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 135-152mm, trung bình 144mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 165-233g, trung bình 199g
Chỉ số thai nhi 17 tuần+4
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 32-44 mm, trung bình 38mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 24-28mm, trung bình 24mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 109-150mm, trung bình 129mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 137-154mm, trung bình 145mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 170-240g, trung bình 205g
Chỉ số thai tuần 17+5
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 32-44 mm, trung bình 38mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 24-28mm, trung bình 24mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 111-151mm, trung bình 130mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 139-156mm, trung bình 147mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 175-247g, trung bình 211g
Chỉ số thai nhi 17+6
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 33-45mm, trung bình 39mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 25-29mm, trung bình 25mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 113-151mm, trung bình 132mm
- Chu vi vòng đầu (HC): 140-158mm, trung bình 149mm
- Cân nặng ước tính (EFW): 180-254g, trung bình 217g
- Các chỉ số phát triển thai nhi 17 tuần (Ảnh: istockphoto)
1. Thai nhi tuần thứ 17 nặng bao nhiêu?
Từ các chỉ số trên, mẹ bầu 17 tuần có thể nhận thấy rằng vào tuần này, bé vẫn còn rất nhỏ. Vậy thai nhi 17 tuần nặng bao nhiêu? Nếu hình dung mẹ có thể tưởng tượng rằng con chỉ nhỏ như một củ hành tây mà thôi. Lúc này chiều dài trung bình của bé tầm 13cm và nặng trung bình 181-205g.
Vào tuần này, da của thai nhi vẫn còn trong suốt đến mức có thể nhìn rõ các mạch máu đang hoạt động. Những sợi tóc và lớp lông tơ bao phủ cơ thể bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là con đã biết nuốt dịch nước ối. Xương của bé cũng dần trở nên vững chắc hơn.
2. Thai nhi tuần 17 biết đạp chưa?
Từ tháng thứ 4 trở đi cũng là lúc mẹ sẽ cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về một em bé đang lớn lên trong bụng mình thông qua hiện tượng thai máy.
Tuy nhiên, việc mẹ có thể nhận biết được con đang đạp ít hay đạp nhiều hoặc thậm chí không thấy bé đạp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Các mẹ mang thai lần đầu khó cảm nhận thai máy hơn vào tuần thứ 17. Một số mẹ chỉ nhận biết được các cú đạp của bé khi bước sang tuần thai thứ 18-20.
- Nếu mẹ mang thai lần 2 hoặc dáng người nhỏ nhắn, thành bụng mỏng thì rất có thể chỉ đến tuần thứ 15-18 là mẹ đã biết những lúc nào bé đang chuyển động rồi.
Vậy thai nhi 17 tuần biết đạp chưa? Câu trả lời là rồi. Nếu mẹ bầu 17 tuần chưa thấy bé đạp hoặc đạp ít thì cũng không cần lo lắng quá mức. Vào tuần này, những phát triển của thai nhi phần lớn sẽ được đánh giá qua siêu âm, các chỉ số phát triển, hiện tượng khó chịu của mẹ khi mang thai cũng như tim thai nhiều hơn là kiểm tra bằng cách đếm số lần thai máy.
3. Mẹ cần lưu ý những gì về chế độ dinh dưỡng của mình?
Từ lúc mang thai tuần 17 trở đi, cân nặng thai nhi sẽ tăng nhanh hơn (đây cũng là lý do bụng bầu của mẹ thường lộ rõ hơn vào thời điểm này). Vì vậy, mẹ cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của mình, cụ thể là:
- Luôn đảm bảo một bữa ăn của mẹ có đầy đủ 4 nhóm chất đạm, chất béo, tinh bột và đường, vitamin, muối khoáng và chất xơ.
- Đảm bảo cân nặng của mẹ không tăng quá 500g/tuần. Nếu mẹ tăng cân quá ít hoặc hầu như không tăng cân thì cần xem xét lại chế độ ăn uống của mình nhằm cải thiện cân nặng bởi tình trạng không tăng cân rất có thể khiến cho mẹ phải đối mặt với nguy cơ sinh non.
- Bé đã hình thành đầy đủ các giác quan nên mẹ cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi, sắt, axit folic. Hạn chế đồ ăn nhiều tinh bột không cần thiết. Thay vào đó có thể đổi sang ăn các loại ngũ cốc như khoai lang, khoai tây, cơm gạo lứt, bánh mì…
- Mẹ cần thận trọng các loại thực phẩm sử dụng để đảm bảo an toàn cho thai nhi (Ảnh: istockphoto)
4. Hiện tượng gò có đáng lo ngại không?
Một số mẹ cảm giác lo lắng khi thức dậy và bụng hơi căng cứng hoặc thậm chí nổi cục như nắm đấm. Hiện tượng thai gò được xem là bình thường nếu nó chỉ diễn ra từ 30 giây-2 phút và hết khi mẹ nằm nghỉ ngơi.
Trường hợp mẹ thấy cứng bụng nhiều, kéo dài và thường xuyên thì nên đi khám để phòng tránh động thai hoặc bị sinh non.
5. Đau bụng và ra máu vào tuần thai này có phải là dấu hiệu sảy thai?
Khi thấy mình có hiện tượng đau bụng, kèm theo chảy máu, tốt nhất là mẹ nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bị động thai. Hiện tượng này còn có thể gặp ở các mẹ bị viêm nhiễm vùng kín do nội tiết tố thay đổi, mẹ không chăm sóc và vệ sinh tốt khu vực này thì dễ bị viêm nhiễm phụ khoa, dẫn đến 1 trong các dấu hiệu là chảy máu.
Quan hệ tình dục với tư thế không phù hợp và lực tác động mạnh sẽ khiến tử cung bị co bóp và có thể chảy máu. Ngoài ra còn 1 nguyên nhân nghiêm trọng khác khiến mẹ bị đau bụng ra máu, đó là cảnh báo sảy thai. Tuy nhiên tình trạng này thường gặp trong khoảng 12 – 13 tuần đầu tiên từ khi mang thai nên khi mang thai tuần 17 mẹ cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Cách xử lý tốt nhất lúc này là nên đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế có chuyên môn để được bác sĩ thăm khám và kết luận chính xác.
6. Mẹ đừng quên nuôi dưỡng trí thông minh và cảm xúc cho bé ngay từ thời điểm này
Khi em bé 17 tuần cũng là lúc các giác quan của bé đã được hình thành. Dù con chưa nghe rõ hay nhìn thấy nhưng mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển trí não bộ và cảm xúc thông qua:
- Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và giàu canxi, sắt, folic, omega-3.
- Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng. Đây là yếu tố quan trọng để em bé phát triển khỏe mạnh nhất vào thời điểm này.
- Thư giãn bằng các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách, xem phim, tập thể dục hoặc bất kỳ sở thích hữu ích nào giúp mẹ bầu sảng khoái.
- Trò chuyện cùng bé sẽ giúp hình thành mối liên hệ sâu sắc giữa mẹ và bé.
Khuôn mặt thai nhi 17 tuần tuổi
Từ tuần thứ 12, cằm và mũi bé đã hài hòa hơn trên khuôn mặt, đồng thời các khớp xương, cơ trên mặt bé đã hình thành đầy đủ và dần phát triển cứng cáp hơn. Tại mốc 17 tuần, hình hài bé đã rõ hơn nhiều trên ảnh siêu âm, con đã có phản xạ mút tay giống như trẻ sơ sinh thực thụ. Cũng từ tuần thai này, con đã biết thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt như làm xấu, nhăn mặt, nheo mắt hay nhăn mặt, 1 số mẹ đi siêu âm còn thấy bé đang cười nữa. Lúc này đôi mắt của bé đã có thể đảo và chớp mắt, về sau mắt con sẽ chớp liên tục để làm quen với ánh sáng bên ngoài tử cung.
Nhìn chung đường nét khuôn mặt thai nhi 17 tuần tuổi đã rõ ràng với đầy đủ các bộ phận như mũi, miệng, lỗ mũi, mi mắt…
Một tuần thai kỳ nữa đã trôi qua. Mẹ bầu đừng quên ghi nhớ các điều trên để giúp con yêu lớn lên và phát triển tốt nhất có thể.
Nguồn tham khảo: Sự phát triển của thai nhi tuần 17 – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!