Thai lưu 14 tuần có thể do nhiều nguyên nhân: do sức khỏe của người mẹ có vấn đề, hoặc do thai nhi gặp các vấn đề như nhiễm trùng, rau bong non, dư ối, cạn ối… Mẹ cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để không ảnh hưởng tới lần mang thai tiếp theo.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Dấu hiệu thai lưu 14 tuần
- Nguyên nhân của tình trạng thai lưu 14 tuần
- Thai lưu 14 tuần sẽ được điều trị như thế nào?
- Sau thai lưu 14 tuần chị em cần thực hiện xét nghiệm gì và làm gì để chuẩn bị cho lần mang thai kế tiếp?
Dấu hiệu thai chết lưu mà các mẹ cần chú ý khi mang thai
- Chảy máu âm đạo: Mẹ bầu không nên chủ quan với bất kỳ sự tiết dịch bất thường nào từ âm đạo (dịch có mùi và có màu nào khác ngoài màu trắng), vì nó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung. Nhiễm trùng có thể làm suy yếu túi màng xung quanh em bé, gây nhiễm trùng bên trong tử cung hoặc làm cho túi ối bị vỡ.
- Đau bụng từ nhẹ đến nặng.
- Chóng mặt.
- Sốt cao.
- Không thể nghe tim thai.
- Đau lưng dữ dội.
- Chuột rút.
- Lưu ý rằng các dấu hiệu trên không phải lúc nào cũng cho biết thai đã chết. Nhưng nếu người mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao, nếu xuất hiện các dấu hiệu thai chết lưu như trên thì xác suất rủi ro càng cao.
Theo vinmec.com
Khám phá thêm:
Thai chết lưu thử que có lên 2 vạch không? Khi thai chết lưu que thử vẫn lên hai hai vạch vì thai vẫn lưu trong tử cung của mẹ, lượng nội tiết tố được sinh ra trong thời kỳ mang thai dưới mức bình thường nên khi thử vẫn cho kết quả hai vạch.
Thai lưu có cứu được không? Đây là trường hợp thai không còn phát triển nhưng đang còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, vì thế không có phương pháp nào giúp thai lưu phục hồi sự sống.
Thai lưu 14 tuần – Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Bước sang tuần thứ 14, tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ, hầu hết các mẹ đã cảm thấy yên tâm hơn. Tuy nhiên trong tuần này, tình trạng sảy thai, thai lưu vẫn có thể xảy ra.
Điều quan trọng là sau khi bị tình trạng thai lưu, chị em nên đi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, khám tiền sản kĩ càng để biết chính xác nguyên nhân.
Qua đó, bác sĩ mới có thể hướng dẫn và tư vấn để lần mang thai tiếp theo thành công được.
1. Thai lưu do sức khỏe của người mẹ có vấn đề
- Thai chết lưu hay gặp ở người mẹ bị nhiễm độc, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, viêm gan, giang mai, quai bị, cúm, sởi,…
- Mẹ bầu hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi.
- Người mẹ từng mang thai lưu, lạm dụng rượu hoặc ma túy, hút thuốc lá, béo phì, dưới 15 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
- Thai phụ mắc các bệnh mạn tính như suy gan, viêm thận, lao phổi, thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim,…
- Người mẹ mắc các bệnh nội tiết như suy giáp, basedow, tiểu đường, thiểu năng hoặc cường năng tuyến thượng thận,…
- Thai phụ bị dị dạng tử cung như tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển,… cũng khiến thai nhi bị nuôi dưỡng kém, thiếu chất, dẫn tới chết lưu.
2. Những nguyên nhân từ phía thai nhi
Một trong những nguyên nhân thai lưu, thai tự đào thải chính là do vấn đề về rối loạn nhiễm sắc thể. Ngoài ra thai có thể gặp các vấn đề khác như:
- Thai bị nhiễm trùng
- Rau bong non
- Các tai biến sản khoa khác như cạn ối, dư ối, …
Trong một số trường hợp thai lưu mà không rõ nguyên nhân cũng có thể xảy ra.
Khám phá thêm:
Thai lưu 14 tuần sẽ được điều trị như thế nào?
Thai 14 tuần tuổi đã khá lớn nên khi bị lưu sẽ không tự tiêu biến được mà cần phải được thực hiện thủ thuật lấy thai. Nếu bạn có dấu hiệu thai lưu, hãy khẩn trương đi khám để được điều trị phù hợp. Trong đó, bác sĩ thường đưa thai ra ngoài bằng các cách sau.
1. Nong cổ tử cung và hút
Bác sĩ sẽ nong cổ tử cung và dùng dụng cụ để lấy thai chết lưu ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ hạn chế thông tin mà bác sĩ có thể thu thập được để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể.
2. Mổ lấy thai
Bác sĩ sẽ thực hiện ca sinh mổ để lấy thai ra khỏi bụng mẹ.
3. Gây khởi phát chuyển dạ
Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc hoặc dùng thủ thuật bấm ối để gây khởi phát chuyển dạ. Trong trường hợp thai phụ vẫn chưa tự chuyển dạ được sau 2 tuần thai chết lưu, bác sĩ sẽ tiến hành gây khởi phát chuyển dạ vì nếu thai chết lưu trong tử cung lâu sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn đông máu gây nguy hiểm cho mẹ (đông máu nội mạch lan tỏa).
Sau thai lưu 14 tuần chị em cần thực hiện xét nghiệm gì và làm gì để chuẩn bị cho lần mang thai kế tiếp?
Để đảm bảo lần mang thai kế tiếp được an toàn và không xảy ra các vấn đề bất thường, chị em nên thực hiện theo các bước sau.
1. Đi khám lại tiền sản cả 2 vợ chồng
Vợ chồng cần khám sức khỏe sinh sản và làm các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm tinh dịch đồ, công thức máu, xét nghiệm nội tiết…).
2. Thực hiện xét nghiệm
Để kiểm tra được những nguyên nhân cũng như các rủi ro có thể xảy ra, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như sau trước khi chuẩn bị mang thai:
- Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể để phát hiện những bất thường về di truyền ở hai vợ chồng
- Tiến hành xét nghiệm hội chứng antiphospholipid (một trong những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu).
- Những xét nghiệm cần làm nếu muốn mang thai sau lần thai chết lưu
- Siêu âm ổ bụng để kiểm tra các bộ phận trong cơ quan sinh sản có dị dạng hay bất thường gì không
- Khám nội khoa và các chức năng của tim, gan, thận, phổi,..
- Xét nghiệm tinh dịch đồ để xem xét chất lượng tinh trùng nếu người chồng trên 40 tuổi
- Thực hiện xét nghiệm nội tiết tố
- Kiểm tra yếu tố Rh trong máu để xử lý kịp thời các trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con.
Sau đó người vợ nên tiêm phòng các loại vắcxin (nếu chưa tiêm đủ) và bổ sung sắt, axitfolic cho cả 2 vợ chồng trước khi mang thai 3 tháng.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!