Sinh thường luôn là biện pháp sinh được khuyến cáo tốt nhất cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp thai to, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo không xảy ra tai biến sản khoa đáng tiếc. Thai 4kg có phải là to? Thai 4kg có đẻ thường được không? là câu hỏi chung của nhiều bà mẹ có cân nặng thai nhi vượt chuẩn. Mời các mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thai 4kg có phải là thai to? Nguyên nhân khiến thai nhi có cân nặng hơn mức trung bình
Cân nặng của trẻ sơ sinh trung bình đạt khoảng 2,8 – 3,5kg nếu bé sinh đủ tháng. Trong trường hợp thai nhi nặng từ 4kg trở lên thì sẽ được gọi là thai to.
Ngoài yếu tố di truyền về giống nòi, hiện tượng thai to có thể do các nguyên nhân sau:
- Sức khỏe và thể lực của mẹ: 2 mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng như nhau nhưng mẹ nào cao lớn, mạnh khỏe hơn thì con cũng thường to khỏe hơn
- Con đẻ lần sau (con rạ) thường có cân nặng lớn hơn so với con so
- Mẹ từng mang thai có trọng lượng >4kg
- Nếu bà mẹ béo phì, đặc biệt nếu bị bệnh tiểu đường thì cân nặng của con chắc chắn sẽ vượt quá mức bình thường.
- Tăng cân quá nhiều khi mang thai:Những gì bạn bạn ăn và số cân nặng tăng lên trong thời gian bầu bí sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng của em bé khi chào đời.
Thai 4kg có sinh thường được không?
Kích thước của em bé không phải là điều duy nhất mà bác sĩ căn cứ để lên kế hoạch sinh thường hay sinh mổ cho mẹ bầu. Nếu các dấu hiệu chỉ ra em bé có cân nặng 4kg thì cũng chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải sinh mổ mà bạn vẫn có thể chọn phương pháp sinh thường. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức khỏe mẹ và thai nhi, khung xương chậu của mẹ, độ mở của tử cung, ngôi thai…
Trong 1 số trường hợp đánh giá các chỉ số an toàn và thuận lợi, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thường. Chính vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi thai 4kg có đẻ thường được không là Có. Lời khuyên dành cho mẹ lúc này là nghe theo sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ để chuẩn bị cho cuộc sinh nở thuận lợi nhất.
Khi nào mẹ bắt buộc phải sinh mổ?
Thai quá to
Nếu thăm khám lâm sàng cho kết quả thai to trên 4.5kg thì mẹ sẽ được chỉ định mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Xương chậu nhỏ hoặc biến dạng
Những mẹ có xương chậu nhỏ hoặc biến dạng, tiền sử bị bị gãy xương chậu hoặc bị lùn bẩm sinh, xương chậu nhỏ thì bắt buộc mổ lấy thai để phòng tình huống thai không thể trườn ra khỏi xương chậu của mẹ.
Mẹ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường thai kỳ
Đây là những bệnh lý có nguy cơ bị tiền sản giật, phù thận trong thời điểm chuyển dạ. Vì vậy, ngoài yếu tố thai to thì bác sĩ sẽ đánh giá khả năng, nguy cơ xảy ra biến chứng để chỉ định sinh mổ.
Thai nhi có vị trí bất thường
Bên cạnh cân nặng của thai nhi cao hơn mức bình thường, nếu đến ngày sinh mà thai không quay đầu hoặc ngôi ngang thì bác sĩ sẽ chỉ định đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Đã từng sinh mổ
Theo thống kê, nếu chị em đã từng sinh mổ trước đó thì đến 90% lần sinh nở tiếp theo sẽ là sinh mổ. Chị em sinh thường sau sinh mổ có nguy cơ vỡ tử cung và băng huyết rất cao. Trong thời kỳ mang thai, mẹ nên thăm khám thường xuyên để bác sĩ có lời khuyên chính xác.
Nhau bong non
Nhau bong non là hiện tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu mẹ sinh thường. Chỉ có thể phát hiện ra các dấu hiệu nhau bong ở cuối tam cá nguyệt thứ 3 và trong quá trình chuyển dạ. Trường hợp nguy hiểm nhất là khi nhau bong non sẽ ngăn cản sự truyền oxi qua nhau thai và khiến bé chết lưu do bị ngạt trước khi chào đời.
Chuyển dạ kéo dài
Thời gian chuyển dạ kéo dài hơn 24 tiếng mà cổ tử cung vẫn chưa mở đủ kích thước thì khả năng bà bầu sinh mổ rất cao. Nếu vì một lý do nào đó mà cuộc chuyển dạ kéo dài thì bác sĩ có thể sẽ can thiệp bằng thuốc kích thích hoặc thủ thuật hay phẫu thuật để lấy thai.
Mẹ nên làm gì khi bác sĩ chẩn đoán thai 4kg?
Cân nặng của thai nhi luôn là quan tâm hàng đầu của mẹ trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, không hẳn thai to 4kg là mẹ nên vui mừng. Thai to sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong quá trình chuyển dạ như chậm phản xạ, khóc yếu, không chuyển động và ngất sau khi sinh. Đối với mẹ, nguy cơ chảy máu, đờ tử cung, tổn thương tầng sinh môn, thậm chí vỡ tử cung khi sinh cũng cao hơn. Chính vì vậy, khi được chẩn đoán thai to, mẹ nên lưu ý các vấn đề sau:
- Trước sinh cần thăm khám định kỳ, theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé. Theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, theo dõi các các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ. Cần tới bệnh viện ngay khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/1 tuần
- Chế độ dinh dưỡng: ăn nhiều rau, hạn chế ăn nhiều đường và tinh bột, tập các vận động nhẹ nhàng
- Cần khám chuyên khoa tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa nội tiết 4 – 6 tuần sau sinh.
Lời kết
Hi vọng bài viết trên đã giúp mẹ trả lời được câu hỏi con 4kg có sinh thường được không? Từ đó có những quyết định phù hợp để quá trình vượt cạn được thuận lợi nhất. Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ cũng đừng nên quá lo lắng, ăn uống và nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt sức khỏe để chuẩn bị bước sang 1 hành trình mới cùng con yêu.
Xem thêm
- Thai 38 tuần thấy 10 dấu hiệu này, chúc mừng mẹ vì bé đã sẵn sàng chào đời
- Bảng cân nặng mới nhất 2020 từ WHO giúp mẹ theo dõi sự phát triển của trẻ hiệu quả nhất
- Quy trình sinh mổ và thời gian một ca sinh mẹ cần biết
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!