Thai 20 tuần phát triển như thế nào? Đây là mốc đánh dấu sản phụ đã đi được một nửa trong quá trình mang thai. Lúc này bà bầu đã có thể cảm nhận được các cử động của thai nhi. Thai nhi thường xuyên hoạt động, ngủ và thức dậy, ngoài ra còn có thể bị đánh thức bởi tiếng ồn hoặc chuyển động của sản phụ. Mẹ có thể sẽ bị hành hạ bởi chứng khó tiêu và ợ nóng, đôi khi mẹ sẽ thấy hơi khó thở. Lúc này thai nhi có cân nặng trung bình là 300gr và dài khoảng 16,5 – 17cm.
Để hiểu chi tiết hãy cùng theAsianparent Việt Nam tìm hiểu qua các thông tin dưới đây:
- Thai 20 tuần phát triển như thế nào?
- Chỉ số thai nhi 20 tuần tuổi – Hình ảnh thai 20 tuần ra sao?
- Thai 20 tuần là mấy tháng ?Cơ thể mẹ bầu thay đổi ra sao?
- Thai máy tuần 20 như thế nào – Mẹ đã cảm nhận được chưa?
- Dinh dưỡng cho mẹ bầu khi mang thai
Thai 20 tuần phát triển như thế nào?
Thai 20 tuần phát triển như thế nào là thắc mắc của nhiều mẹ. Ở tuần thứ 20, cân nặng của bé trung bình là 300gr và dài khoảng 16,5 – 17cm (tính từ đầu đến mông). Nếu đo từ đầu đến chân thì chỉ số chiều dài của con tuần này đã được 25,5 – 26cm rồi. Vì bé đã lớn nhanh như vậy nên bé cần hấp thu nhiều dưỡng chất từ mẹ hơn.
ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Ơn, Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết: Khi thai nhi đạt 20 tuần tuổi thì lúc này toàn bộ cơ thể của trẻ sẽ được bao bọc bên trong một lớp chất màu trắng được gọi là vernix caseosa hay còn được biết đến là chất gây. Loại chất này có tác dụng giúp bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ khỏi các kích thích khi ở bên trong túi nước ối. Bên cạnh đó, chất này còn có tác dụng bôi trơn giúp thai nhi dễ dàng ra ngoài hơn trong suốt quá trình sinh nở.
Khi đạt 20 tuần tuổi thì thai nhi đã có thể tự mút ngón tay của mình (Ảnh: istockphoto)
Khi thai hai mươi tuần tuổi, hệ thống tiêu hóa của bé phát triển nhanh chóng. Thậm chí bé đã bắt đầu thải ra phân su – chất dính màu đen/xanh đậm được bé thải vào nước ối một phần và tiếp tục tích tụ trong ruột của bé, nó sẽ được thải ra ngoài sau khi bé chào đời. Lúc này, lông mày, mí mắt, móng tay cũng như bộ phận sinh dục của bé cũng đã bắt đầu hình thành và phát triển.
Ngoài ra, thai nhi có thể mút ngón tay cái của mình. Nhưng hành động này vẫn chưa thực sự phát triển đầy đủ trong giai đoạn này. Cơ thể bé bắt đầu hoàn thiện các chức năng.
Xem thêm >>>>
Các chỉ số quan trọng của thai nhi 19 tuần
Sự thật 7 cú đạp của bé trong bụng mẹ
Cơ thể mẹ bầu 20 tuần thay đổi ra sao?
Khi bước vào tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm thấy mình dường như đã đãng trí hơn trước và trở nên lo lắng. Yên tâm, đây là tình trạng rất bình thường khi các mẹ bầu mang thai!
Chứng đãng trí đôi khi có thể khiến mẹ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống nhưng yên tâm tình trạng này sẽ tự hết sau đó đấy. Để đảm bảo cho công việc, mẹ có thể tập trung làm một việc thay vì làm nhiều việc như trước để giúp đảm bảo không gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và công việc của mẹ. Ngoài ra còn có một số thay đổi rõ rệt trong cơ thể mẹ:
- Thai 20 tuần là tháng thứ 5. Từ nay cho đến hết tuần 26, tử cung bạn tiếp tục giãn mạnh. Bạn bắt đầu cảm thấy hơi khó thở vì dung tích phổi thu lại. Nhưng bạn hãy yên tâm, lồng ngực của bạn được nâng lên phía trên để tạo nhiều không gian hơn. Đồng thời xương sườn dưới chuyển dần sang hai bên.
- Chứng khó tiêu và ợ nóng tiếp tục tái phát do tác động của nội tiết tố giới tính duy trì thai, làm giãn các dây chằng ở khung xương chậu.
- Chân và mắt cá chân của bạn có thể đã bắt đầu sưng lên. Cơ thể bạn đang tích nhiều nước hơn bình thường. Hiện tượng phù nề cũng xảy ra khi bạn đứng lâu. Bà bầu bị phù chân hãy chọn những đôi giày thoải mái, hơi rộng để dễ xỏ vào chứ không kích chân.
- Ngáy to: Nồng độ hormone estrogen tăng lên gây ra rất nhiều tình trạng ngáy ngủ vì nó làm cho màng nhầy lót đường thở bị sưng và gây ra âm thanh rất to khi hô hấp. Đây là lý do vì sao hầu hết mẹ bầu trước đó chưa từng ngáy thì giờ vẫn gặp tình trạng ngáy to. Cách hạn chế là mẹ kê cao gối một chút và nằm nghiêng về một bên. Vấn đề này sẽ hết sau khi bạn sinh em bé.
Bước vào tuần thứ 20 của thai kỳ mẹ sẽ cảm thấy mình có chút đãng trí hơn (Ảnh: istockphoto)
Thai 20 tuần máy như thế nào – Mẹ đã cảm nhận được chưa?
Thai hai mươi tuần cũng là thời điểm mẹ cảm nhận được những cú đạp đầu đời của con, hay còn gọi là “thai máy”. Trên thực tế, một số mẹ bầu phải đợi đến tuần thứ 21-22 mới cảm nhận được bé đạp, có người lại thấy thai máy từ tuần 16-18. Sự khác biệt này hoàn toàn bình thường, nên mẹ bầu không cần quá lo lắng.
Ngoài niềm hạnh phúc khi cảm nhận được quá trình lớn lên của con, mẹ bầu cũng cần học cách đếm số lần bé đạp trong ngày. Thai nhi khỏe mạnh khi có hơn 4 lần cử động trong 30 phút, 3 lần mỗi ngày.
Cách đếm thai máy mẹ cần ghi nhớ là nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần mỗi 30 phút, mẹ bầu cần đi nằm nghỉ và đếm cử động thai trong một giờ hoặc 2-4 giờ. Nếu thấy trong một giờ có trên 4 lần thai cử động. Hoặc trong 4 giờ có nhiều hơn 10 cử động thai, tiếp tục đếm 3 lần trong một ngày như trước. Tần suất này ổn định thì thai nhi vẫn khỏe mạnh.
Lưu ý, số lần thai máy đột nhiên giảm rõ rệt cũng có thể là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe kém, suy thai, bé không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển…
Xem thêm >>>>
Thai nhi 20 tuần tuổi vị trí như nào ? bé đã quay đầu hay chưa?
Sự sống và hoạt động của thai nhi tuần thứ 20
Dinh dưỡng cho mẹ bầu khi mang thai tuần 20
Thai 20 tuần bà bầu nên ăn gì? Từ tuần 20 trở đi, não bé tăng 6 lần cả về kích thước lẫn khối lượng. Tế bào não hình thành những kết nối phức tạp hơn, tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng nhanh hơn. Vì vậy, nhu cầu về dưỡng chất của bé tăng cao trong thời kỳ này. Đặc biệt là DHA, cholin, acid folic, sắt.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, ở tuần thai thứ 20 trở đi, hàng ngày mẹ nên bổ sung khoảng 140mg DHA, 450mg choline, 27mg sắt (gấp đôi mức bình thường), 600g acid folic (gấp 1,5 lần bình thường). Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi.
Acid folic (còn gọi là vitamin B9) giúp phát triển ống thần kinh và tủy sống của thai nhi. Ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh ở bé. Lượng dưỡng chất này tương đương với 700g cá hồi, 500g rau củ, 6 quả trứng và 400g măng tây mẹ cần ăn mỗi ngày.
Khi bước sang tuần thứ 20 mẹ nên bổ sung thêm DHA để giúp trẻ thông minh hơn (Ảnh: istockphoto)
Không dễ để dung nạp nhiều thực phẩm đến thế, nhất là các mẹ bầu nghén ăn. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong thai kỳ, mẹ có thể uống thêm 1-2 ly sữa bầu mỗi ngày. Nên chọn các loại sữa dễ uống, giàu DHA, cholin, acid folic, sắt, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh và hoàn thiện não bộ.
Một số lời khuyên cho mẹ
Ở tuần thai này, đỉnh tử cung đã ngang với rốn của mẹ và số cân nặng đã tăng từ 3,6 – 4,5kg. Dự kiến trong suốt những tuần còn lại của thai kỳ, mỗi tuần mẹ sẽ tăng khoảng 0,23 – 0,45kg tùy thuộc vào chế độ ăn uống và khả năng hấp thu của cơ thể cũng như cân nặng trước khi mang thai.
Nếu mẹ bầu thuộc diện thừa cân, béo phì hoặc tiểu đường thai kỳ thì bác sĩ sẽ tư vấn 1 chế độ ăn uống lành mạnh và hướng dẫn điều chỉnh mức độ ăn uống cũng như hoạt động. Các mẹ nhẹ cân, suy dinh dưỡng hoặc có vấn đề về chuyển hóa cũng cần được theo dõi chặt chẽ hơn. Nhìn chung, kiểm soát cân nặng là điều quan trọng các mẹ cần chú ý trong thời điểm này.
Trong tuần thai thứ 20 và trong suốt thai kì bà bầu cần uống nước đầy đủ từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, cũng cần tránh ăn các món cay nóng, rượu bia và các đồ uống có chứa caffein. Ngoài ra, hãy lựa chọn những trang phục rộng rãi, thoáng khí để cơ thể thoải mái hơn. Bên cạnh đó, bà bầu mang thai cần lựa chọn những đôi giày có cỡ lớn hơn để vừa vặn với đôi chân bị phù nề.
Hãy thư giãn nhiều hơn để tinh thần và cơ thể được thoải mái và khỏe khoắn hơn. Bạn có thể nghe nhạc, đọc sách, tập yoga, tắm nước ấm… đều rất tốt cho thai kỳ!
Nguồn tham khảo: Sự phát triển của thai nhi tuần 20 – Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!