Tập cho bé bỏ bỉm – cụm từ đơn giản nhưng để thực hiện được nó lại là cả một quá trình khó khăn và lâu dài. Cùng tìm hiểu những cách đơn giản nhất.
Có những thứ phát minh làm thay đổi cuộc sống của con người, mang nền văn minh hơn cho nhân loại. Nhưng cũng có những phát minh nhẹ nhàng, mang lại cảm giác « dễ thở » cho cuộc sống.
Bỉm là một trong số đó.
Bỉm giúp các ông bố, bà mẹ trong cuộc chiến nuôi con. Có bỉm, bố mẹ có thể từ bỏ những đêm thức trắng. Với bỉm, bé cũng không mấy khi phải quấy đêm.
Nhưng quen với bỉm rồi, muốn bỏ bỉm đi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Cần làm từng bước, thật từ từ
Một hành trình dài để bỏ bỉm ra khỏi bé
Bỏ bỉm sớm hay muộn ? Đó là câu hỏi rất nhiều bố mẹ băn khoăn.
Sẽ ra sao nếu bé cứ đi vệ sinh đầy nhà trong khi đã bỏ bỉm và chưa sẵn sàng? Phải hết sức cẩn thận với trường hợp này. Nhiều ông bố, bà mẹ không thể kiềm chế luôn đánh con, mắng con hết sức gay gắt.
Một điều kiện tiên quyết cần nhớ, đó là không mắng con dưới bất kỳ hình thức nào!
Gây áp lực làm tổn thương tâm lý cho bé. Nó khiến cho việc bỏ bỉm mất nhiều công sức và thời gian hơn. Vì vây, nguyên tắc tiếp theo của quá trình này chính là: Kiên nhẫn.
Kế đến, phải phân rõ rằng, bỉm ngày khác, bỉm đêm khác. Tập cho bé bỏ bỉm cũng phải tuân theo quy tắc ngày trước, đêm sau. Và xác định đi, nó có thể kéo dài hàng năm.
Bỏ bỉm ngày
Khó, nhưng không phải là không thể
Trước khi bỏ bỉm cho con, các mẹ cần xách định con sẽ tè dầm vài hôm hoặc lâu hơn nữa. Điều quan trọng là mỗi lần con tè, mẹ nên dặn con ra tín hiệu. Chẳng hạn: “Con ơi, con tè rồi kìa. Khi nào con thấy buồn buồn ở bụng sắp tè thì gọi mẹ nhé”, và rung rung bụng dưới của con để bé hiểu cảm giác buồn tè như thế nào.
Đến lúc con bắt đầu gọi được rồi thì tốt. Việc tiếp theo các mẹ cần làm là nhắc con tè đúng chỗ. Lúc này, tè vào bô là hợp lý nhất.
Khi con đã quen với việc ra tín hiệu đi tè cũng như biết tìm đến đúng chỗ đi vệ sinh thì thói quen tự đi vệ sinh của bé đã hình thành. Lúc này, mỗi lần buồn, bé sẽ tự tìm đến chỗ thích hợp để đi tè khi có nhu cầu và hoàn toàn bỏ được bỉm.
Tuy nhiên, khi đã bỏ bỉm thành công, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng các bé tè dầm. Mặc dù biết chỗ thích hợp là bô. Điều này có thể do bé mải chơi, do tín hiệu thông báo buồn tè chưa được nhanh nhạy như người lớn.
Bỏ bỉm đêm
Hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam
Việc bỏ bỉm đêm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Một trong những nguyên tắc quan trọng là trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ, không nên cho trẻ uống nước và bắt đầu giảm tần suất hoạt động. Ngay trước khi lên giường phải để bé đi vệ sinh.
Một số người áp dụng việc gọi bé dậy giữa đêm để đi tè. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia phản đối hành động này bởi việc cắt ngang giấc ngủ ngon của bé tệ hơn rất nhiều so với việc một chiếc giường bị ướt.
Trong những ngày thực hiện bỏ bỉm, để tránh phải thay đệm và ga giường thường xuyên, bạn có thể sử dụng thêm ga hoặc thảm chống thấm.
Ở phần này, nguyên tắc là kiên nhẫn chờ đợi dấu hiệu thích hợp. Nếu bé có một tuần bỉm khô liên tục thì đây chính là thời điểm bé đã sẵn sàng nói lời tạm biệt với những chiếc bỉm.
Thông thường nhu cầu mặc bỉm đêm của bé có thể kéo dài đến năm 4, 5 tuổi. Nếu đến 6 tuổi, bé vẫn phải dùng bỉm thì đây là lúc bạn nên tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng bởi sớm hay muộn thì bé cũng sẽ học được cách điều khiển cơ thể và nhu cầu.
Lời kết
Cần rèn luyện bé bỏ bỉm
Tập cho bé bỏ bỉm, đó là tập một thói quen tốt và lâu dài. Mà bố mẹ biết đấy, cái xấu thì rất nhanh chứ cái tốt thì rất khó. Do vậy, đừng đặt nặng tâm lý rằng sẽ phải tập cho bé bỏ bỉm trong vòng 1 tháng, 2 tháng, hay nửa năm.
Nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Về tâm lý con, về thói quen, về nhu cầu ăn uống,….
Nói chung, chắc chắn bé sẽ bỏ bỉm trước năm 18 tuổi thôi. Đừng lo lắng.
Theo Zing
Xem thêm:
Khi nào mẹ nên bỏ bỉm cho con? Kinh nghiệm giúp con bỏ bỉm thành công
Bỉm bơi cho bé Sản phẩm hữu ích mẹ đã thủ sẵn cho bé trong mùa hè này?
5 Cách điều trị trầm cảm sau sinh mẹ bỉm cần biết để tự vượt qua
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!