Sống chung với em chồng cũng là một điều “nhức nhối” và nhọc nhằn không kém trong mối quan hệ “chị dâu-em chồng”. Vậy làm sao để chị em hoà thuận và bạn thì thoải mái khi sống chung một mái nhà?
Bế tắc khi bất đắc dĩ sống chung với em chồng
Cứ tưởng hai vợ chồng đã ra ở riêng thì sẽ có được không gian tự do, thoải mái và không gò bó. Nhưng đôi khi, niềm vui chưa tận hưởng được bao lâu thì nhiều chị em phải chịu cảnh sống chung với em chồng vì nhiều lý do khác nhau.
Có thể kể đến một vài lý do như sau:
- Em chồng còn nhỏ, chưa tự lập được nên ở chung với anh chị cho an toàn
- Gia đình khó khăn nên ở chung với anh chị để tiết kiệm
- Em chồng đã có gia đình, nhưng đang ly thân hay đã ly dị và chưa có chỗ ở mới
- Chồng nghĩ cho gia đình, luôn muốn anh chị em ở chung để tiện bề chăm sóc nhau
- Nhà bố mẹ chồng mua cho nên muốn em chồng vào ở chung
- Và rất nhiều lý do với nhiều hoản cảnh khác nhau
Cho dù là bạn sẽ phải sống chung với em chồng ngắn hạn, hay dài hạn, và cho dù bạn và em chồng có thân nhau đến cỡ nào, thì việc xảy ra mâu thuẫn sẽ không thể nào tránh khỏi.
Một vài mâu thuẫn, bất đồng, ức chế có thể xảy ra khi sống chung với em chồng là do:
- Em chồng ở bẩn, không dọn dẹp vệ sinh chỗ ở
- Bạn bị em chồng xem như “osin” trong nhà
- Hay đi chơi về muộn và không tôn trọng giờ giấc của gia đình chung
- Em chồng không tinh ý, chiếm hết không gian chung nên hai vợ chồng ít có không gian riêng
- Không đồng tình với cách bạn chăm sóc chồng, và có ý kiến
- Cùng nhiều nguyên nhân bé có, lớn có đều dẫn đến xung đột khi sống chung với nhau
Bí kíp hoà thuận khi sống chung với em chồng
Phân chia không gian sống, tránh sự chung đụng
Nếu may mắn, nhà có nhiều phòng ngủ thì việc em chồng có một không gian riêng tuyệt đối là quá tuyệt vời. Nhưng hầu hết diện tích nhà tại Việt Nam khá chật nên việc phải sử dụng chung với nhau nhiều không gian sống là khó tránh khỏi.
Để tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày, chị dâu – em chồng nên nói chuyện phân chia rõ ràng không gian sống và tôn trọng nhau. Nếu được, hãy càng thảo luận chi tiết càng tốt. Ví dụ: trong phòng khách hay bếp thì vật dụng nào nên sử dụng chung, vật dụng nào không. Trong tủ lạnh thì đồ ăn riêng của em chồng có thể để ở khu vực nào. Cả hai nên tôn trọng và luôn giữ sạch sẽ không gian sống chung.
Thậm chí, bước đầu bạn nên chịu mất lòng trước được lòng sau, chị em nên thoả thuận với nhau quy tắc sống ngay từ ban đầu. Và sau đó, các bên tôn trọng không gian riêng và đồ dùng cá nhân của nhau, tránh xâm phạm.
Phân chia công việc nhà cụ thể
Việc trao đổi, phân chia công việc nhà cụ thể sẽ tránh tình trạng đùn đẩy, canh nạnh và gây ức chế cho nhau. Mỗi người trong nhà, ngay cả chồng bạn, cũng nên tham gia san sẻ công việc nhà, dù chỉ là chút ít. Hãy thống nhất rõ ràng, phân công trách nhiệm anh minh để các bên đều thoải mái sống chung dưới một mái nhà.
Đề nghị em đóng góp tài chính nếu cần
Đây là một vấn đề nhạy cảm nên bạn cần phải hết sức tinh tế nếu phải đề cập đến. Nếu em còn nhỏ, phải đi học thì thay vì đóng góp tài chính, em có thể đóng góp sức bằng việc thực hiện tốt công việc nhà như đã bàn ở trên.
Nếu em chồng đã đi làm, và nhà bạn cũng không khá giả, thì hai vợ chồng có thể trao đổi nói em đóng góp vào kinh tế chi tiêu của gia đình. Những khoản tiền chung như tiền bếp ga, tiền nước, tiền điện,..nên thoả thuận và chia đều các bên.
Còn trong trường hợp gia đình bạn có thể lo liệu hết cho em gái, thì cũng không thành vấn đề. Nhưng hãy chắn chắn rằng em chồng cũng sẽ đóng góp vào mái ấm chung này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thẳng thắn trao đổi những điểm chưa hài lòng về nhau
Hai chị em nên ngồi lại với nhau, lịch sự nhưng thẳng thắn trao đổi những vấn đề không bằng lòng ở nhau: về việc sử dụng không gian chung, cách dọn dẹp nhà cửa,…Hãy trao đổi theo hướng xây dựng bất cứ vấn đề nào xảy ra giữa để tình hình bớt căng thẳng và chị em ngày càng hiểu nhau hơn.
Sống chung với em chồng khi đã ra riêng có thể nói vẫn đỡ hơn với cả gia đình chồng. Nhưng đâu đó vẫn tồn tại những xích mích vì những chuyện vặt vãnh. Hãy tôn trọng, yêu thương, góp ý chân thành, không chỉ trích để mái nhà luôn được yên ấm và nhiều niềm vui.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!