Mùa tựu trường vừa đến, phụ huynh học sinh chưa kịp hết lo lắng khi con đi học trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì lại thêm nỗi lo khác khi số ca sốt xuất huyết tăng nhanh tại nhiều nơi, đã có ca tử vong.
TP.HCM ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng nhanh
Thạc sĩ Lê Hồng Nga, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết hiện nay tại TP.HCM mỗi tuần có 500 – 600 ca sốt xuất huyết.
Năm nay số ca sốt xuất huyết tăng chậm hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau, đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12.
Dự báo đỉnh dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay sẽ trễ hơn những năm trước, đồng thời số ca sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần sắp tới.
TP cũng đã ghi nhận 1 ca tử vong là bệnh nhân nữ 16 tuổi. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM vào ngày thứ 6 của bệnh khi đã trong tình trạng nặng. Khi bệnh nhân không còn khả năng cứu sống, gia đình đã xin đưa về nhà để lo hậu sự.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Nam – trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết hiện bệnh viện đang điều trị khoảng 15 – 20 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca bệnh nặng đến rất nặng, hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. Số ca mắc nhập viện Bệnh viện Nhi đồng đang tăng và dự kiến tăng mạnh trong những ngày tới.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng là nơi đang tiếp nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết từ nhẹ đến biến chứng nặng.
Hà Nội có hơn 1.700 ca mắc, 2 trường hợp tử vong
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Hà Nội đang có 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên đã có 2 ca tử vong. Cả 2 bệnh nhân đều có điểm chung là đến bệnh viện rất muộn (có một trẻ 17 tuổi), đều ở thời điểm đã có biến chứng.
Theo ông Hạnh, dịch năm nay xuất hiện trước ở các huyện ngoại thành rồi lan vào nội thành. Cao điểm dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 8 – 11 hằng năm, số ca mắc còn tiếp tục tăng cho đến tháng 11. Vì yếu tố đặc biệt là dịch Covid-19 nên người dân e ngại khi đến bệnh viện và có nguy cơ đến khi bệnh đã chuyển biến xấu khó can thiệp.
Đồng Nai ghi nhận hơn 3.300 ca mắc bệnh
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.300 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Dù số ca giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số ca nhập viện trong thời gian gần đây tăng mạnh. Đặc biệt, trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm đến 47,7% tổng số ca bệnh.
Chỉ trong tuần từ ngày 28/8 – 3/9, toàn tỉnh có gần 150 ca nhập viện do sốt xuất huyết, tăng hơn 20% so với tuần trước. Lượng bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tăng khoảng 20% so với tháng trước. Mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai đón gần 20 trẻ nhập viện điều trị do sốt xuất huyết.
Cần Thơ: Số ca bệnh tập trung vào trẻ lớn và người lớn
Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại Cần Thơ là trên 700 ca, không tăng so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong vài tuần gần đây số lượng ca bệnh tại một số quận huyện đang có dấu hiệu tăng so với những tuần trước đó.
Số ca bệnh năm nay tập trung vào trẻ lớn và người lớn nhiều hơn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, số ca bệnh sốt xuất huyết tập trung ở trẻ lớn từ 8 – 16 tuổi, trong đó nhiều trường hợp bị sốc nặng trong quá trình điều trị. Mỗi ngày khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện điều trị cho 40 – 45 ca bệnh, số ca trẻ lớn sốc nặng khoảng 5 – 10 ca.
Việc điều trị các ca sốc nặng ở trẻ lớn, trẻ có cân nặng cao khá vất vả so với trẻ nhỏ, tuy nhiên do được tập huấn phác đồ điều trị chống sốc kỹ nên hầu hết việc điều trị thuận lợi, không có ca tử vong.
Chuyên gia y tế cảnh báo số người mắc sốt xuất huyết còn tiếp tục tăng
Trong 8 tháng đầu năm 2020, TP. HCM đã có 11.999 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú và có 1 bệnh nhân tử vong.
Dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa. Bên cạnh việc phòng bệnh thì việc phát hiện sớm bệnh và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng.
Dấu hiệu bị sốt xuất huyết
Chuyên gia y tế khuyến cáo khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt thì cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà, cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ; nếu thấy mệt nhiều, sốt cao hoặc bất cứ bất thường nào, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Không nên vì Covid-19 mà ngại tới cơ sở y tế khám bệnh, vì hiện các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và có quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường với bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.
Trường học, ký túc xá… là nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết
Trường học, bệnh viện, ký túc xá… đều được coi là những điểm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Từ nhiều năm nay, hoạt động khử khuẩn, phun xịt muỗi tại tất cả các trường để chuẩn bị năm học mới là hoạt động thường quy của ngành giáo dục và ngành y tế.
Các trường học đều có những hoạt động diệt muỗi, loăng quăng hàng tuần. Tùy vào diễn biến của bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế sẽ kiểm tra tại các trường từ 1 – 3 tháng/lần.
Chính quyền địa phương cần giám sát các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết ở các điểm nguy cơ, trong đó có trường học, bệnh viện… Đồng thời mỗi gia đình cần tuân thủ dọn dẹp vệ sinh nơi ở, diệt muỗi, diệt lăng quăng tại nơi ở.
Sốt xuất huyết là dạng bệnh có thể điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện, nhưng trường hợp nào có thể ở nhà, trường hợp nào phải đến bệnh viện thì bác sĩ mới chỉ định được. Vì vậy nếu có những dấu hiệu nghi do mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay, không tự ý dùng hạ sốt hay truyền dịch tại nhà.
Theo tuoitre
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!