Sinh mổ được mấy lần, liệu người mẹ chỉ được sinh mổ nhiều nhất là 2 lần? Trên thực tế, các chuyên gia sản khoa cho rằng điều này còn phụ thuộc vào khoảng cách giữa các lần sinh, độ tuổi và sức khỏe của người mẹ.
Mẹ có thể đẻ mổ được mấy lần?
Hẳn mẹ bầu đã từng nghe rất nhiều thông tin rằng, việc sinh mổ chỉ được thực hiện nhiều nhất cùng lắm là 2 lần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp có những mẹ sinh mổ đến lần thứ 3 hoặc lần thứ 4. Liệu điều này là có thể?
Như trường hợp của mẹ Thắm, một sản phụ đã trải qua cuộc phẫu thuật sinh mổ lần 4 tại BVĐK Phương Đông.
Là người trực tiếp thực hiện mổ lấy thai, Trưởng khoa Phụ Sản – BSCKII Nguyễn Đức Thuấn cho biết:
“Đây là một ca mổ khó vì trước đó sản phụ mổ đẻ đến 3 lần rồi. Và trong quá trình mổ lần 4 này chúng tôi đã rất vất vả, khó khăn trong việc phẫu tích gỡ dính bộc lộ tử cung để có thể mổ lấy thai. Hầu như toàn bộ mặt trước tử cung, cả phúc mạc và một quai ruột dính bết vào vết mổ.
Đoạn dưới tử cung sau 4 lần sinh đẻ đã trở nên mỏng như một tờ giấy poluya. Điều này gây khó khăn cho việc khâu phục hồi cơ tử cung.
Tập thể chúng tôi bao gồm kíp mổ, kíp gây mê, kíp đón bé đã cố gắng hết sức và cho đến giờ phút này ca mổ đã thành công, mẹ khỏe con khỏe”.
Như vậy một sản phụ vẫn có thể sinh mổ được nhiều hơn 1 lần. Mặc dù vậy, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bởi đẻ mổ là phương pháp sinh nở tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sinh mổ được mấy lần – Phụ thuộc vào khoảng cách giữa 2 lần đẻ mổ
Bác sĩ Bạch Cẩm An – Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, khoảng cách hợp lý giữa các lần sinh mổ nên là 2 năm để cơ thể người mẹ có thời gian hồi phục, vết mổ ở tử cung ổn định để có thể đảm bảo sức khỏe cho lần mang thai kế tiếp.
Nếu các mẹ có ý định sinh mổ trên 2 lần đảm bảo được yếu tố thời gian (chờ cho cơ thể thực sự bình phục hoàn toàn rồi mới mang thai, ít nhất từ 2 năm trở lên) thì việc sinh mổ nhiều lần vẫn có thể thực hiện được.
Do đó để đảm bảo an toàn trong các lần sinh mổ, trước khi mang thai, mẹ bầu nên:
- Kiểm tra sức khỏe, tình trạng vết mổ cũ trước khi có ý định mang thai.
- Khi có các dấu hiệu mang thai cần tới bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
- Thông báo với bác sĩ về tình trạng sinh mổ của lần mang thai trước, lý do sinh mổ là gì, diễn biến sức khỏe của bản thân sau sinh mổ, tiền sử bệnh án (nếu có)…
- Khám sức khỏe, siêu âm định kỳ, theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Theo dõi vết mổ cũ thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các cơn đau ở vết mổ cũ hoặc phần xương mu.
- Giữ gìn sức khỏe, có chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát cân nặng.
- Chủ động mổ lấy thai hoặc liên tục tới bệnh viện kiểm tra trong thời gian vài ngày trước sinh để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Phụ thuộc vào độ tuổi của người mẹ
Tuổi tác ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ, điều này có nghĩa là phụ nữ có những độ tuổi sinh sản thuận lợi và ít thuận lợi hơn, với các mẹ sinh mổ cũng vậy.
Khi tuổi càng cao, khả năng phục hồi tử cung sau mỗi lần sinh mổ càng trở nên khó khăn hơn. Vết sẹo do sinh mổ gây ra đã trở thành nhược điểm lớn trên thành tử cung khi mẹ mang thai nhiều lần hoặc sinh mổ khi đã lớn tuổi.
Mẹ có thể gặp phải các biến chứng thai kỳ như: Nhau tiền đạo, nhau bong non, rau cài răng lược, vỡ tử cung… hay các bất thường sau sinh như: Viêm dính tử cung, đau nhức vết mổ, sẹo mổ cũ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang. Những nguy cơ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của mẹ.
Chính vì vậy hầu hết các chuyên gia khuyên mẹ nên đẻ mổ nhiều nhất là 2 lần. Với các trường hợp định sinh mổ lần thứ 3, 4, mẹ nên tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc xem tình hình sức khỏe, khoảng cách giữa 2 lần mổ và độ tuổi của mình liệu có phù hợp và an toàn hay không.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!