2 sản phụ tử vong sau gây tê để mổ đẻ trong vòng một tháng tại cùng bệnh viện ở Đà Nẵng khiến dư luận đặt dấu chấm hỏi về sự an toàn của phương pháp này.
2 sản phụ tử vong sau khi gây tê trong vòng 1 tháng
Ngày 20/11, Sở Y tế Đà Nẵng tổ chức họp báo ngay tại Bệnh viện Phụ nữ, quận Hải Châu, để thông tin về việc hai sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch khi được tiêm thuốc gây tê để mổ bắt con.
Trước đó ba ngày, hai sản phụ 33 và 34 tuổi vào Bệnh viện Phụ nữ sinh mổ trong tình trạng sức khoẻ bình thường. Khi được tiêm thuốc gây tê tuỷ sống, hai bệnh nhân có biểu hiện tê, đau vùng mông phải, đau vùng xương cụt, khó chịu, co giật hai chi dưới.
Các sản phụ liền được chuyển tuyến trên với chẩn đoán đi kèm là “theo dõi ngộ độc thuốc tê”. Sau khi chuyển viện, một sản phụ tử vong. Người còn lại nguy kịch và đến hôm nay có chuyển biến tốt lên.
Gần một tháng trước, một sản phụ ở Đà Nẵng cũng vào Bệnh viện Phụ nữ sinh con. Chị này cũng được tiêm một loại thuốc gây tê, người này sau đó tử vong.
Lô thuốc liên quan đến sự việc đã được niêm phong chờ kết quả xét nghiệm. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ý kiến của lãnh đạo bệnh viện
Ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện, cho biết bác sĩ gây tê cho các bệnh nhân có 30 năm kinh nghiệm, ba ca đều diễn biến rất nhanh. Bệnh viện đã chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên cứu chữa khi có bất thường.
Trong tối 17/11, Bệnh viện đã cho niêm phong toàn bộ lô thuốc gây tê, phòng mổ, phòng hồi sức, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. “Nhận định sự việc đã vượt tầm của bệnh viện nên chúng tôi đã báo cáo Sở Y tế về làm việc”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, trong buổi họp hôm nay. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói: “Bệnh viện Phụ nữ đã làm đúng quy trình chẩn đoán, điều trị, chủ định phẫu thuật. Khi xảy ra sự cố đã tận dụng tối đa nhân lực và vật tư để cứu chữa cho các bệnh nhân. Đà Nẵng đang tập trung cứu chữa cho sản phụ sống sót”.
Sở Y tế Đà Nẵng đã lấy mẫu thuốc gây tê Bupivacaine gửi đi kiểm tra tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến có kết quả sau khoảng 7-10 ngày. Trong thời gian này, các bệnh viện và trung tâm y tế được khuyến cáo không sử dụng Bupivacaine gây tê.
Nên sử dụng phương pháp gây tê cho ai?
Trong các ca phẫu thuật mổ lấy thai, sản phụ thường được gây tê tủy sống để giảm đau. Đây được coi là biện pháp giảm đau khi sinh mang lại nhiều ưu điểm. Gây tê tủy sống là kỹ thuật giảm đau được thực hiện trước khi tiến hành mổ lấy thai nhằm giúp sản phụ vượt cạn dễ dàng, không cảm thấy đau đớn.
Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào tủy sống của sản phụ khiến sản phụ bất động, mất cảm giác hoàn toàn ở nửa thân dưới. Sản phụ vẫn tỉnh táo, nhìn thấy, nghe được và cảm nhận các thao tác của bác sĩ nhưng không có cảm giác đau. Bác sĩ sẽ tiến hành mổ và lấy em bé ra khỏi bụng mẹ một cách dễ dàng. Sản phụ sẽ có cảm giác trở lại khi thuốc tê hết tác dụng.
Chia sẻ về phương pháp này, TS.BS Bùi Chí Thương, Giảng viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Phương pháp gây tê tủy sống là phương pháp sinh không đau bằng vô cảm được nhiều sản phụ lựa chọn trong những năm gần đây. Đa số thai phụ bình thường được gây tê tủy sống vì phương pháp này an toàn, tiện lợi, mẹ tỉnh táo để được ôm con da kề da, thân thiện, tạo mối dây tình cảm trong giây phút đầu đời với con yêu.”
Không phải ai cũng có thể gây tê khi mổ đẻ
Bác sĩ nhấn mạnh, gây tê tủy sống có ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, chính xác, ít gây tác hại trên thai. Đồng thời, thai phụ tỉnh táo để có thể làm phương pháp da kề da, giảm nguy cơ mẹ bị hít dịch dạ dày gây viêm phổi. Phương pháp này cũng có những nhược điểm như có thể gây tụt huyết áp, buồn nôn, nhức đầu.
Nhược điểm của phương pháp gây tê
Tuy nhiên, những nhược điểm kể trên đều có thể khắc phục ngay sau đó như tụt huyết áp sẽ được khắc phục bằng cách truyền dịch, nằm nghiêng trái, hoặc khi lấy thai ra khỏi tử cung thì tử cung thu hồi nhỏ lại, bớt chèn ép lên tĩnh mạch chủ nên huyết áp sẽ phục hồi ngay, với những biểu hiện như buồn nôn sẽ được khắc phục bằng thuốc chống nôn và bác sĩ sẽ thao tác nhẹ nhàng, hạn chế kéo nhiều tử cung hay thành bụng, với những sản phụ trong quá trình sử dụng thuốc gây tê bị nhức đầu sẽ được khắc phục bằng kỹ thuật chọc tủy sống bằng kim nhỏ, thay đổi góc chọc kim vào tủy sống, sản phụ uống nhiều nước sau mổ.
Nói về những đối tượng được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống, chuyên gia cũng cho hay, phương pháp gây tê tủy sống chỉ thực hiện cho thai phụ có sức khỏe bình thường, thuốc chống chỉ định với những thai phụ có nguy cơ hay đang chảy máu nhiều như nhau tiền đạo, nhau bong non, rối loạn đông máu, gù vẹo cột sống, nhiễm trùng vị trí cột sống, tiền sản giật nặng hay bệnh lý tim.
Đối với những trường hợp mang bệnh lý kể trên, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe để có thể đưa ra phương pháp giảm đau phù hợp, an toàn cho tính mạng của mẹ và bé.
Khuyến cáo của Bộ Y Tế
Cũng liên quan đến vấn đề này, năm 2017 sau khi giám sát và thẩm định tử vong ở một số bệnh viện, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị về phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về những trường hợp không nên sử dụng phương pháp gây tê tủy sống (phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai).
Vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc Phòng; Cục Y tế trực thuộc Bộ Công an; cơ quan y tế của các bộ ngành) chỉ đạo các các đơn vị y tế có triển khai phương pháp phẫu thuật bắt con (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập) áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ nói trên, không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ.
Theo Giadinhmoi, Vnexpress
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!