A-Z về Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Nếu vợ chồng bạn cưới nhau đã lâu nhưng chưa có con, để thả tự nhiên mãi cũng không có. Đi khám phụ khoa, vợ bị đa nang, tắc ống dẫn trứng, hay chồng bị yếu sinh lý, khó có con….Phương án thụ tinh trong ống nghiệm là can thiệp về công nghệ y học bạn nên cân nhắc. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm gồm những bước nào? Chuẩn bị ra sao?
Cùng tìm hiểu thông tin tóm lược và cơ bản bạn không thể không biết nếu muốn bắt tay vào làm IVF:
1. Giai đoạn chuẩn bị
Làm xét nghiệm + nhận chỉ định điều trị từ bác sỹ
Ngày điều trị thứ 1 ( tính từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh) Bệnh nhân cần làm toàn bộ các xét nghiệm sau:
Về phần Vợ:
– Các xét nghiệm và siêu âm được làm vào ngày thứ 2 hoặc chậm nhất ngày thứ 3 của chu kỳ kinh:
+ Xét nghiệm nội tiết FSH, LH, E2, Prolactin, Progesterone và AMH.
+ Siêu âm đếm nang thứ cấp AFC
+ Siêu âm phát hiện các bất thường khác như các nang bất thường.
– Các xét nghiệm lúc sạch kinh:
+ Thử máu: các xét nghiệm về huyết học như công thức máu, xét nghiệm nhóm máu, HB-typing, sinh hóa máu, nước tiểu ( lưu ý: không ăn sáng trước khi thử máu).
+ Các xét nghiệm về viêm gan siêu vi B, đề kháng viêm gan siêu vi B, Anti-HIV, giang mai, lậu, bệnh sởi.
– Đo điện tim, chụp tim phổi.
– Các xét nghiệm khác nếu cần như: karyotype, chụp tử cung vòi trứng, cấy nấm và khuẩn dịch âm đạo cổ tử cung.
Về phần Chồng:
– Các xét nghiệm:
+ Thử máu: các xét nghiệm về huyết học như công thức máu, xét nghiệm nhóm máu, HB-typing, sinh hóa máu, nước tiểu.
– Các xét nghiệm về viêm gan siêu vi B, đề kháng viêm gan siêu vi B, Anti-HIV, giang mai, lậu, bệnh sởi.
– Các xét nghiệm khác nếu cần như: karyotype, AZF.
– Tinh dịch đồ (Lưu ý: kiêng xuất tinh 3 đến 5 ngày trước khi làm xét nghiệm).
2. Giai đoạn tiêm thuốc kích thích nang noãn và chọc hút noãn
– Các bệnh nhân thường dùng các phác đồ khác nhau. Phác đồ anta hay phác đồ ngắn dùng thuốc từ N2 CKK, phác đồ dài dùng từ N21 CKK.
– Ngày điều trị thứ 5 đến 10 bệnh nhân cần có mặt tại bệnh viện để siêu âm sự phát triển của trứng và tiếp tục tiêm thuốc theo chỉ định của bác sỹ (thường tiêm từ 8 – 12 mũi tùy thuộc vào sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân).
– 36 giờ trước khi dự định lấy trứng, bệnh nhân sẽ được tiêm một liều kích rụng trứng. ( Về quá trình kích bổ trứng: chị em nên ăn nhiều đạm, như trứng, thịt bò, và các loại thịt giàu đạm).
– Lưu ý: Bệnh nhân cần nhịn ăn, uống 8 tiếng trước khi chọc hút.
(Nữ không nên trang điểm, đeo nữ trang, sơn móng tay và dùng nước hoa khi thực hiện thủ thuật này.)
Sau khi chọc hút, bệnh nhân sẽ cần uống thuốc và đặt thuốc đầy đủ. (Thuốc đặt âm đạo theo kê đơn của bác sỹ, không tùy ý mua).
– Người chồng cần có mặt để lấy tinh trùng cùng thời điểm người vợ chọc hút.
3. Giai đoạn chuyển phôi và sau chuyển phôi
– Nếu có thể, bác sỹ khuyến khích bệnh nhân chuyển phôi tươi.
– Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ quá kích, bị sốt, hay chỉ còn phôi trữ…hay ứ dịch lòng tử cung, niêm mạc quá dày, quá mỏng: bệnh nhân sẽ phải chuyển phôi trữ.
– Bệnh nhân chuyển phôi không gây mê, không cần nhịn ăn, uống, nhưng nên nhịn tiểu để dễ chuyển phôi hơn.
– Sau chuyển phôi khoảng 10 ngày đối với phôi N3 và 8 ngày đối với phôi N5: có thể thử Beta-hCG để biết kết quả có thai.
– Nếu có thai, bệnh nhân thăm khám sản theo chỉ định của bác sỹ và tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ điều trị trong vòng 12 tuần tính từ ngày chuyển phôi.
TheAsianparent sẽ tiếp tục cập nhật các bệnh viện uy tín để làm IVF kèm kinh phí và các thuốc, thuốc bổ trợ cho chị em quyết định theo IVF.
Chia sẻ của mẹ Trần Hà – Nhóm Các mẹ Hiếm Muộn làm IVF-IUI
Các bài viết có liên quan:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!