Quá trình mọc răng của trẻ diễn ra như thế nào? Những dấu hiệu nào cho thấy những chiếc răng xinh của bé bắt đầu xuất hiện? Khi bé mọc răng ba mẹ nên làm gì để giảm cơn khó chịu của bé? Bài viết sau đây sẽ bao quát quá trình mọc răng của trẻ từ bé tới lớn để ba mẹ có thể theo dõi sát sao thứ tự mọc răng của bé và có cách chăm sóc phù hợp nhé.
Quá trình mọc răng của trẻ từ nhỏ tới lớn
Thứ tự mọc răng của trẻ thường có điểm chung về mặt thời điểm, trừ một số bé có thứ tự mọc răng chậm hoặc sớm hơn hẳn các trẻ khác.
Thứ tự mọc răng sữa
Hầu hết các bé sẽ bắt đầu mọc răng sữa kể từ 4-6 tháng tuổi và sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa khi chạm mốc 2 tuổi. Cụ thể như sau:
- 2 răng cửa giữa của hàm trên và 2 răng cửa giữa ở hàm dưới: bắt đầu mọc trong khoảng 5-8 tháng tuổi
- 4 răng cửa bên ở cả 2 hàm: 7-10 tháng
- Răng hàm đầu tiên (4 chiếc ở cả 2 hàm): 12-16 tháng
- 4 cái răng nanh: 14-20 tháng
- Răng hàm thứ hai (4 chiếc ở cả 2 hàm): 20-32 tháng
Thứ tự mọc răng vĩnh viễn của trẻ
Răng vĩnh viễn của bé sẽ mọc bắt đầu từ khoảng bé 6 tuổi cho tới khi trưởng thành khoảng 21 tuổi. Tổng số lượng răng vĩnh viễn ở cả 2 hàm là 32 chiếc. Thứ tự mọc răng vĩnh viễn như sau:
- 6-7 tuổi: 4 chiếc răng hàm lớn (cối lớn) vĩnh viễn thứ nhất (những chiếc răng số 6) bắt đầu xuất hiện, mọc sau răng sữa số 5. Rất nhiều người lầm tưởng đây là răng hàm sữa.
- Khoảng 6-8 tuổi: 4 chiếc răng cửa giữa vĩnh viễn mọc thay thế những chiếc răng sữa
- Từ 7-8 tuổi: 4 răng cửa bên vĩnh viễn thay thế 4 chiếc răng sữa
- 9-13 tuổi: 4 chiếc răng nanh vĩnh viễn mọc thế chỗ răng sữa
- Cũng trong khoảng 9-13 tuổi: 8 chiếc răng tiền hàm (cối nhỏ) vĩnh viễn mọc thay thế 8 chiếc răng hàm sữa trước đó
- Từ 11-13 tuổi: 4 chiếc răng cối lớn thứ hai (răng số 7) sẽ mọc thêm, cạnh những chiếc cối lớn thứ nhất
- 17-21 tuổi hoặc hơn: độ tuổi mọc răng khôn – 4 chiếc răng cối lớn thứ ba (răng số 8). Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều mọc răng khôn/ hoặc nhìn thấy răng khôn nhú lên
Hầu hết các bé cho tới khi 12 tuổi đã thay hết răng sữa và có đầy đủ 28 chiếc răng vĩnh viễn.
Dấu hiệu và triệu chứng mọc răng của trẻ
Các em bé đến tuổi mọc răng sữa thường có những triệu chứng sau đây:
- Ngứa lợi (nướu): bé thường xuyên nghiến lợi để làm giảm áp lực đang tăng lên từ phía bên trong; Bé sẽ muốn cho tay vào miệng ngậm, mút hoặc cầm bất cứ vật gì trong tay đưa lên miệng để nhai, cắn. Lợi đang sưng đỏ và bắt đầu nứt khiến bé rất khó chịu.
- Chảy dãi nhiều: việc bé nghiến lợi, nhai, cắn… thường xuyên kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn, khiến bé chảy dãi nhiều hơn bình thường.
- Nổi mẩn quanh miệng: phần da quanh miệng bé do tiếp xúc nhiều với nước bọt nên dễ bị khô và nổi mẩn đỏ.
- Khó chịu: bé quấy khóc nhiều hơn bình thường, đặc biệt vào ban đêm.
- Giảm cảm giác ngon miệng: bé sẽ bú/ăn ít đi do không cảm thấy sữa/đồ ăn ngon miệng như mọi khi.
- Sốt nhẹ: những cơn sốt do mọc răng của bé thường kéo dài khoảng 2-3 ngày và thân nhiệt của bé ở mức 38-38.5 độ C.
- Tướt mọc răng: bé có thể sẽ đi tiêu sền sệt, khoảng 3-4 lần một ngày. Triệu chứng này kéo dài trong khoảng 2-3 ngày.
Đặc điểm quá trình mọc răng của trẻ
Mặc dù mỗi lần mọc răng, các triệu chứng trên của bé chỉ kéo dài khoảng 2-3 ngày là hết, quá trình mọc răng của trẻ thực sự bắt đầu sớm hơn thế nhiều.
Trẻ bắt đầu mọc răng từ khi còn trong bụng mẹ
Trong khoảng tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, mầm răng của trẻ bắt đầu hình thành và nằm ẩn dưới lớp nướu của thai nhi. Kể từ đó, mầm răng cứ thế phát triển và đến một thời điểm nhất định sẽ trồi lên trên hẳn lớp nướu. Theo Michael Hanna, bác sĩ Nha khoa Phẫu thuật (DDS), người phát ngôn của Học viện Nha khoa Nhi Hoa Kỳ: “Mầm răng gây áp lực lên phần nướu bên trên chúng. Phần nướu này sẽ dần dần mỏng đi và nứt, làm lộ ra phần răng đang mọc”.
Quá trình mọc răng hàm thường đau hơn răng cửa
Thường 2 răng cửa giữa bên dưới của bé sẽ mọc trước; tiếp đến là 4 răng cửa phía trên (2 răng cửa giữa và 2 răng cửa bên). Những chiếc răng này thường có thân mảnh và trượt qua lại giữa hàm trên và hàm dưới khá dễ dàng, giúp bé cắt nhỏ thức ăn một phần. Những triệu chứng mọc răng cửa nói chung sẽ diễn ra nhanh và dễ chịu hơn khi bé mọc răng hàm.
Trong khoảng thời gian quanh sinh nhật lần đầu trong đời, những chiếc răng hàm đầu tiên sẽ bắt đầu “xông pha” lên gia nhập đội ngũ răng sữa của bé. Những “chiến binh” răng hàm thường to, mập, có bề mặt rộng hơn nhiều “chiến binh” răng cửa, nên chúng gây nhiều đau đớn hơn cho trẻ khi mọc. Khi quan sát, ta sẽ thấy phần nướu bọc phía trên mầm răng hàm phình to, thậm chí một số trường hợp còn có mủ màu xanh lam bọc trong phần nướu. Cho đến khi răng mọc ra, phần mủ này sẽ vỡ và dịch sẽ chảy ra ngoài. Ba mẹ có thể hơi hoảng sợ với cảnh tượng đó, nhưng chuyện đó hết sức bình thường và mọi đau đớn sẽ qua đi.
Bí quyết chăm sóc răng miệng cho con
Hãy chăm sóc nướu của con kể từ khi con chưa mọc răng
Để làm sạch nướu sau khi con ăn sữa, mẹ chỉ cần thấm chút nước vòi sạch (vì thường nước vòi chứa fluoride tự nhiên, nước đóng chai không có thành phần này)/hoặc rắc ít nước muối sinh lý vào phần gạc/vải sạch bọc quanh ngón trỏ, và làm sạch phần nướu của bé nhẹ nhàng. Hãy nhớ là trước khi bé 2 tuổi, nếu mẹ làm sạch nướu/răng cho bé bằng nước có quá nhiều fluoride thì phần răng mọc lên của bé sẽ dễ bị ố vàng hoặc có đốm trắng.
Đưa bé đến khám nha sĩ lần đầu khi bé được 1 tuổi
Trước khi con được 1 tuổi, ba mẹ nên đưa con đi khám nha sĩ lần đầu. Bác sỹ chuyên khoa răng sẽ khám cho em bé xem có dấu hiệu sâu răng không và đưa ra một số nhận xét về thói quen ăn uống và làm sạch răng cho bé của bạn.
Sử dụng kem đánh răng chứa flouride khi bé được 2 tuổi
Việc dùng kem đánh răng chứa fluoride chỉ phù hợp khi con được 2 tuổi, và lượng kem bơm ra chỉ nên có kích thước bằng một hạt đậu Hà Lan.
Luôn làm sạch răng trước khi con đi ngủ
Đừng để con đi ngủ khi chưa làm sạch răng. Sữa hoặc nước quả còn sót lại ở phía sau 2 răng cửa trên/dưới đều có thể gây sâu răng.
Lời kết
Muốn con có một hàm răng đều đẹp và ít phải can thiệp nha khoa, ba mẹ hãy chăm chỉ chăm sóc nướu cho con kể từ khi con chào đời. Khi bé lớn hơn, ba mẹ cần có biện pháp chỉ dạy cho con tự chăm sóc răng miệng đúng cách và thường xuyên. Hy vọng bé nhà bạn sẽ không bị sâu răng, ít phải gặp nha sĩ và sẽ có nụ cười “toả nắng” nhé! Chúc ba mẹ thành công!
Theo Parents
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!