Khi bé bị sinh non cũng là lúc quá trình mang thai và sinh nở không như những gì mẹ dự đoán. Thay vì được nếm trải niềm vui, hạnh phúc, các bà mẹ sinh non thường phải đối mặt với nhiều lo lắng về sức khỏe của trẻ. Mẹ hầu như còn không được bế ẵm con theo cách thông thường như nhiều mẹ khác. Đây thực sự là khoảng thời gian khó khăn cho các cha mẹ có con sinh thiếu tháng.
Các bé được sinh ra trước 37 tuần thai sẽ bị xếp vào trẻ đẻ non. Người ta thường nghĩ rằng, những bé này thực sự rất yếu ớt và cơ hội sống sót thấp. Tuy vậy, nếu nhìn thấy nụ cười của bé sinh non dưới đây, nhiều người sẽ phải thay đổi lại quan niệm. Các bé, vì sự sinh tồn mà đã gắng mình cùng cha mẹ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Những nụ cười trong sáng, dễ thương, đẹp đẽ hơn tất thảy mọi cái đẹp của tạo hóa của bé giúp chúng ta hiểu được rằng "Sự sống luôn tồn tại. Điều không thể sẽ trở thành điều có thể. Ngày mai sẽ lại là một ngày mới đầy tươi sáng". Cảm ơn nụ cười của các con.
8 bức ảnh xúc động về nụ cười của bé sinh non
Bé được sinh ra với cân nặng vỏn vẹn 1,2 kg. Nhưng nhìn xem, con đang cười khi được ôm ấp trong vòng tay của mẹ.
Facebook | Audrey-Lindy Cheatham
Con được sinh ra ở tuần thứ 33, trải qua hơn 3 tháng nằm trong lồng kính, giờ bé đã được về nhà và có thể bú mẹ. Nụ cười hạnh phúc của bé trong ngôi nhà đầy tình thương bên người thân
Facebook | Angela Soilleux
Em bé này chào đời khi mẹ bé mới ở tuần thai thứ 34. Cân nặng lúc đó của bé tầm 2,3kg. May mắn thay con chỉ phải ở phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bé sơ sinh hơn 2 tuần. Giờ đây con đang mỉm cười vì mình đã khỏe mạnh và sắp được trở về nhà.
Facebook | Kate Hoffman
Gương mặt bé thay đổi một cách nhanh chóng chỉ trong vài tuần. Khi mới sinh, con nặng 1,5 kg. Và đây là nụ cười khi con đã tròn 2 tháng tuổi. Thế giới thật kỳ diệu!
Facebook | Natasha Bond
Bé gái mang tên Kennedy và nụ cười bình an. Con được sinh ra ở tuần thứ 31 với cân nặng chưa đầy 1,5 kg.
Facebook | Jill Chambers Goodwin
Hãy xem nụ cười của bé sơ sinh này thật rạng rỡ biết bao! Cuộc sống trong lồng kính vẫn không thể ngăn con yêu thế giới này đến chừng nào. Bé được sinh ra vào tuần thai thứ 34 và nặng 1,7 kg khi chào đời.
Facebook | Love What Matters
Giờ hãy cùng chiêm ngưỡng nụ cười của bé sinh non trai. Con chào đời với cân nặng chỉ hơn 2kg cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng về đường hô hấp. Nhưng bé đã sống và tiếp tục lớn lên khỏe mạnh dưới sự chăm sóc đặc biệt của nhiều bác sĩ. Lúc này đây bé vừa tròn 17 tuần tuổi.
Facebook | Carrie Estes
Nụ cười của em bé sinh non vô cùng đặc biệt. So với các bạn khác, con chào đời ở ngay tuần thai thứ 25 của mẹ với cân nặng chưa đến 1kg. Mẹ bé đã tưởng con không thể qua khỏi. Nhưng điều kỳ diệu đã thành sự thật. Đây là ánh mắt và gương mặt rạng rỡ khi con vừa tròn 1 tháng tuổi trong lồng kính.
Facebook | Kristine Coma
Vì sao mẹ có thể phải đối mặt với nguy cơ sinh non?
Người mẹ nào cũng muốn con chào đời khỏe mạnh và an toàn. Tuy vậy, ngoài những yếu tố di truyền và sức khỏe của thai phụ, các mẹ cần lưu ý những điều dưới đây có thể khiến thai nhi phải chào đời rất sớm so với ngày dự sinh:
- Mẹ bầu hút thuốc lá, chất gây nghiện hoặc tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá.
- Uống đồ uống có cồn và chất kích thích.
- Một số loại thuốc không theo sự chỉ định của bác sĩ cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình mang thai.
- Nếu mẹ bầu tăng cân quá ít và ăn uống không đủ dinh dưỡng cũng có thể gây ra hiện tượng đẻ non.
- Mẹ bầu làm việc vất vả, nặng nhọc hoặc các công việc phải đứng quá lâu.
- Sự mất cân bằng về nội tiết trong cơ thể người phụ nữ mang thai.
- Các mẹ có nguy cơ sinh non nhưng vẫn thực hiện chuyện quan hệ.
- Những mẹ bị mắc vi rút gây bệnh, các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, viêm nhiễm âm đạo và nước ối.
- Cổ tử cung của mẹ bầu không thể khép kín.
- Những người bị bệnh mãn tính như tim, phổi, gan hay tiểu đường cũng có nguy cơ sinh non nhiều hơn.
- Càng căng thẳng khi mang thai, mẹ bầu càng có nguy cơ sinh non.
- Độ tuổi mang thai (dưới 17 và trên 35) cũng có thể ảnh hưởng đến việc sinh non.
- Các mẹ mang thai đôi dễ sinh non hơn mang thai đơn.
- Những mẹ đã có tiền sử sinh non.
Do đó, để bảo vệ thai nhi khỏi những nguy hiểm của nguy cơ sinh non, mẹ bầu cần cố gắng hạn chế các yếu tố có thể gây ra điều này. Đồng thời hãy chăm sóc bản thân, ăn uống đầy đủ, tập thể dục nhẹ nhàng và khám thai kĩ lưỡng, thường xuyên. Mong rằng em bé của mẹ sẽ được chào đời khỏe mạnh và an toàn nhất.
Theo The Asianparent Thái Lan