Trong những năm gần đây, khái niệm những tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh được nhiều mẹ bỉm truyền tai nhau. Các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh có gì đặc biệt? Có phải tất cả các em bé đều trải qua giai đoạn này hay không?
Những tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh xảy ra vào thời gian nào?
Con bạn quấy khóc không ngừng nhưng không rõ nguyên nhân. Bạn cố gắng tìm kiếm câu trả lời trong các diễn đàn mẹ và bé, trên google và những mẹ bỉm sữa khác. Bên cạnh những lý do như con đói bụng, tã ướt, mọc răng,.., bạn còn thấy một khái niệm khác được rất nhiều bậc phụ huynh tin tưởng. Đó là những tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh: Wonder Weeks.
Về cơ bản, khái niệm này cho rằng việc em bé sơ sinh quấy khóc không có gì đáng lo ngại. Ngược lại, đây chính là dấu hiệu em bé của bạn đang có những bước nhảy vọt về tinh thần và nhận thức.
Trẻ em quấy khóc là tốt? Nghe có vẻ thật khó tin.
Các tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh là gì?
Khái niệm này được phát triển bởi một đôi vợ chồng người Hà Lan. Đó là Frans Plooij và Hetty van de Rijt.
Plooij là một nhà khoa học hành vi đã nghiên cứu các tương tác giữa mẹ và con. Van de Rijt nghiên cứu tâm lý giáo dục, cũng như sự phát triển của trẻ sơ sinh. The Wonder Weeks được ra đời vào năm 1992. Khi xuất bản ở Việt Nam, cuốn sách này có tên Tuần khủng hoảng. Trong cuốn sách này, các tác giả mô tả cách các em bé trải qua những giai đoạn phát triển tinh thần giúp xây dựng nhận thức về thế giới xung quanh.
Các giai đoạn này thường khiến những em bé sơ sinh cảm thấy bất an và khó chịu. Lý do là vì bé phải tiếp nhận quá nhiều thứ mới mẻ ập đến với mình. Em bé có thể cáu kỉnh, lo lắng, bám dính mẹ. Kèm theo đó là một số dấu hiệu bỏ ăn, bỏ ngủ.
Các tác giả đã phát hiện ra 10 bước nhảy vọt về mặt tinh thần có thể đoán trước được trong những tuần lễ khác nhau. Thời gian cụ thể là từ khi trẻ sơ sinh được 5 tuần tuổi đến khi được 20 tháng. Họ đặt ra thuật ngữ này, Wonder Week để mô tả những tuần cụ thể trong cuộc đời của em bé tương ứng với những bước nhảy vọt về nhận thức của trẻ sơ sinh.
Những tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh gồm:
- Một “tuần đầy nắng” khi tất cả đều là “màu hồng”
- Tiếp đến là một thời kỳ “mưa bão”. Giai đoạn khủng hoảng này có thể kéo dài từ một đến bốn tuần
Sau đó, trẻ sơ sinh đạt được một mốc phát triển diệu kỳ.
Vì sao nhiều người tin tưởng khái niệm các tuần khủng hoảng của trẻ sơ sinh?
Quyển sách đã mang đến những suy nghĩ tích cực cho những người làm cha làm mẹ.
Bạn hãy ngừng tự trách mình thiếu các kỹ năng chăm sóc trẻ khi bế một em bé đang khóc trên tay. Em bé khóc không phải do bạn. Cơn khó ở, cáu gắt đó chỉ là dấu hiệu của một giai đoạn phát triển bình thường mà bé nào cũng trải qua. Bạn có thể bình tĩnh đón nhận thời điểm khủng hoảng. Đồng thời, bạn cũng có thể chủ động giúp con mình vượt qua cảm giác bất an, khó chịu trong những tuần giông bão này.
Có phải mọi em bé đều trải qua tuần khủng hoảng hay không?
Tuần khủng hoảng có đáng tin cậy hay không?
Sau gần 30 năm xuất bản, cuốn sách và thuật ngữ này đã trở nên quá quen thuộc với các bậc làm cha làm mẹ. Khái niệm này giúp các mẹ hiểu rằng mọi trẻ sơ sinh đều quấy khóc. Bạn biết được những hoạt động tốt cho trẻ sơ sinh ở các giai đoạn khác nhau. Ví dụ như cách tạo sự chú ý, tầm quan trọng của việc đọc sách và ôm ấp,…
Ngoài cuốn sách của Frans Plooij và Hetty van de Rijt, không có nghiên cứu nào khác đề cập đến vấn đề này. Nhiều mẹ chia sẻ rằng các em bé của họ có những biểu hiện và mốc phát triển tương tự như những gì được đề cập trong cuốn sách. Nhưng lại thiếu các nghiên cứu có sơ sở khoa học chứng minh điều đó.
Nếu em bé của bạn không tuân theo các mốc của những tuần khủng hoảng thì sao?
Mỗi em bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Điều này tùy thuộc và cân nặng, ngày thực sinh và tình trạng sức khỏe. Trẻ sẽ có các giai đoạn bứt phá nhanh hay có lúc chậm lại ở những giai đoạn khác nhau.
Người xưa cho rằng, trẻ “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”. Nhưng đây không phải là chuẩn chung để đánh giá sự phát triển của trẻ nhỏ.
Nếu con bước qua tuần thứ 5 mà không khủng hoảng, bạn đừng quá lo lắng. Vì có thể con bạn biết đi chậm hơn những bé khác, nhưng bé lại biết nói nhanh hơn.
Cũng như lý thuyết nuôi dạy con khác, những tuần khủng hoảng ở trẻ sơ sinh là những gợi ý. Đây chỉ là những cột mốc trên hành trình con khôn lớn. Hoàn toàn không phải là một tiêu chuẩn, một thước đo để bạn nhất nhất noi theo.
Hãy lắng nghe lời khuyên từ bất cứ ai mà bạn muốn, tiếp cận cách dạy con bằng nhiều cách. Mẹ có thể tham khảo trên bất cứ nền tảng nào: từ sách, blog, facebook, forum hay trò chuyện. Nhưng hãy luôn nhớ rằng: không ai hiểu bạn và con như chính bản thân bạn. Bạn hãy chọn lấy những gì bạn thích nhất. Sau đó, điều chỉnh nó để phù hợp với cuộc sống của bạn và bé.
Hãy chú ý quan sát con, tin tưởng bản năng làm mẹ của mình. Đây chính là kim chỉ nam giúp bạn luôn đi đúng hướng trên hành trình làm mẹ đầy thách thức.
Chúc bạn sẽ cùng con vượt qua những tuần khủng hoảng thật tốt nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!