Nhịp tim thai cao là trai hay gái? Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa nhịp tim thai nhi và giới tính là hoàn toàn không chính xác. Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho mẹ biết lý do vì sao.
Nhịp tim thai nhi thay đổi như thế nào qua các tuần thai kỳ?
Nhịp tim là một trong những yếu tố đầu tiên giúp các bác sĩ sản khoa có thể nhận biết về tình trạng phát triển của thai nhi. Mẹ bầu sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, nhịp tim của em bé sẽ thay đổi qua từng tuần thai.
Các chỉ số tim thai bình thường mẹ cần biết
- Tim thai bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 16 của thai kỳ. Thời điểm này, vẫn chưa hình thành hình dáng của tim thai nhưng tim đã hoạt động, đập và co bóp.
- Sau đó, tim thai sẽ phát triển và hoàn thiện nhanh hơn từ sau tuần thứ 4.
- Tuần thai thứ 5, nhịp tim thai có tốc độ khoảng 80 nhịp một phút. Phôi thai hình thành nhiều tế bào hơn và một hạt nhỏ giữa phôi phát triển thành tim thai. Tuy nhiên lúc này mẹ vẫn chưa thể nghe được nhịp tim bé.
- Bước sang tuần thứ 6, trái tim của bé đập khoảng 110 nhịp một phút.
- Từ tuần thứ 7, tim bé bắt đầu phân chia thành buồng trái và buồng phải. Lúc này nhịp tim bé sẽ tăng lên 150-170 nhịp một phút, nhanh gấp 2 lần nhịp tim của mẹ.
- Đến tuần thứ 12, tim đập bình thường.
- Tuần thứ 16, tim bé đã có thể bơm máu với một lượng khoảng 24 lít/ ngày.
- Nhịp tim thai khoảng 140 nhịp mỗi phút, ở tuần thứ 24 (nhịp tim của trẻ ở giữa thai kỳ trung bình từ 120 đến 160 nhịp mỗi phút)
- Từ các tuần thai tiếp theo cho đến lúc bé chào đời, tim của thai nhi tiếp tục lớn hơn về kích thước, khối lượng. Bình thường tim thai đập từ 120 – 160 lần /phút.
Nhịp tim thai cao là trai hay gái, có thể dựa vào nhịp tim thai để đoán giới tính thai nhi được không?
Đoán giới tính của em bé trong bụng bao giờ cũng là phần hồi hộp nhất đối với các ông bố bà mẹ. Dựa vào tim thai để biết được giới tính của con chính là một trong những cách vốn được lưu truyền trong “giới bà bầu”.
Các bà mẹ tương lai tin rằng, nếu nhịp tim trên 140 nhịp đập mỗi phút (bpm) thì thai nhi là một bé gái, dưới 140 bpm thì là bé trai.
Nhưng thật đáng tiếc, các bác sĩ sản khoa cho rằng, không có cơ sở nào để nói rằng nhịp tim thai cao là trai hay gái được.
Lý do là vì nhịp tim thai sẽ thay đổi qua từng tuần và có xu hướng ngày càng tăng, nhịp tim thai tiếp tục tăng cho đến khi nó đạt đỉnh điểm vào khoảng tuần 9, từ 140–170 bpm cho bé trai lẫn bé gái.
Nhịp tim thai cao là trai hay gái – Khoa học nói sao về điều này
Hiện nay với sự phát triển của y học, đã có nhiều cuộc nghiên cứu tìm hiểu về mối liên quan giữa nhịp tim đập và giới tính cho thấy, nhịp tim thai nhi 3 tháng đầu không phải là một chỉ số đáng tin cậy để nói lên giới tính của thai.
Tạp chí về Sản Khoa và Sản Phụ Khoa của Mỹ (năm 2014) đã chứng minh sự khác nhau giữa nhịp tim của bé trai và bé gái chỉ trong thời gian sản phụ lâm bồn. Lúc này nhịp tim của bé gái sẽ cao hơn một chút so với nhịp tim của bé trai từ lúc người mẹ cảm thấy đau bụng cho đến lúc sinh con, ngoài ra không còn lúc nào khác.
Vì vậy, đoán giới tính thai nhi qua nhịp tim các mẹ chỉ nên xem đây là một hình thức tham khảo để xác định giới tính cho bé.
Nhịp tim thai cao và những điều mẹ cần lưu ý
Thông thường tim thai sẽ cao hơn khi bé lớn lên ở tam cá nguyệt thứ nhất. Nếu mẹ thấy tim thai đập nhanh bất thường thì thay vì nghĩ đến việc đoán giới tính, mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân vì sao lại như vậy. Chẳng hạn như:
- Tim thai đập nhanh sau khi mẹ ăn no. Đây là do thai nhi máy nên mẹ không cần phải quá lo lắng.
- Mức tim thai nhi đập nhanh do bị thiếu oxy, thường xuất hiện vào thời điểm giữa hoặc cuối thai kỳ. Mẹ cần kết hợp với dấu hiệu thai máy (con không máy hoặc máy rất ít).
- Mẹ bầu bị ốm, sốt hoặc có các biểu hiện bất thường về sức khỏe.
Nhịp tim thai đập nhanh bất thường thường ở mức 200 nhịp/phút và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Lúc này tốt nhất mẹ bầu nên đi khám để được kiểm tra kĩ càng các thông số thông qua siêu âm và nhận lời khuyên tư vấn từ bác sĩ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!