Sảy thai là nỗi lo lớn nhất của các mẹ trong những tháng đầu mang thai. Vì vậy các mẹ cần chú ý đến những nguyên nhân sảy thai sớm để đề phòng và thăm khám các bác sĩ chuyên khoa can thiệp kịp thời nhé.
Nguyên nhân sảy thai
Di truyền
Những bất thường nhiễm sắc thể của thai là nguyên nhân thường gặp nhất. Thực tế, khi xét nghiệm mô thai, các trường hợp sảy thai trong 12 tuần đầu, hơn 60% có bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai dưới 3 tháng tuổi.
Bất thường về giải phẫu (các bộ phận cơ thể)
Chia làm 2 nhóm:
* Bẩm sinh: do những loại dị dạng tử cung như: tử cung 1 sừng, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn… Những loại dị dạng như vậy cho thấy tỷ lệ thai sống từ 5-28%.
* Mắc phải: U xơ tử cung (41%), dính lòng tử cung vì nạo phá thai (5%), hở eo tử cung…
Do nội tiết
Do thể vàng (hoàng thể) yếu, không sản xuất đủ progesterone nuôi dưỡng thai. Hoặc do người mẹ bị bệnh đái tháo đường, bệnh huyết áp… Chiếm 25% trường hợp sảy thai trong 3 tháng đầu.
Bất đồng nhóm máu mẹ và con
Bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch chống lại yếu tố Rh trong máu con và gây sảy thai.
Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn
Phụ nữ nhiễm trùng urealyticu, mycoplasma hominil, ureaplasma có nguy cơ sảy thai cao
– Nhiễm khuẩn ở tử cung khiến cho trứng không làm tổ được, hoặc nhiễm khuẩn toàn thân nặng ở người mẹ (virus cytomegalo, rubeole…) khi mang thai dẫn đến lây nhiễm cho thai nhi. Nếu do virus thì không có thuốc nào điều trị được.
Do môi trường
Rượu, bia, thuốc lá, các loại kích thích… Hóa trị liệu, tia xạ, khí gây mê, kim loại đã được chứng minh là nguyên nhân gây sảy thai. Ngoài ra, nhiều loại thuốc dùng trong điều trị da liễu cũng là nguyên do.
Không rõ nguyên nhân
Nhiều trường hợp sảy thai mà không rõ nguyên nhân, chiếm khoảng 50-60%.
Triệu chứng và dấu hiệu sảy thai
Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của thai kỳ. Đau quặn bụng có hoặc không có xuất huyết (ra máu) âm đạo kèm theo. Nếu xuất huyết âm đạo nhiều kèm theo đau quặn bụng là dấu hiệu thai sắp bị sảy.
Dọa sảy
Thường có xuất huyết, chảy máu từ âm đạo và đau bụng, tuy nhiên thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung. Khám âm đạo thấy: cổ tử cung không bị giãn mở (đóng kín), cũng có thể cổ tử cung mở, nhưng các thành phần của thai chưa bị tụt ra. Nếu chảy máu và đau bụng vẫn tiếp tục và các thành phần của thai đã đi qua ống cổ tử cung (thập thò âm đạo) thì được coi là sảy thai không tránh được.
Chắc chắn bị sảy
Thai nhi đã chết và đang được đẩy ra.
– Sảy thai hoàn toàn: Toàn bộ thai nhi lẫn nhau thai cùng bị đẩy ra một lúc và sau đó hết đau quặn bụng. Nhưng máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt.
– Sảy thai không hoàn toàn: Một phần của thai và nhau thai chưa được đẩy ra mà vẫn còn trong tử cung. Trường hợp này tuy đã bớt đau quặn bụng. Nhưng máu âm đạo vẫn chảy ra liên tục thậm chí có thể băng huyết
– Sảy thai lưu: Trường hợp thai nhi đã chết nhưng còn lưu lại trong tử cung chưa bị đẩy ra ngoài. Thời gian lưu có thể lâu hàng tuần hoặc hàng tháng. Nhưng đã hết triệu chứng thai nghén, có máu đen ra ở âm đạo, không đau bụng. Khám thấy cổ tử cung chắc và hơi to ra. Thân tử cung trở nên nhỏ hơn so với tuổi thai và mềm không đều. Siêu âm không có tim thai.
Cách phòng tránh
– Cần đảm bảo sức khỏe cơ thể bạn sao cho khỏe mạnh, luôn vui tươi, lành mạnh, không u sầu, lo lắng, stress…
– Thường xuyên đi khám thai nhi theo định kỳ tại các cơ sở y tế có uy tín. Nếu phát hiện bất thường như ổ tử cung bị hở thì bác sĩ sẽ có phương pháp khâu vòng tử cung sớm để tránh sảy thai.
– Nên kiểm tra, xét nghiệm máu để phát hiện sự mất cần bằng nội tiết tố.
– Xét nghiệm nhiễm sắc thể ( thực hiện thông qua máu hoặc mẫu mô).
– Khi mang thai cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên uống viên sắt để tránh thiếu máu, vì thiếu máu là nguyên nhân chính đến suy dinh dưỡng ở thai kỳ và dẫn tới sảy thai.
– Không nên lao động nặng và tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
– Vệ sinh cá nhân và vệ sinh sau khi giao hợp xong. Vì viêm âm đạo hay viêm cổ tử cung cũng có thể dẫn tới sảy thai.
– Nên đi lại nhẹ nhàng, vận động nhẹ nhàng…
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!