Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch từ chủng cúm lợn mới được tìm thấy. Người dân cần tuyệt đối cẩn thận khi mua và chế biến thịt lợn cho bữa ăn gia đình.
Trung Quốc phát hiện loại cúm lợn mới có thể gây đại dịch
Các nhà khoa học tại quốc gia tỉ dân này đã tìm thấy 1 loại cúm lợn mới có tên G4. Theo một nghiên cứu được công bố hôm 29/6 trên tạp chí khoa học PNAS, tạp chí chính của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, G4 có nguồn gốc từ chủng H1N1 gây ra đại dịch cúm năm 2009.
G4 được đánh giá có khả năng lây nhiễm cao và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn trên động vật thử nghiệm (chồn sương) so với các loại virus khác. Các xét nghiệm cũng cho thấy rằng bất cứ khả năng miễn dịch nào đạt được do tiếp xúc với cúm mùa cũng không thể đưa ra sự bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm G4.
1 trang trại nuôi lợn tập trung
Virus này được xác nhận đã lây từ động vật sang người, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy nó có thể lây từ người sang người. 1 nhà khoa học cho biết: “Điều đáng lo ngại là việc lây nhiễm virus G4 ở người sẽ giúp chúng tăng khả năng thích nghi ở người và tăng nguy cơ xảy ra đại dịch với loài người”.
WHO khuyến cáo cảnh giác với nguy cơ đại dịch từ chủng cúm lợn mới tại Trung Quốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi chủng cúm lợn xuất hiện tại Trung Quốc giữa Covid-19. Trong buổi họp báo hôm 30/6, các chuyên gia của WHO cho biết sẽ xem xét kỹ nghiên cứu từ đại lục.
Điều này cũng cho thấy chúng ta không thể buông lỏng cảnh giác đối với bệnh cúm nói chung, cần tiếp tục theo dõi nó trong đại dịch”, Christian Lindmeier, người phát ngôn của tổ chức, phát biểu.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ phát biểu: “Sự hiểu biết của chúng ta về các chủng cúm có nguy cơ trở thành đại dịch còn hạn hẹp. Tất nhiên, loại virus này sở hữu các đặc tính cơ bản, nhưng vẫn chưa chắc nó sẽ gây nên đại dịch tiếp theo của năm 2020, hay thậm chí đủ khả năng tồn tại ở người”.
Người dân nên cẩn thận khi lựa chọn thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm khi chế biến các món ăn từ thịt, nhất là thịt lợn trong tình hình nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, người dân cần chú ý đến chất lượng và nguồn gốc thịt cũng như chế biến đảm bảo hợp vệ sinh.
Phân biệt thịt lợn tươi sạch và thịt có can thiệp hóa chất
- Thịt còn tươi ngon phải có màu sắc và mùi đặc trưng, không có mùi hôi, mùi lạ, bề mặt khô ráo không rỉ nước, có độ đàn hồi tốt (khi ấn ngón tay vào bề mặt miếng thịt lúc bỏ ngón tay ra thì vết lõm nhanh chóng mất đi). Không nên mua thịt có những dấu hiệu bất thường, khác lạ.
- Thịt lợn có thuốc an thần thường có màu hồng đỏ bất thường, khi nhấn tay vào miếng thịt sẽ thấy mịn, nước rỉ ra ngoài.
- Nếu chứa hormone tăng trưởng thì thịt có lớp da mỏng, căng khác thường, phần nạc gần sát với da, mỡ rất ít và màu sắc sẫm hơn thịt bình thường. Khi chế biến, thịt ra nhiều nước, mùi vị không thơm đặc trưng của thịt heo, nấu chín thì màu sắc lại nhợt nhạt.
- Trường hợp thịt heo ướp hàn the thì loại thịt này có màu hồng bầm, dùng tay ấn vào sẽ không thấy độ đàn hồi.
- Thịt heo bị nhiễm giun sán (thịt lợn gạo) thì thịt có những đốm nhỏ hình hạt gạo, màu trắng đục.
Nguyên tắc chế biến thịt heo đảm bảo an toàn
- Chọn thịt rõ nguồn gốc, bảo quản trong điều kiện tốt
- Vệ sinh dao, thớt trước và sau khi dùng để thái/cắt thịt
- Không dùng chung dao thớt để cắt thịt sống và thịt chín
- Không ăn các loại tiết canh, thịt nấu chưa chín kỹ, thịt tái, nhất là trẻ nhỏ và người lớn tuổi
- Tuyệt đối không nên ăn thịt để quá lâu trong tủ lạnh.
Theo vnexpress
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!