Ngôi thai đầu hạ vị có nghĩa là thai nhi đã xoay đầu xuống phía hạ vị. Khi đó mông thai nhi hướng về ngực mẹ, thành ngôi thai thuận hoặc gọi là ngôi đầu. Cùng tìm hiểu thêm về ngôi thai này qua bài viết dưới đây nhé.
Nội dung bài viết:
- Ngôi thai đầu hạ vị là gì?
- Các loại ngôi thai đầu hạ vị
- Làm thế nào để biết ngôi thuận hay ngược?
- Chuyện gì xảy ra khi thai nhi không quay đầu?
Ngôi thai đầu hạ vị là gì?
Ngôi thai đầu hạ vị có nghĩa là thai nhi đã xoay đầu xuống phía hạ vị. Khi đó mông thai nhi hướng về ngực mẹ, thành ngôi thai thuận hoặc gọi là ngôi đầu. Với tư thế này, bé sẽ dễ dàng được sinh ra hơn. Hay nói cách khác là người mẹ có thể sanh con theo ngả âm đạo khi chuyển dạ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngôi thai đầu nhưng vẫn phải sinh mổ do ảnh hưởng nhiều yếu tố. Ngôi thai đầu chiếm hơn 95%, ngôi thai ngược khoảng 4%, ngôi ngang dưới 1%. Trong đó, 40% ngôi ngược là thai non tháng.
Ngôi thai đầu hạ vị thuận lợi cho chuyển dạ (Nguồn ảnh: istockphoto)
Thời điểm thai nhi xoay đầu là từ tuần 20 đến tuần 39. Ngôi thai đầu là ngôi thai thuận tiện để sinh thường. Thế nhưng bên cạnh đó, các bác sĩ cần phải xem xét nhiều yếu tố khác. Đơn cử như cân nặng của thai nhi quá lớn hay khung xương chậu của mẹ quá hẹp… Nếu những điều này xảy ra, mẹ cũng khó có thể sinh thường được.
Bài viết liên quan:
Hình ảnh ngôi thai ngang của thai nhi và những vấn đề liên quan mẹ cần biết
Các loại ngôi đầu hạ vị
Dựa vào mối tương quan giữa đầu và thân thai nhi, các chuyên gia phân biệt ngôi thai đầu thành các loại sau:
Ngôi chỏm: Vị trí này là phổ biến nhất. Khi đó thai nhi nằm ngửa với lưng dựa vào bụng và cằm nhét vào ngực. Ngôi chỏm có 6 kiểu thế: chẩm chậu trái trước, chẩm chậu trái ngang, chẩm chậu trái sau, chẩm chậu phải trước, chẩm chậu phải ngang và chẩm chậu phải sau.
Ngôi mặt: là thai ngôi đầu với mặt thai nhi ngửa tối đa. Thai nhi có ngôi mặt chiếm 0,2% các loại ngôi trong quá trình chuyển dạ. Bác sĩ chỉ sờ được cằm khi khám.
Ngôi trán: là dạng ngôi thai trung gian giữa ngôi chỏm và ngôi mặt. Trường hợp này là khi đầu vừa cúi không tốt và vừa ngửa không tối đa. Vì thế, lúc khám cho mẹ bác sĩ chỉ sờ được thóp trước.
Ngôi thóp trước: là ngôi đầu hơi ngửa, ngôi trung gian giữa ngôi chỏm và ngôi trán. Khi khám, bác sĩ sẽ sờ thấy thóp trước, ngôi trán hơi cúi.
Làm thế nào để biết ngôi thai đầu hạ vị?
Việc nhận ra ngôi thai đầu hạ vị có thể thông qua bằng cách sờ nắn bụng, khám âm đạo hoặc siêu âm thai. Từ tuần 28, bác sĩ có thể cho mẹ biết ngôi thai thuận hay ngược.
Mẹ có thể cảm nhận ngôi thai qua cú đạp của con hoặc qua siêu âm (Nguồn ảnh: istockphoto)
Nhiều người mẹ có thể cảm nhận được ngôi thai quay đầu ngay tại nhà. Khi thai nhi tạo áp lực lên xương chậu, người mẹ sẽ cảm thấy khó chịu dưới xương sườn.
Nhìn bề ngoài, nếu thai nhi có ngôi thai đầu hạ vị, bụng người mẹ có hình ôvan. Hình này được tính từ đầu xương sườn cho đến xương mu. Ở phần trên tử cung, bác sĩ sẽ thấy được mông thai nhi. Còn ở phần dưới tử cung là đầu, hai bên sườn là lưng và tay chân của bé.
Bài viết liên quan:
Ngôi thai là gì? Thai nhi ở ngôi thai nào sẽ khiến cho việc sinh nở trở nên khó khăn?
Ngôi thai thuận sớm có phải dấu hiệu sinh sớm?
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến – Chuyên khoa sản – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, ngôi thai ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển dạ và phương pháp sinh. Nếu ngôi không thuận thì dễ dẫn đến sinh khó và phải sinh mổ. Thông thường, ngôi thai thay đổi từ tuần thứ 28 trở đi. Ngôi thai quay đầu sớm cũng không hẳn là dấu hiệu sinh sớm, mẹ nên theo dõi thêm các dấu hiệu khác như bong nút nhầy cổ tử cung, ra dịch hồng, phù nề… và theo dõi y tế để xác định chính xác, từ đó lựa chọn phương pháp sinh phù hợp.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thai nhi không quay đầu?
Nếu thai nhi không quay đầu sẽ làm tăng nguy cơ sinh ngược hay còn gọi là ngôi thai ngược. Nghĩa là bé xoay ở vị trí mà phần mông, chân hay cả hai sẽ ra trước tiên khi sinh. Điều này xảy ra ở khoảng 3-4% các ca sinh đủ tháng. Thai ngôi ngược có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé. Đặc biệt là nếu không được kịp thời phát hiện và can thiệp đúng cách.
Một ngôi thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sinh cho mẹ và bé khác là thai ngôi ngang. Thai ngôi ngang là trường hợp thai xoay nửa chừng. Vì thế phần lưng, mạn sườn, bụng… của thai trình diện trước eo. Thai ngôi ngang không thể sinh qua đường ngả âm đạo và phải sinh mổ. Đây là loại ngôi thai rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1%.
Mẹ có thể phải sinh mổ nếu ngôi thai không thuận (Nguồn ảnh: istockphoto)
Những em bé ngôi ngược có nguy cơ mắc bệnh cũng như tử vong cao hơn các em bé khác. Ví dụ như nguy cơ bị ngạt khi chuyển dạ cao hơn. Việc sinh ra trong tư thế mông có thể dẫn đến chấn thương thực thể cho cả bé và mẹ.
Thay lời kết
Ngôi thai là một trong những yếu tố quyết định đến việc người mẹ sinh thường hay sinh mổ. Ngôi thai đầu hạ vị là ngôi thai thuận lợi nhất khi sinh. Việc xác định ngôi thai rất quan trọng trong những tuần cuối của thai kỳ. Vì thế mẹ bầu nên đến thăm khám thường xuyên tại các cơ sở y tế đủ chuyên môn nhé.
Nguồn tham khảo: Thế nào là ngôi thai đầu? – Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!