Theo khuyến cáo của WHO, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng, tất cả trẻ em đều cần được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng các bệnh hiểm nghèo như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Khi bé được 2 tháng tuổi, bé cần được tiêm vắc-xin 5 trong 1 để ngăn ngừa những bệnh thường gặp nhất kể trên. Đây là lúc nhiều mẹ băn khoăn, lo lắng không biết lựa chọn vắc-xin nào cho con, nên tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ?
- Phân biệt các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng và vắc-xin dịch vụ
- Nên tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ?
- Có thể chuyển đổi giữa 2 loại vắc-xin được không?
- Cha mẹ cần lưu ý gì khi đưa con đi tiêm?
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Phân biệt các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng và vắc-xin dịch vụ
Tính đến nay, có 2 loại vắc-xin 5 trong 1 được áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta là Quinvanxem và ComBE Five.
Vắc-xin Quinvaxem
Đây là loại vắc-xin phổ biến nhất, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng từ năm 2006. Loại vắc-xin này do Công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất, bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, ho gà toàn tế bào, kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B và kháng nguyên vỏ vi khuẩn Hib (gây viêm màng não mủ, viêm phổi).
Vắc-xin ComBE Five
Do Công ty Biological E, Ấn Độ sản xuất, là vắc-xin mới, cũng có thành phần tương tự vắc-xin Quinvaxem. Đã có hơn 400 triệu liều vắc-xin ComBE Five được sử dụng tại 43 quốc gia trên toàn thế giới.
Trước kia, do có một thời gian xảy ra liên tiếp nhiều ca tử vong nghi do có liên quan đến loại vắc-xin này khiến Bộ Y tế phải tạm ngừng tiêm vắc-xin này và báo cáo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Kết luận điều tra của WHO đã khẳng định hầu hết các trường hợp tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác ở trẻ.
WHO cũng đã kết luận Quinvaxem an toàn và khuyến cáo sử dụng trở lại. Tuy nhiên, từ tháng 5/2017, bộ Y tế đã chính thức đưa vắc-xin ComBE Five vào chương trình tiêm chủng mở rộng, thay thế cho vắc-xin Quinvaxem.
Vắc-xin Pentaxim
Đối với tiêm dịch vụ, loại vắc-xin 5 trong 1 được sử dụng ở nước ta là vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim. Loại vắc-xin này do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất. Khác với vắc-xin Quinvaxem và vắc-xin ComBE Five, thành phần của vắc-xin Pentaxim bao gồm các kháng thể bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, Hib và bại liệt, không có viêm gan B. Vắc-xin Pentaxim được sử dụng tại 99 quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, gần đây do tình trạng khan hiếm vắc-xin 5 trong 1, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn vắc-xin 6 trong 1 Infanrix để tiêm chủng cho trẻ. Đây là loại vắc-xin dịch vụ giúp phòng chống các bệnh Bạch hầu – Ho gà (vô bào) – Uốn Ván – Viêm gan B – Bại liệt – Hib.
Bạn có thể xem:
Các mũi tiêm chủng bảo vệ cho con cha mẹ nên biết!
Nên tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ?
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rằng vắc-xin đắt tiền sẽ tốt hơn vắc-xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực tế, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là do nhà nước trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Dù là vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay vắc-xin dịch vụ, trước khi đưa vào sử dụng đều phải được kiểm định tính an toàn và hiệu quả một cách chặt chẽ, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Vì vậy không thể nói là “vắc-xin dịch vụ an toàn hơn vắc-xin miễn phí”. Thực tế, phần lớn trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm.
Còn đối với việc có một số người nói bé đi tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng về bị đau, sốt nhiều hơn so với tiêm dịch vụ, thật ra điều này phụ thuộc rất nhiều vào từng bé. Có những bé sau khi tiêm về cũng không sốt hay quấy khóc, trong khi một số bé khác có những phản ứng suốt mấy ngày liền khiến cha mẹ lo lắng.
Các mẹ hãy hiểu bản chất của việc tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Thông thường, mỗi cá thể phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong vòng một, hai ngày.
Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể lại có phản ứng rất mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ. Vì thế, một số phụ huynh e ngại, chần chừ không đưa trẻ đi tiêm chủng, hoặc có tâm lý chờ đợi vắc-xin dịch vụ Pentaxim vì nghĩ nó an toàn hơn.
Trên thực tế, trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi, loại vắc-xin nào cũng phải được kiểm tra và đạt đến một tiêu chuẩn đáp ứng miễn dịch nhất đinh. Không thể có loại vắc-xin “đáp ứng miễn dịch thấp” hay “kém an toàn” mà lại được lưu hành rộng rãi cả.
Do đó, việc lựa chọn nên tiêm chủng mở rộng hay tiêm dịch vụ phụ thuộc vào điều kiện từng gia đình, không có phương án nào tốt hơn hẳn so với phương án kia.
Ý kiến của bác sĩ ra sao?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Trẻ em từ khi sinh ra cần được tiêm các loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh thường gặp nhất. Chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ y tế được thực hiện nhằm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B và bệnh viêm não/viêm phổi do vi khuẩn Hib miễn phí cho trẻ tại các Trạm y tế xã, phường theo quy định. Ngoài vắc xin 5 trong 1, danh sách vắc xin khác được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ trong Tiêm chủng mở rộng sẽ được Bộ Y tế thông báo hàng năm.
Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ cho rằng việc tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng miễn phí sẽ kém an toàn và không đạt được đáp ứng miễn dịch cao như vắc xin dịch vụ. Thực tế cho thấy, cả 2 loại vắc xin đều được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ mới được cấp phép lưu hành. Mức độ đau của mũi tiêm vào bé cũng không có khác biệt đáng kể. Việc sốt, quấy khóc sau tiêm nhiều hay ít phụ thuộc vào hệ miễn dịch của từng bé. Cả 2 loại vắc xin đều có tác dụng bảo vệ bé khỏi bệnh tật và tăng cường sự miễn dịch cho trẻ. Vì vậy, việc chọn lựa vắc xin tiêm chủng mở rộng hay vắc xin dịch vụ là lựa chọn của từng gia đình, nhưng vẫn phải đảm bảo việc trẻ được tiêm phòng đúng lịch và đủ số mũi tiêm.
Có thể chuyển đổi giữa 2 loại vắc-xin được không?
Hiện tại việc tiêm vaccine tại nước ta đang rất phổ biến và có nhiều chủng loại vaccine để người dân lựa chọn. Tùy thuộc vào điều kiện hoặc nhu cầu của gia đình mà có thể lựa chọn tiêm vaccine 5 trong 1 mở rộng hoặc tiêm dịch vụ. Điều quan trọng nhất của việc tiêm vaccine không phải là giá cả mà là tiêm đủ mũi, theo sát lịch tiêm để nâng cao hiệu quả hoạt động của vaccine.
Ngoài ra, phụ huynh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín và chất lượng để tiêm vaccine cho trẻ để đảm bảo an toàn. Bé có thể chuyển đổi giữa 2 loại vắc-xin, ví dụ nếu mũi 1 bé tiên thuốc Quinvanxem thì mũi 2, 3 hoàn toàn có thể tiêm bằng vắc-xin comBE hay Pentaxim, miễn là bé được đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm là 1 tháng.
Lưu ý, sau khi tiêm vaccine thì phụ huynh nên quan sát thật kỹ tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau khi tiêm 30 phút để đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra.
Bạn có thể xem:
Cha mẹ cần lưu ý gì khi đưa con đi tiêm?
Các bậc cha mẹ cần phối hợp cán bộ tiêm chủng như:
- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, hoặc có bất thường gì khác.
- Nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng sau tiêm chủng kéo dài trên 1 ngày.
- Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc-xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.
- Không nên vì chờ đợi vắc-xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái … cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm. Cha mẹ không nên vì lo lắng chất lượng vắc-xin hay băn khoăn không biết nên tiêm chủng mở rông hay tiêm dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng của con mình, sức khỏe của bé mới là điều quan trọng nhất.
Theo: The Asianparent
Nguồn tham khảo: Tiêm dịch vụ hay nên tiêm miễn phí? – vnvc.vn
Xem thêm các bài viết khác:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!