Nhiều thiếu nữ ở xứ sở sương mù đang bị ép gả cho những người hơn gấp ba số tuổi của mình. Lợi dụng phong toả vì dịch bệnh, nạn tảo hôn bùng phát ở Anh.
Lợi dụng phong toả, nạn tảo hôn bùng phát ở Anh
Payzee Mahmod (33 tuổi, sống tại Wales, Anh) bị ép kết hôn với một người đàn ông gần gấp ba số tuổi cô vào năm 16 tuổi. Vào thời điểm đó, Mahmod vẫn là một cô gái ngây thơ, có niềm đam mê mãnh liệt với thời trang, nhạc pop và đang chuẩn bị vào đại học.
“Lúc đó tôi vừa mới tốt nghiệp trung học và đang hứng thú với việc không phải mặc đồng phục đến trường. Tuy nhiên, tôi lại phải bó mình trong chiếc váy cưới chật chội với những món trang sức tinh xảo. Tôi cảm giác như mình là một món hàng được bán trong phiên đấu giá”, cô nhớ lại.
Mahmod cất gọn các áp phích in hình ca sĩ Britney Spears để trang trí lại phòng ngủ mới của mình. Chỉ một lúc sau, khi cô và chú rể vào phòng khách sạn, Mahmod mới nhận ra bộ mặt thật của người đàn ông này. Ông ta hung tợn bước đến, rút điện thoại và ném nó vào mặt cô. Mahmod cố hết sức chạy vào phòng tắm để gọi điện cho bố mẹ.
“Khi hỏi: ‘Chừng nào bố mẹ đến đón con?’, họ đã giận dữ và bảo tôi đi ngủ. Họ để tôi một mình với người lạ và không biết ông ta sẽ làm gì”, Mahmod kể.
Bỏ dở việc học, ước mơ chấm dứt
Tuần trước, một bộ phim truyền hình đã phát sóng câu chuyện về cái chết oan khuất của chị gái Mahmod, Banaz Mahmod, vào năm 2006. Ngay từ khi lên sóng, bộ phim đã thu hút 4,3 triệu khán giả theo dõi tập đầu tiên.
Nội dung xoay quanh một cô gái 20 tuổi bị chính gia đình đẩy đến cuộc hôn nhân sắp đặt đầy bạo lực và ước mơ được tự do chọn bạn đời của trẻ em gái.
Năm thủ phạm chính, bao gồm cả cha và chú của Banaz, sau đó đã bị kết tội giết người.
“Có một điều hoàn toàn bị bỏ qua là câu chuyện của Banaz bắt đầu khi cô bị buộc kết hôn với người lạ và không có bất cứ luật nào bảo vệ cô”, Mahmod nói với The Guardian.
Hiện Mahmod là thành viên của IKWRO Women’s Rights – một tổ chức phản đối nạn tảo hôn ở xứ sở sương mù. Cô và đội ngũ của mình đang kêu gọi chính phủ loại bỏ những “lỗ hổng” trong bộ luật cho phép thanh thiếu niên 16-17 tuổi kết hôn ở Anh theo sự sắp đặt của gia đình.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, nạn tảo hôn tại quốc gia này càng thêm trầm trọng do phần lớn các vụ án đều bị “bưng bít”, theo The Guardian.
UNICEF cho rằng kết hôn trước 18 tuổi là vi phạm cơ bản quyền con người. Khoảng gần 3 năm trở lại đây, đã có 2.377 người liên hệ đến các đường dây trợ giúp cưỡng ép hôn nhân, nạn nhân nhỏ tuổi nhất chỉ mới 7 tuổi. Phần lớn các trường hợp (khoảng 66%) đều thuộc nhóm thanh thiếu niên.
Lời cầu cứu từ các cô gái trẻ
Trong khi các báo cáo về tổn hại danh dự và tảo hôn tăng nhanh, những cuộc gọi cầu cứu của trẻ em đã giảm đáng kể, theo thống kê của tổ chức từ thiện Karma Nirvana.
Hiện nay, lợi dụng phong toả vì dịch bệnh, nạn tảo hôn bùng phát ở Anh.
Điều này làm dấy lên lo ngại các cô gái trẻ đang phải vật lộn để tìm kiếm người giúp đỡ mà không có sự hỗ trợ từ giáo viên.
Kể từ khi trường học hoạt động trở lại, tổ chức này đã ghi nhận 49 nạn nhân liên lạc từ ngày 7-25/9. Trong số đó, nhiều trường hợp là trẻ em, đặc biệt có một bé gái dưới 10 tuổi.
“Giữa đại dịch, con gái tôi đã đến Pakistan để kết hôn với một người anh họ lớn tuổi. Đáng lẽ nó phải đến trường nhưng khi tôi báo cảnh sát thì họ nói rằng họ không thể ngăn chặn việc đó vì con bé gần 16 tuổi”, một người mẹ bối rối nói với Karma Nirvana.
Một phụ nữ khác kể lại rằng con gái 16 tuổi của cô đã lấy một người đàn ông mà cô bé chỉ mới gặp 20 phút. Đã có nhiều trường hợp cảnh sát không thể can thiệp vào nạn tảo hôn. Vì cô gái tự nguyện nên chính quyền không tiếp tục điều tra thêm. Những cuộc hôn nhân này đang ngoài tầm kiểm soát của pháp luật.
“Không đứa trẻ nào nên kết hôn trước 18 tuổi. Đó là một sự mâu thuẫn trong luật pháp và thường đi kèm với sự ép buộc”, Natasha Rattu, giám đốc tại Karma Nirvana, nói.
Mahmod kết hôn để làm vui lòng cha mình. Nhưng cuộc sống của cô không hề viên mãn, hạnh phúc. Mahmod chia sẻ đám cưới của cô là sự gượng ép, kiểm soát và tống tiền. Nếu được lựa chọn, cô sẽ không bao giờ từ bỏ tuổi thơ của mình để kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi mà cô thậm chí không quen trước đó.
“Người mà tôi cưới đã già đến mức bạc cả tóc. Tôi trông như một đứa trẻ bên cạnh ông ấy. Tôi không thể hiểu làm thế nào mà người chứng nhận giấy đăng ký kết hôn lại phớt lờ điều đó”, Mahmod nhớ lại.
Mahmod cho rằng sự phân biệt chủng tộc cũng góp phần khiến tình trạng tảo hôn tăng cao. “Không một giáo viên nào, nhân viên xã hội, hàng xóm hay người bán hàng trong tiệm đồ cưới hỏi tôi có an toàn hay không. Tất cả điều đó là do ngoại hình và quê quán của tôi”, cô bức xúc.
Chỉ sau khi chị gái bị giết, Mahmod mới có thể thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy nước mắt này. “Tôi ly hôn vào tháng 5/2006, cùng tháng với đám tang của Banaz”.
Nhưng chồng cô chỉ đồng ý ly hôn nếu cô ký vào bản cam kết là do cô không chung thủy.
“Ông ấy cần điều gì đó để chứng mình với mọi người rằng tôi là kẻ hư hỏng và không thể dạy dỗ. Sự xấu hổ, danh dự còn quan trọng hơn an toàn của bản thân”.
Mãi đến năm 2007, Mahmod mới được ly hôn theo luật của Anh.
Lợi dụng đại dịch, ép con gái lấy chồng
Các nhà hoạt động xã hội lo ngại rằng việc phụ huynh mượn cớ Covid-19 cho con cái nghỉ học sẽ khiến giáo viên khó phát hiện và báo cáo lạm dụng trẻ em hơn.
Trong thời gian phong tỏa, Mahmod đã liên lạc với ít nhất 7 cô gái qua mạng xã hội – những người đang lo sợ cho cuộc sống của mình và có nguy cơ bị ép gả đi.
Theo báo cáo của Save the Children, khoảng 2,5 triệu trẻ em gái có nguy cơ bị ép tảo hôn trong vòng 5 năm tới do tác động của đại dịch.
Nghị sĩ Pauline Latham cho biết bộ luật hiện hành đã lỗi thời. Vào thập niên 40-50, việc sinh con ngoài giá thú được coi là một điều ô nhục và nhiều người thường phải rời trường học rất sớm để đi làm. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn với những cơ hội khác nhau dành cho phụ nữ trẻ.
“Có rất nhiều thứ bạn không thể làm cho đến khi trưởng thành như thế chấp hoặc xăm mình nhưng hôn nhân là một điều bất thường. Ở Scotland, bạn có thể kết hôn mà không cần sự đồng ý của cha mẹ nhưng tôi cho rằng thanh thiếu niên dưới 18 tuổi không nên làm vậy. Trong độ tuổi đó, chúng ta phải được tiếp thu giáo dục”, Latham bày tỏ.
Bà lo lắng rằng trẻ em, chủ yếu là các bé gái, sẽ bỏ học sớm và mất cơ hội độc lập tài chính vì chúng bị ép lấy chồng.
Nếu luật cấm kết hôn dưới 18 tuổi được ban hành, câu chuyện của Banaz có thể đã có một kết thúc khác.
“Anh là quốc gia đi đầu thế giới trong cuộc chiến chống cưỡng ép hôn nhân. Năm 2014, Anh đã bổ sung điều này vào hành vi phạm tội và ban hành 2.605 lệnh bảo vệ khác. Luật rất rõ ràng, dù ở độ tuổi nào thì các cặp vợ chồng đều phải được tự do quyết định”, người phát ngôn của chính phủ cho hay.
Theo Zing News
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!