Mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh là một khiếm khuyết bẩm sinh hay gặp nhất ở vùng thanh môn và thanh quản. Bệnh xảy ra khi mô nâng đỡ các cấu trúc giải phẫu phía trên thanh quản (gồm nắp thanh quản và sụn phễu) chưa phát triển kịp khiến các cấu trúc này sa vào đường thở của trẻ tạo nên tiếng thở khò khè và tiếng rít thanh quản. Phần lớn các trường hợp sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần lưu ý để chăm sóc trẻ đúng cách.
Nguyên nhân gây mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh
Mềm sụn thanh quản là bẩm sinh nhưng bệnh cũng không có yếu tố di truyền. Nguyên nhân cụ thể hiện tại vẫn chưa được xác định rõ, có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
Do cấu trúc cơ thể
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, miệng, hầu và thanh quản. Thanh quản nằm dưới lưỡi và ở phía trên phổi. Thanh quản có dây thanh âm, dây này mở ra khi trẻ nói, khóc hay thở, đóng lại khi ăn. Trong mềm sụn thanh quản, nắp thanh môn hoặc sụn phễu bị mềm. Do có độ chênh lệch giữa kích thước phổi và kích thước ống dẫn khí hô hấp trên nên gặp tình trạng co rút hay làm phồng hõm các cơ của vùng ngực, vùng cổ, rõ thấy nhất là khi trẻ thở ra hít vào, hoạt động này nhẹ nhưng diễn ra đều đều, liên tục, tạo tiếng thở rít.
Mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh – Ảnh ydvn.net
Đường dẫn truyền thần kinh chưa hoàn chỉnh
Các đường dẫn truyền thần kinh chưa trưởng thành đầy đủ, do đó sự phối hợp giữa thần kinh và cơ chưa hoàn chỉnh khiến cho trương lực đường dẫn khí khu vực này thấp hơn so với mức cần thiết do vậy dễ bị phồng xẹp, chưa ổn định.
Dấu hiệu mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh
Mặc dù là bệnh lý bẩm sinh nhưng trẻ thường được phát hiện bệnh ở khoảng 4-6 tuần tuổi, đôi khi sớm hoặc muộn hơn. Trẻ thường có những dấu hiệu:
Thở khò khè lâu ngày
Trẻ bị mềm sụn thanh quản thường bắt đầu thở khò khè ngay sau khi sinh. Cơn thở khò khè ngắt quãng khi hít vào, nên đôi khi bị nhầm là do bé không được hút sạch nước ối sau đẻ hay viêm nhiễm tại mũi gây tắc nghẹt mũi. Tuy nhiên khi khám mũi bé không thấy tổn thương, không thấy dịch tiết trong khi tiếng thở khò khè có âm sắc cao và the thé. Đặc biệt, khi đặt bé nằm ngửa hoặc khi bé quấy khóc, tiếng khò khè này sẽ dễ dàng nhận thấy hơn.
Dễ bị trào ngược dạ dày thực quản
Do một phần thanh môn của trẻ bị nghẽn, khi hít vào bé phải cố gắng mới lấy được không khí. Điều này khiến cho áp suất âm trong lồng ngực của bé bị tăng, do đó thức ăn dễ trào ngược từ dạ dày lên thực quản, hạ họng. Đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao trẻ bị mềm sụn thanh quản rất dễ bị viêm mũi họng và viêm phế quản – phổi.
Trường hợp nặng, các bé thường chậm lên cân, bú khó, ngưng thở, co kéo lồng ngực, cổ khi hít vào, tím tái.
Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh lý mềm sụn thanh quản ở trẻ sơ sinh sẽ nặng trong vòng 8 tháng đầu sau đó sẽ hết dần triệu chứng khi trẻ 12-18 tháng tuổi.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị mềm sụn thanh quản
Do chưa biết được nguyên nhân rõ ràng nên mềm sụn thanh quản là bệnh không phòng ngừa được. Phần lớn các bé sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp phải nhập viện nhiều lần vì ngưng thở do tắc nghẽn. Trường hợp trẻ bị mềm sụn thanh quản nặng có thể dẫn đến biến chứng hạ ô xy máu.
Cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc trẻ bị mềm sụn thanh quản:
- Cho bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp trên nệm cứng khi ngủ.
- Làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý trước khi đi ngủ để mũi bé được thông thoáng, giúp bé thở dễ dàng hơn.
- Điều chỉnh tia sữa cho thích hợp khi cho bé bú, không để luồng sữa chảy nhanh khiến bé dễ bị sặc.
- Không ép bé ăn, chia nhỏ lượng thức ăn mỗi bữa của bé và cho bé ăn nhiều bữa trong ngày.
- Kiểm soát quá trình cho ăn: Cho bé tạm nghỉ và dừng lại trong khi cho ăn để bé “bắt kịp hơi thở”.
- Sau khi ăn, giữ bé thẳng đứng hoặc cao từ 15 đến 30 phút để tránh trào ngược dạ dày.
- Điều trị sớm và triệt để khi bé bị viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Cho bé đến bệnh viện đo lượng ôxy trong máu mỗi 1-2 tháng một lần, nếu dưới 90% cần hỗ trợ ôxy.
- Theo dõi sát sao bé để phát hiện sớm những chuyển biến xấu, cần đưa bé đến viện ngay khi có dấu hiệu ngưng thở trên 10 giây, thở khò khè, tím tái quanh môi, co kéo lồng ngực và cơ cổ không đỡ khi thay đổi tư thế hoặc khi bế bé, khó nuốt và chớ liên tục, bú kém hoặc bỏ bú, khó thở khi bú.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!