Mẹ bị đau mắt có nên cho con bú, theo các chuyên gia nhi khoa mẹ không cần cách ly và ngừng cho bé bú, tuy nhiên cần theo dõi để tránh lây cho bé.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Mẹ bị đau mắt khi cho con bú có khiến con bị lây?
Bệnh đau mắt xảy ra do nguyên nhân nào? Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Đau mắt đỏ là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và rất dễ lây. Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus (hay gặp nhất), vi khuẩn hay do dị ứng. Đối với tác nhân virus, bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân, dịch ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, bệnh có thể lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
Những người bị đau mắt đỏ thường sẽ xuất hiện các triệu chứng như đỏ mắt từ nhẹ đến nặng. Lúc đầu sẽ bị một mắt về sau có thể sẽ lây sang mắt bên kia. Đây là căn bệnh rất dễ mắc phải và cũng dễ lây lan.
Đau mắt đỏ có thể lây từ người này sang người khác qua những cách sau:
- Do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh qua đường nước mắt, dịch mắt ….
- Có thể do chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như nắm cửa, điều khiển, chìa khóa, … hoặc có thể do dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, bàn chải, gối…
- Do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mầm bệnh
- Xuất phát từ thói quen hay sờ mũi, miệng, hay dụi mắt
- Khi người bị đau mắt đỏ nói chuyện hoặc hắt hơi, virus sẽ theo nước bọt truyền từ người bệnh sang người lành.
Như vậy, bệnh đau mắt chủ yếu lây trực tiếp khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Trẻ bú mẹ cũng có thể bị lây bệnh từ mẹ nếu người mẹ không chủ động phòng ngừa cho bé.
Mẹ bị đau mắt có nên cho con bú không?
Chị Phương, một bà mẹ đang bị bệnh đau mắt đỏ tâm sự:
“Mình đang cho con bú mà hiện tại đang bị đau mắt đỏ. Mình không dám cho bé bú cũng không dám lại gần chăm con, thương lắm. Mình có thể cho con bú trong tình trạng này không và phải làm sao để chăm con mà bệnh không lây sang cả con?”.
Theo bác sĩ Nam, Đối với phụ nữ đang cho con bú, khi bị đau mắt đỏ, bệnh có thể lây cho bé thông qua đường hô hấp, qua dịch tiết từ mắt hoặc khi ho, hắt hơi. Trẻ nhỏ sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị nhiễm bệnh từ mẹ. Mẹ vẫn có thể cho con bú, tuy nhiên cần phải rất chú ý để bảo vệ mắt cho bé. Mẹ phải luôn đeo khẩu trang khi ẵm hay khi tiếp xúc trực tiếp với bé, cho bé bú, đồng thời rửa tay thật sạch trước khi chăm sóc cho bé. Mẹ cần giữ vệ sinh mắt thật sạch sẽ, luôn phải rửa tay và vệ sinh tay thật sạch trước và sau mỗi lần chạm vào mắt mình, hạn chế chạm vào những đồ dùng chung trong gia đình để tránh lây lan.
Làm thế nào để không lây bệnh đau mắt sang bé khi cho con bú?
Khi có triệu chứng đau mắt đỏ mẹ nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị. Về nhà, mẹ cũng cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục.
Để không lây bệnh cho người nhà và em bé, bạn cần rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn sau mỗi lần chạm vào mắt của mình, mang khẩu trang khi tiếp xúc người khác, khi chăm sóc em bé (vì siêu vi gây bệnh có thể lây qua nước bọt, nước mũi).
Trong thời gian bị bệnh, mẹ cần hạn chế sờ chạm những vật dụng chung trong nhà (nắm cửa, chìa khóa, điện thoại….). Những người trong nhà chưa mắc bệnh cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý ít nhất 3 lần/ngày và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh.
Nếu cảm thấy quá lo lắng và để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho em bé không bị lây bệnh, mẹ có thể vắt sữa ra bình, nhờ người nhờ cho bé bú và chăm sóc bé cho đến khi mẹ khỏi hoàn toàn.
Mẹ có cần uống kháng sinh không?
Với trường hợp mẹ cho con bú bị mắc bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn, bạn cần được tiêm kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê thêm thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt để hỗ trợ điều trị. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kháng sinh đường uống để tăng hiệu quả chữa bệnh.
Tuy nhiên, nếu phải uống kháng sinh, mẹ cần tư vấn với bác sĩ về việc đang cho con bú để được kê loại thuốc uống phù hợp, không ảnh hưởng tới sữa mẹ.
Cùng với sử dụng thuốc, mẹ nên bổ sung một chế độ ăn giàu vitamin A, K, C, B có lợi cho mắt và kiêng ăn các loại thực phẩm như tôm, cá, ốc, rau muống, đồ uống có ga, mỡ động vật.
Tóm lại, bác sĩ Nam nhấn mạnh: “Mẹ bị đau mắt đỏ vẫn nên cho con bú, vì trẻ đang ở độ tuổi cần sự chăm nom nhất của người mẹ, và mẹ phải áp dụng những biện pháp vệ sinh cẩn thận để đề phòng bệnh lây sang bé.”
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!