Mẹ bầu mệt mỏi 3 tháng đầu là hiện tượng bình thường do sự thay đổi hormone bên trong cơ thể nên mẹ không cần quá lo lắng. Để làm giảm tình trạng mệt mỏi, mẹ cần có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Cùng tham khảo tiếp bài viết sau đây để vượt qua 3 tháng đầu thai kỳ thật khỏe mạnh mẹ nhé!
Mẹ bầu mệt mỏi như thế nào trong 3 tháng đầu mang thai?
Hoa mắt, chóng mặt
Mẹ bầu mệt mỏi 3 tháng đầu thai kỳ là do cơ thể liên tục phải đối mặt với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, nhức đầu và thường xuyên cảm thấy thiếu năng lượng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì.
Buồn nôn, nôn
Một trong những triệu chứng ốm nghén 3 tháng đầu mang thai khiến mẹ bầu vô cùng mệt mỏi đó là thường cảm thấy buồn nôn, nôn khan vào mỗi sáng thức dậy, đặc biệt là khi có sự kích thích về mùi, vị thức ăn hoặc thậm chí là âm thanh, ánh sáng, nơi đông người,…
Hầu như bà bầu nào cũng đều phải trải qua những cảm giác khó chịu này trong những tháng đầu thai kỳ. Tình trạng này thường không gây hại cho sức khỏe nhưng có thể gây mất nước cho cơ thể nếu bị nôn quá nhiều. Vì vậy mẹ cần bổ sung đủ nước và điện giải để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chán ăn
Cảm giác buồn nôn khiến nhiều mẹ bầu trở nên chán ăn, ăn không ngon. Chỉ cần nghe thấy mùi đồ ăn thôi là nôn thốc nôn tháo, cho dù đó là món ăn mà trước đây mẹ từng rất thích.
Nếu không cố gắng ăn hoặc tìm cách bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cơ thể mẹ bầu sẽ bị thiếu chất và thai nhi cũng không thể phát triển tốt nhất được.
Mất ngủ hoặc nghén ngủ
Một số mẹ bầu có thể cảm thấy buồn ngủ, uể oải trong 3 tháng đầu thai kỳ nhưng cũng nhiều mẹ bầu gặp tình trạng mất ngủ. Nếu để mất ngủ kéo dài, mẹ ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày sẽ khiến cơ thể mẹ càng thêm mệt mỏi, hơn nữa nguy cơ sinh mổ của mẹ ngủ ít cũng cao hơn và thời gian chuyển dạ cũng kéo dài hơn so với các mẹ bầu ngủ đủ giấc.
Táo bón
Táo bón là triệu chứng rất phổ biến khi bà bầu mới mang thai. Đặc biệt là khi cơ thể mẹ thiếu hụt chất xơ, ít uống nước và thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Lý do khiến mẹ bầu mệt mỏi 3 tháng đầu
Sự thay đổi hormone trong cơ thể
Nguyên nhân hàng đầu khiến các mẹ bầu mệt mỏi trong 3 tháng đầu thai kỳ đó là do lượng hormone progesterone trong máu mẹ tăng cao. Hormone này làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa, khiến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản gây ra cảm giác buồn nôn và khiến mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải trong thai kỳ.
Ngoài ra, Progesteron còn có tác dụng làm giãn các cơ trơn ở ruột non, ruột già, gây ra triệu chứng táo bón khó chịu cho mẹ bầu.
Hệ tuần hoàn thay đổi
Khi có em bé, cơ thể mẹ có sự thay đổi ở hệ tuần hoàn, nhịp tim và cung lượng tim tăng lên khiến mẹ mất sức và cảm thấy mệt mỏi hơn. Tất cả những thay đổi này đều là để thích nghi với việc có một bào thai đang lớn lên trong bụng mẹ, vì vậy mẹ không thể làm gì khác hơn ngoài việc cố gắng vượt qua một cách thật mạnh mẽ.
Cơ thể thiếu chất
Cơ thể mẹ bầu khi mang thai cần nhiều chất dinh dưỡng hơn bình thường để thai nhi phát triển. Nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mẹ bầu sẽ thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Đặc biệt là khi cơ thể mẹ thiếu máu, thiếu chất sắt thì thường sẽ rất dễ bị mệt, tim đập nhanh, chân tay run lẩy bẩy và sắc mặt thường tái nhợt, không hồng hào, tỉnh táo.
Tâm lý lo lắng
Những bà bầu mới mang thai, đặc biệt là mang thai lần đầu sẽ luôn trong trạng thái hồi hộp, lo lắng, suy nghĩ nhiều về sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng.
Dù thế nào thì mẹ cũng hãy nhớ rằng, cảm xúc của mình đóng góp một phần quan trọng không kém vào sức khỏe thể chất của cả mẹ và bé. Mẹ bầu vui vẻ, lạc quan thì cơ thể cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Mẹ bầu mệt mỏi 3 tháng đầu phải làm sao?
Nghỉ ngơi, thư giãn
Khi mệt mỏi, mẹ đừng cố làm việc quá sức mà hãy để cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn càng nhiều càng tốt. Stress và suy nghĩ quá nhiều sẽ khiến mẹ càng mệt mỏi hơn thôi. Nếu có thể, mẹ nên tạm nghỉ việc một thời gian ngắn đến khi cảm thấy sức khỏe ổn định hơn.
Chế độ ăn uống
Cơ thể thiếu chất sẽ khiến mẹ dễ bị mệt hơn bình thường. Ngoài ra việc để dạ dày bị trống cũng có thể khiến mẹ dễ cảm thấy buồn nôn hơn.
Hãy ăn uống đầy đủ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi lần ăn một ít nhưng ăn thật nhiều bữa trong ngày để đảm bảo không bị đói, chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho thai kỳ như canxi, axit folic, magie, vitamin C, A, D,… Đặc biệt là phải bổ sung đầy đủ chất sắt.
Khi thấy khó chịu, mẹ hãy ăn một ít bánh quy, bánh mì nướng, uống chút trà gừng,… vì đây là những thực phẩm có thể làm giảm cảm giác ốm nghén cho mẹ. Mẹ cũng đừng quên hãy uống thật nhiều nước. Để tránh bị nôn, mẹ có thể uống từng ngụm nhỏ và uống thường xuyên trong ngày.
Tập thể dục hợp lý
Nằm mãi một chỗ càng khiến mẹ cảm thấy người uể oải, ù lì hơn. Hãy ra ngoài vận động một chút để máu huyết lưu thông và tăng cường sức khỏe nhé. Những bài tập phù hợp cho bà bầu 3 tháng đầu là đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, tập yoga,…
Hy vọng những thông tin hữu ích vừa rồi sẽ giúp mẹ yên tâm hơn với hiện tượng mẹ bầu mệt mỏi 3 tháng đầu. Trường hợp nghén quá nặng, mẹ hãy đến khám bác sĩ để được khám và tư vấn kỹ hơn nhé.
Xem thêm:
- Tâm lý bà bầu 3 tháng đầu thay đổi thất thường như thế nào?
- Bà bầu nên tránh ăn gì trong 3 tháng đầu và cách để hạn chế ốm nghén
- Mẹ bầu cần nắm rõ các nguyên nhân phổ biến gây sảy thai 3 tháng đầu để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!