Bầu 4 tháng nên bổ sung gì? Mẹ hãy bổ sung protein, omega-3, sắt, canxi, chất xơ và vitamin. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Mẹ và bé thay đổi như thế nào từ tháng thứ 4?
- Mang thai từ tháng thứ 4 nên bổ sung gì?
- Mẹ bầu nên kiêng những món ăn nào?
Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, thể chất của cả mẹ và thai nhi đều có sự thay đổi, vì vậy mẹ cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp để đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển của bé yêu. Tháng thứ 4 bắt đầu cho tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi đã ổn định và bắt đầu tăng trưởng nhanh.
Chị em cũng không còn phải khổ sở vì chứng ốm nghén nữa. Vậy mang thai từ tháng thứ 4 nên bổ sung gì, các mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Mẹ và bé thay đổi như thế nào từ tháng thứ 4?
Bước sang tháng đầu tiên của tam cá nguyệt thứ hai, cơ thể của mẹ bầu có những thay đổi rõ rệt do trọng lượng của thai nhi lớn lên nhanh chóng. Vòng eo của các mẹ lúc này đã hoàn toàn biến mất.
Bé yêu sẽ có kích thước tương đương với một quả bơ khi dài khoảng 9cm và nặng chừng 12,5g. Giai đoạn này bé bắt đầu mút tay, nheo mắt và đá vào thành bụng của mẹ nên mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được vận động của sinh linh bé bỏng trong bụng mình rồi nhé!
Bầu 4 tháng nên bổ sung gì?
Ngoài việc chú ý đến bụng bầu 4 tháng khác biệt ra sao hay thai nhi đang phát triển thế nào, mẹ bầu cũng cần chú ý chăm sóc cơ thể nhiều hơn trong giai đoạn này.
Ở tháng thứ 4 cơ thể người mẹ sẽ thấy dễ chịu và thoải mái nhất vì không bị ốm nghén nữa, việc ăn uống trở nên dễ dàng hơn, cơ thể mẹ bầu cũng chưa quá nặng nề do bụng bầu dù đã lộ rõ nhưng chưa to. Người mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để bé yêu phát triển toàn diện do đây là giai đoạn thai nhi phát triển rất mạnh mẽ.
-
Protein
Nếu hỏi bầu 4 tháng nên bổ sung gì thì protein chắc chắn là câu trả lời hàng đầu. Trong quá trình mang thai, người mẹ cần bổ sung gấp đôi lượng protein để đáp ứng những nhu cầu cần thiết. Protein là thực phẩm chủ chốt quyết định sự hình thành cơ bắp cho thai nhi cũng như sự phát triển của các tế bào thần kinh của bé.
Thiếu protein có thể dẫn đến tình trạng phù nề, tích nước trong cơ thể và bàn tay, bàn chân. Hơn nữa còn khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, xanh xao, thiếu năng lượng, hệ miễn dịch suy giảm dấn đến dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Đối với thai nhi, thiếu hụt protein có thể khiến bé bị yếu ớt, chậm lên cân, thậm chí bị suy dinh dưỡng bào thai, ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn trí não của bé sau khi chào đời.
Từ tháng thứ 4 chính là thời điểm mẹ cần tăng lượng protein. Những thực phẩm giàu protein bao gồm trứng, sữa, các loại cá không chứa thủy ngân, ngũ cốc nguyên chất, chuối chín, súp lơ xanh, cải bó xôi, măng tây, bơ…
-
Omega-3
Omega-3 là axit béo rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển não bộ, hệ thần kinh trung ương, mắt, hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch và tim mạch cho bé yêu.
Thiếu hụt Omega-3 có thể gây ra nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường, tăng nguy cơ sinh non cũng như chứng trầm cảm sau sinh, các vấn đề về mãn kinh, bệnh loãng xương và các bệnh lý tim mạch sau này.
Các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên bổ sung ít nhất 500g Omega-3 mỗi ngày và tăng hàm lượng vào cuối thai kỳ. Đặc biệt từ tháng thứ 4, khi não của bé phát triển liên tục và mạnh nhất. Đó là lý do Omega-3 chính là đáp án cho câu trả lời mẹ bầu 4 tháng nên bổ sung gì.
Loại axit béo này có sẵn trong các loại thực phẩm như: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, trứng, sữa tươi, sữa đậu nành, sữa cho bà bầu, dầu cá, đậu phụ, tôm, rau bắp cải, rau chân vịt, quả óc chó, hạt hạnh nhân… hoặc có thể sử dụng viên uống bổ sung Omega-3 sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ.
-
Sắt
Sắt là yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo nên enzyme hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần nhiều máu hơn so với người bình thường do lưu lượng máu cần thiết tăng.
Thiếu sắt ở người bình thường có thể chỉ gây mệt mỏi nhưng đối với phụ nữ mang thai, thiếu máu có thể làm cho sức đề kháng kém dẫn đến dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh, suy nhược cơ thể.
Đối với thai nhi, thiếu máu sẽ khiến sự phát triển của bé bị ảnh hưởng nặng nề như suy dinh dưỡng bào thai, non tháng, nhẹ cân…
Do đó, mẹ bầu cần phải chú ý bổ sung nhiều sắt. Lượng sắt mà các mẹ cần bổ sung cho cơ thể là khoảng 30mg mỗi ngày, đối với các mẹ bị thiếu máu do thiếu sắt thì các bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung từ 50-100mg mỗi ngày.
Khoáng chất này có sẵn trong các loại cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng, các loại thịt có màu đỏ, tim, gan, thịt gia cầm, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá màu xanh đậm, bông cải xanh, bí ngô và trái cây khô.
Các mẹ nên lưu ý bổ sung nhiều vitamin C để đảm bảo việc sắt được hấp thụ dễ dàng vào cơ thể như chanh, cam, dưa hấu, bông cải xanh, ớt chuông xanh trong thực đơn hàng ngày…
mang thai từ tháng thứ 4 nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, protein, omega3, sắt,…
-
Canxi
Canxi thuộc nhóm khoáng chất vô cùng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trong quá trình mang thai, giúp ích rất lớn cho quá trình hình thành xương, rang, hộp sọ và cơ của em bé.
Phụ nữ mang thai thiếu canxi cơ thể thường mệt mỏi, đau lưng, mỏi xương khớp, đau răng, sâu răng, tê bì tay chân, chuột rút, mất ngủ. Đối với thai nhi, thiếu canxi có thể khiến bé chậm phát triển, còi xương bẩm sinh thậm chí là dị dạng xương.
Nhu cầu canxi cần thiết của mẹ bầu ở tháng thứ 4 này cũng như trong suốt tam cá nguyệt thứ 2 là 1000mg/ ngày, tăng hơn khá cao so với 3 tháng đầu. Canxi có thể được bổ sung qua các loại thực phẩm như sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, các loại tôm, cua, cá…
-
Các chất khác
Ngoài ra, các mẹ vẫn cần bổ sung chất xơ và các vitamin khác. Cụ thể như:
- Chất xơ: giúp chuyển thức ăn một cách nhanh chóng vào cơ thể, góp phần giữ nước cho cơ thể, thúc đẩy quá trình loại chất thải được nhanh chóng. Nguồn cung cấp chất xơ dồi dào là: cà rốt, bí đỏ, rau chân vịt, bông cải xanh, quả bơ, lê, chuối, cam, yến mạch, gạo lứt, quả sung, các loại đậu.
- Các loại Vitamin A, B, C, D, E: giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
Ngoài việc chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm chất trên, các mẹ cũng cần lưu ý tuyệt đối không bỏ bữa hay nhịn ăn. Ít nhất sau 4 tiếng cần phải nạp thêm năng lượng cho cơ thể và bào thai đồng thời ngăn ngừa các chứng buồn ngủ, buồn nôn hay ợ nóng.
Mẹ bầu nên kiêng những món ăn nào?
Theo BS CK I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, mẹ bầu cần tránh ăn những thực phẩm này:
- Phô mai mềm: Làm từ sữa chưa tiệt trùng, không tốt cho mẹ và thai.
- Bột lúa mì: Gây táo bón thai kỳ
- Trái cây sấy: Chứa các chất gây nóng cho cơ thể nên mẹ bầu chỉ nên ăn rất ít.
- Cá biển: một số loại cá biển có thể chứa methylmercury khiến thai nhi chậm phát triển trí não
- Các món vỉa hè: Mất vệ sinh và có thể gây nhiễm trùng tiêu hóa.
- Cam thảo: Gây kích thích cơn co thắt.
Hi vọng với các thông tin về mang thai từ tháng thứ 4 nên bổ sung gì, các mẹ bầu sẽ có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và bé yêu. Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!
Nguồn thông tin: Bà bầu ăn gì trong tháng thứ 4 để thai nhi phát triển khỏe mạnh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!