Mang thai 33 tuần bụng tụt là hiện tượng không hiếm gặp nhưng cũng khiến nhiều mẹ bầu lần đầu lo lắng vì sợ con muốn ra đời quá sớm hay nguy hiểm. Vậy thai tụt sớm ở tuần thứ 33 có phải sắp sinh?
Làm sao để biết đã tụt bụng hay chưa?
Tuần thứ 33 là giai đoạn quan trọng
Ở những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi lớn dần lên và có sự thay đổi vị trí có thể nhận thấy rõ rệt, trong đó hiện tượng tụt bụng là một trong những dấu hiệu quan trọng. Mẹ bầu cảm nhận bụng tụt thấp khi thai nhi di chuyển sâu xuống dưới tử cung của mẹ, nằm tại vị trí khung xương chậu, làm hình dáng bụng bầu hạ xuống vị trí thấp hơn, đôi khi nhìn thấy xệ rõ xuống thay vì tròn như lúc đầu. Bên cạnh đó, khi thấy bụng hạ thấp, mẹ bầu cũng nên quan sát những biểu hiện sau để nhận ra mình có thật sự đã tụt bụng không, như:
- Có cảm giác nhẹ nhõm, dễ thở hơn do thai hạ thấp, không còn chèn vào các cơ quan bên trong.
- Hay có hiện tượng ợ hơi.
- Tuy nhiên đồng thời lại thấy tưng tức ở bụng dưới, vùng xương chậu.
- Thường có cảm giác buồn tiểu muốn đi vệ sinh, thấy nặng phía âm đạo.
- Một số mẹ thấy chân phù nề, bị chuột rút thường xuyên hơn.
Mang thai 33 tuần bụng tụt có sớm không?
Thời gian bụng tụt tuỳ thuộc nhiều yếu tố
Mặc dù đa số mẹ bầu sẽ tụt bụng vào tháng cuối thai kỳ, hay bắt đầu từ tuần thai thứ 37, nhưng hiện tượng tụt bụng sẽ xuất hiện khi nào cũng phụ thuộc phần lớn vào số lần mang thai của mẹ bầu. Thông thường thì:
- Với các mẹ lần đầu sinh con, tầm tuần 36 hoặc trước thời điểm dự sinh từ 2-4 tuần, bụng sẽ tụt xuống rõ rệt.
- Còn với mẹ đã mang thai nhiều lần, do vùng xương chậu đã giãn nở từ các lần sinh trước đó nên phần lớn mẹ sẽ tụt bụng đồng thời với các dấu hiệu sinh như vỡ ối, đau co thắt từng cơn,…
Tuy vậy, hiện tượng tụt bụng sớm ở tuần thai thứ 33, 34 cũng không hiếm gặp, mẹ nên theo dõi thêm các biểu hiện của cơ thể, đừng quá lo lắng.
Mang thai 33 tuần bụng tụt có phải là dấu hiệu sinh non?
Mẹ bầu nên quan sát các hiện tượng khác
Tụt bụng chỉ là một trong các dấu hiệu cho thấy đầu bé đã di chuyển vào vùng xương chậu. Tuy nhiên xương chậu có kích thước khá dài nên trong y khoa được chia làm 3 cấp là đầu, giữa và cuối. Chỉ khi thai nhi di chuyển đến vị trí cuối, có nghĩa là vào bên trong hẳn của xương chậu thì việc sinh nở mới thực sự diễn ra.
Như vậy bụng tụt chỉ là một trong các dấu hiệu dự báo rằng mẹ bầu có khả năng sắp dự sinh, còn việc có phải sắp sinh non hay không điều này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà mẹ có thể quan sát và nhận thấy được.
Bên cạnh đó, một số mẹ đã tụt bụng nhưng sau đó bụng lại không tụt nữa do đầu bé chưa ở vị trí cố định. Ngoài ra, có những mẹ bầu hoàn toàn không có dấu hiệu tụt bụng cho đến thời điểm sinh, vì thế bụng tụt ở tuần thai thứ 33 không phải là dấu hiệu có thể kết luận rằng mẹ bầu sắp sinh non.
Thay vào đó, mẹ kết hợp theo dõi với các biểu hiện khác cũng như có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như kiến thức để chủ động trong mọi tình huống.
Chú ý cho mẹ bầu ở tuần thứ 33
Vận động nhẹ nhàng là vô cùng cần thiết cho mẹ bầu
- Thai nhi 33 tuần bắt đầu phát triển nhanh và chuyển động thường xuyên, mạnh hơn, mẹ nên chú ý cả điểm này. Nếu nhận thấy thai nhi đột nhiên giảm chuyển động bất thường (dưới 10 chuyển động trong vòng 2 giờ) thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
- Phân biệt cơn cơ thắt Braxton Hicks và cơn đau chuyển dạ: Đối với cơn co thắt sinh lý, bà bầu chỉ cần thay đổi tư thế (từ ngồi sang nằm, từ nằm đứng lên đi lại) thì triệu chứng co thắt sẽ biến mất, trong khi đối với chuyển dạ thật sự thì không.
- Tăng vận động nhẹ nhàng để máu được lưu thông, thay đổi tư thế nằm, ngồi thường xuyên, đồng thời nên kê chân cao khi ngủ để giảm phù nề.
- Bổ sung canxi và các thực phẩm giàu vitamin D, tắm nắng thường xuyên hơn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!