Luật thai sản 2020 đã có những quy định mới về chế độ thai sản cho người chồng. Những quy định này sẽ giúp các ông bố có thời gian chăm sóc vợ con sau khi sinh. Bố nên tìm hiểu trước những quy định này để đảm bảo mình sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Những người nào được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con?
Căn cứ theo Luật BHXH 58/2014; Quyết định 636/QĐ, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thai sản khi có vợ sinh con.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ
Tùy theo số lượng con và hình thức sinh sản của vợ mà người nam sẽ được hưởng chế độ thai sản khác nhau. Cụ thể:
- Nếu người vợ sinh thường 1 con, chồng sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc.
- Vợ sinh con phải phẫu thuật, chồng được nghỉ 7 ngày làm việc.
- Vợ sinh con dưới 32 tuần tuổi, chồng cũng được nghỉ 7 ngày làm việc.
- Nếu người vợ sinh đôi chồng sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc. Tuy nhiên nếu người vợ sinh đôi mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày.
- Nếu sinh ba con trở lên, mỗi con sẽ được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Tuy nhiên người chồng không được nghỉ nhiều hơn 14 ngày.
Các bố cần lưu ý ngày nghỉ hưởng chế độ không tính trong lễ, tết, nghỉ hàng tuần. Thời gian nghỉ hưởng chế độ sẽ tính trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con. Những ngày nghỉ trước khi vợ sinh thì không được tính là nghỉ hưởng chế độ. Đó chỉ được tính là ngày nghỉ không lương, nghỉ phép mà thôi.
Hồ sơ xin hưởng chế độ thai sản dành cho các ông bố
Trong vòng 55 ngày sau khi đi làm trở lại, người lao động nam cần nộp hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Quy định cụ thể như sau:
- Người lao động nộp hồ sơ cho doanh nghiệp nơi mình làm việc trong thời gian 45 ngày
- Sau đó, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ của người lao động cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong vòng 10 ngày
Bố lưu ý cần chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ sau:
- Giấy khai sinh có họ tên cha. Hoặc có thể sử dụng giấy khai sinh và sổ hộ khẩu để thay thế cho giấy khai sinh
- Nếu con đã qua đời khi sinh, người lao động nam cần chuẩn bị giấy chứng tử/ trích lục khai tử của con/ trích sao hồ sơ bệnh án/ giấy ra viện của mẹ nếu con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
- Nếu con sinh dưới 32 tuần tuổi hoặc mẹ cần làm phẫu thuật thì bố cần chuẩn bị thêm giấy xác nhận của cơ sở y tế.
- Mẫu C70a-HD: Danh sách hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
Cách tính mức hưởng chế độ theo Luật Thai sản 2020
Công thức tính mức hưởng chế độ thai sản:
- Mức hưởng = M/24 ngày công x 100% x số ngày được nghỉ.
Trong đó M là Bình quân mức lương đóng BHXH 6 tháng trước khi vợ sinh. Nếu người chồng đóng bảo hiểm chưa đủ 6 tháng thì M là bình quân lương các tháng đã đóng bảo hiểm.
Ví dụ: Vợ bạn sinh mổ, số ngày được nghỉ là 7. Trước khi vợ sinh lương bình quân đóng bảo hiểm của bạn là 6.000.000đ.
Do đó mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
- M =(6 x6.000.000đ)/6 tháng = 6.000.000đ
- Mức hưởng = 6.000.000đ/ 24 x 7 = 1.750.000đ
Chế độ thai sản cho lao động nam nếu người vợ không tham gia bảo hiểm
Nếu người vợ không tham gia bảo hiểm, người lao động nam được hưởng thêm chế độ trợ cấp 1 lần. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều kiện sau:
- Người lao động nam có vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Có nghĩa là vợ không đóng hoặc đóng không đủ điều kiện để hưởng chế độ. Người nữ có được hưởng chế độ thai sản hay không sẽ được căn cứ theo Điểm C Khoản 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
- Người lao động nam phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh. Nếu người nam chưa đóng đủ bảo hiểm thì cũng không được hưởng chế độ thai sản.
- Nếu vợ bạn nhờ mang thai hộ, người chồng cần phải đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
Trên đây là tất cả những điều bố cần biết về luật thai sản 2020 dành cho nam giới. Chúc bố và gia đình sẽ sớm sinh được những em bé khỏe mạnh!
Xem thêm:
Chia sẻ kinh nghiệm để sữa về ào ào, ướt áo dành cho mẹ sinhmổ
PHƯƠNG PHÁP SINH MỔ: Mổ sinh ngang và mổ sinh dọc, cách nào tốt hơn?
Thai 37 tuần mổ được chưa? Mẹ bầu cần hết sức cẩn trọng khi có ý định mổ bắt thai sớm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!