Sởi, quai bị, rubella là những căn bệnh nguy hiểm gây ra ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Do đó việc tiêm phòng các căn bệnh này sẽ ngăn ngừa được nhiều hậu họa khó lường. Tuy nhiên, nhiều mẹ còn băn khoăn không biết lịch tiêm sởi quai bị rubella sẽ theo lộ trình như thế nào. Để hiểu rõ hơn về điều này thì mẹ nên theo dõi bài viết dưới đây để bổ sung kiến thức cho mình nhé.
Tìm hiểu về bệnh sởi, quai bị và rubella
Bệnh sởi
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra. Bệnh hay xuất hiện vào thời điểm đông – xuân, là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng xuất hiện ở người lớn, khả năng gây thành dịch cao. Đổi tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất là tất cả những ai chưa có miễn dịch với bệnh sởi và trẻ em là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường là : Sốt, phát ban, ho, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), chảy nước mũi. Khi điều trị không kịp thời sẽ thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh khiến trẻ bị tổn thương não, và tử vong.
Bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Loại virus này có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể và dễ lây lan qua đường hô hấp. Trẻ bị quai bị thường bị sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mất cảm giác ngon miệng, và sưng hạch phần hàm. Ở trẻ nam còn có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.
Bệnh quai bị nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như điếc, viêm màng não, nhiễm trùng màng bọc não và tủy sống, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, một số trường hợp gây vô sinh hoặc thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Bệnh rubella
Rubella hay còn gọi là sởi Đức là một bệnh truyền nhiễm do virus rubella thuộc họ togavirus gây nên. Bệnh phát triển mạnh vào màu xuân và cũng chủ yếu lây lan qua đường hô hấp và truyền từ mẹ sang con. Các hạch xuất hiện ở vùng chẩm, cổ, bẹn, ấn đau, xuất hiện trước khi phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết. Còn các vết ban rubella ban đầu xuất hiện ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân nhưng thường không tuần tự như bệnh sởi.
Rubella đối với người bình thường là bệnh nhẹ, bệnh thường khỏi mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên với phụ nữ đang mang thai, bệnh lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi như chứng đầu nhỏ, chậm phát triển tâm thần vận động, điếc, mù lòa, bệnh tim (hội chứng Rubella bẩm sinh). Ngoài ra, trẻ sinh ra từ những bà mẹ nhiễm bệnh Rubella còn có thể bị vàng da, xuất huyết, đái tháo đường, lách to, xương thủy tinh…
Các bệnh này đều có điểm chung là rất dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, qua không khí và rất khó nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh. Do đó, việc tiêm phòng các bệnh này là rất cần thiết, là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Loại vắc-xin được khuyến cáo sử dụng để phòng các căn bệnh này là loại vắc-xin sống, giảm độc lực có tên MMR II.
Lịch tiêm sởi quai bị rubella cho bé
Lịch tiêm sởi quai bị rubella có sự khác nhau giữa các độ tuổi
Với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 7 tuổi:
- Tiêm mũi 1 lần đầu tiên.
- Mũi 2 khi trẻ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra. Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn:
- Tiêm mũi 1 lần đầu tiên.
- Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Riêng với phụ nữ, việc tiêm chủng vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella nên được hoàn thành trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Không nên tiêm phòng rubella cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trên thực tế, các mũi tiêm phòng cho trẻ em đối với 3 loại bệnh này sẽ được tiêm 2 liều vắc-xin, thời gian cụ thể là:
- Liều thứ nhất: khi trẻ được 12-15 tháng tuổi
- Liều thứ hai: khi trẻ được 4-6 năm tuổi
Đối với trẻ sơ sinh 9 – 12 tháng tuổi, đang ở trong vùng phát bệnh mà chưa được tiêm vắc-xin thì cần được tiêm phòng một mũi. Mũi tiêm tiếp theo vào lúc trẻ được 15 – 18 tháng tuổi, và tiếp tục tiêm mũi 3 sau mũi 2 từ 3 – 5 năm.
Nên tiêm vắc-xin MMR II cho bé ở đâu?
Để đảm bảo chất lượng vắc-xin, MMR II cần được bảo quản lạnh theo đúng quy trình, trong khoảng nhiệt độ từ 2 – 8 độ C, không được để đóng băng dung môi… bởi MMT II là loại vắc-xin sống giảm độc lực. Hơn nữa, trước khi tiêm cần phải khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm.
Do đó, bố mẹ cần phải lựa chọn các trung tâm tiêm chủng uy tín, có kiểm tra sức khỏe sàng lọc trước và sau tiêm, vắc xin được bảo quản nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn để có hiệu quả chủng ngừa tốt nhất.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sau tiêm sởi quai bị rubella
Cha mẹ cần theo dõi sát sao trẻ trong vòng 24 giờ sau tiêm để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
- Sau khi tiêm phòng, một số biểu hiện trẻ sẽ gặp phải thường là phát ban trên da, bị sốt hoặc viêm họng, đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng vì đây là những biểu hiện chứng tỏ cơ thể bé đang phản ứng với thuốc. Các biểu hiện trên sẽ nhanh chóng biến mất sau 1 – 2 ngày.
- Ngoài ra, sau khi bé được tiêm phòng sởi quai bị và rubella còn có thể bị viêm, sưng, và đau nơi tiêm. Một số bé còn có biểu hiện sốt rất cao, mất ngủ do các phản ứng miễn dịch đang hình thành trong cơ thể bé.
- Nếu bé sốt trên 40 độ C hoặc hơn, bé bị co giật và đổ mồ hôi, sốt cao không hạ hơn 1 ngày, lúc này, bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ ngay để theo dõi vì đây có thể là biểu hiện trẻ bị sốc phản vệ với vắc-xin.
Ngoài ra, nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến trạm y tế xã/phường để được tư vấn thêm về cách chăm sóc trẻ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!