Lịch khám sức khỏe 3 năm đầu cho bé cũng như sự cần thiết của việc đưa bé đi khám định kỳ là vấn đề quan trọng mà các mẹ cần nắm được. Có thể nói 3 năm đầu đời là thời kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh lại chỉ đưa con đi khám khi con có bệnh. Rất ít người biết được sự cần thiết của việc cho bé đi khám định kỳ.
Tại sao bé cần khám sức khỏe định kỳ trong 3 năm đầu đời?
Hệ miễn dịch của bé chỉ tồn tại khỏe mạnh trong vòng vài tháng đầu sau sinh, sau đó thì trở nên rất non yếu, trẻ rất dễ nhiệm bệnh hoặc chịu ảnh hưởng từ môi trường sống hay các yếu tố tác động khác. Vì vậy, việc theo dõi và nắm bắt tình hình sức khỏe của bé rất quan trọng.
Đặc biệt, với điều kiện hiện nay như môi trường sống ngày càng ô nhiễm, thực phẩm chứa hóa chất gây hại, vi khuẩn kháng thuốc… có quá nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh tật ngày càng gia tăng thì việc khám sức khỏe định kỳ cho bé lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Mẹ cần nhớ lịch khám sức khỏe định kỳ 3 năm đầu đời của trẻ để đảm bảo sức khỏe cho con yêu
Những lợi ích đối với bé
Đối với cả cha mẹ và bé, việc khám sức khỏe định kỳ đều có những tác dụng to lớn, cụ thể:
- Đánh giá sự tăng trưởng của bé về chiều cao, cân nặng, thính giác, vận động, sự phát triển của trí não, học hỏi hay các hành vi xã hội của con. Phát hiện nguy cơ thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng ở bé.
- Cha mẹ được tư vấn về cách chăm sóc, xây dựng chế độ dinh dưỡng, nuôi dạy con phát triển khỏe mạnh toàn diện.
- Phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm của trẻ như các bệnh về hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, máu…từ đó có thể tầm soát bệnh và điều trị kịp thời. Vì một số bệnh nếu phát hiện muộn thì rất khó chữa trị và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm.
- Nắm được lịch tiêm chủng các loại vắc xin và cách phòng các bệnh thường gặp, các bệnh theo mùa như cảm cúm, viêm tai, viêm phế quản, bệnh chân tay miệng, Rota vi rút, sởi, quai bị, thủy đậu… Bé được tiêm phòng đầy đủ sẽ ít có khả năng mắc những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm kể trên.
- Tạo ra mối quan hệ mạnh mẽ, đáng tin cậy giữa bác sĩ nhi khoa, cha mẹ và bé. Những lần thăm khám này là một cách để các bác sĩ và cha mẹ xây dựng hồ sơ kiểm tra sức khỏe cho bé, tạo tiền đề cho thói quen khám sức khỏe định kỳ sau này.
Lịch khám sức khỏe định kỳ 3 năm đầu đời
Dưới đây là lịch khám bác sĩ nhi cho các bé khỏe mạnh (tham khảo khuyến nghị của AAP- Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ):
- Tuần đầu sau sinh (3 – 5 ngày tuổi)
- 1 tháng tuổi
- 2 tháng tuổi (kết hợp tiêm ngừa 6 in 1, uống rotavirus, phế cầu)
- 4 tháng tuổi (kết hợp tiêm ngừa 6 in 1/5 in 1, uống rotavirus, phế cầu)
- 6 tháng tuổi ( kết hợp tiêm ngừa 6 in 1, uống rotavirus, phế cầu, não mô cầu BC, cúm)
- 9 tháng tuổi (kết hợp tiêm sởi đơn, cúm)
- 12 tháng tuổi (kết hợp tiêm viêm não nhật bản, MMR, thủy đậu, phế cầu, não mô cầu BC, viêm gan A
- 15 tháng tuổi (kết hợp tiêm 6 in 1 hoặc 5 in 1, viêm não nhật bản 2)
- 18 tháng tuổi (kết hợp tiêm viêm gan A mũi 2)
- 2 tuổi (kết hợp tiêm thương hàn, viêm não nhật bản 3)
- 2 ½ tuổi (30 tháng)
- 3 tuổi
Sau khi hoàn thành lịch khám sức khỏe định kỳ 3 năm đầu đời như trên, mẹ có thể tiếp tục đưa bé khám theo lịch sau:
- 4 tuổi (kết hợp tiêm 4 in 1, MMR, thủy đậu)
- 5 tuổi
- 6 tuổi
- 7 tuổi
- 8 tuổi
- 9 tuổi (kết hợp tiêm HPV mũi 1)10 tuổi (kết hợp tiêm HPV mũi 2)
- 11 tuổi (kết hợp tiêm 3 in 1 (bạch hầu – ho gà – uốn ván)
- 12 tuổi
Sau những đợt dịch sởi, dịch đậu mùa bùng phát, các mẹ cần chú trọng hơn đến vấn đề tiêm phòng cho bé. Đặc biệt cần ghi nhớ lịch tiêm vắc xin cho trẻ để đưa bé đi chích ngừa đúng và đủ.
Lưu ý khi khám tổng quát cho bé
- Chọn địa chỉ khám tổng quát cho bé uy tín, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Nên đặt lịch trước khi đến khám để quy trình nhanh chóng, tiện lợi cho cả mẹ và bé. Nếu có thể thì nên đặt lịch khám sức khỏe định kỳ 3 năm đầu đời trước để quy trình thăm khám nhanh chóng, mẹ và bé không mệt mỏi.
- Chọn dịch vụ khám tổng quát cho bé được tư vấn trực tiếp, cẩn thận, bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiều lời khuyên chăm sóc trẻ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh.
- Với bé dưới 5 tuổi nên có 2 người cùng đưa đi khám để có người trông bé khi làm thủ tục.
- Không ăn sáng, không uống các loại nước có gas, nước đường hoặc có chứa chất kích thích như cà phê, rượu…, chỉ nên uống nước lọc để không ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm máu.
- Trình bày với nhân viên y tế đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh của gia đình, tiền sử bệnh của bé, các loại thuốc bé đang sử dụng.
- Chuẩn bị các câu hỏi cần sự tư vấn của bác sĩ.
Lời kết
Nếu trẻ được theo dõi, chăm sóc phù hợp về sức khỏe và dinh dưỡng trong 3 năm đầu đời thì trẻ không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển lúc trưởng thành. Vì thế, mẹ đừng quên lịch khám sức khỏe định kỳ cho bé nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!