Không có kinh nguyệt có thai được không? Hầu hết các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên là rất khó thụ thai được trong trường hợp này, và bạn cần có một phác đồ điều trị phù hợp để cải thiện tình trạng này và nâng cao tỉ lệ mang thai cho bạn. Cùng tìm hiểu:
- Hiện tượng vô kinh ở phụ nữ là gì?
- Không có kinh nguyệt có thai được không
- Tìm hiểu nguyên nhân không có kinh nguyệt
- Làm thế nào để mang thai khi không có kinh nguyệt?
Hiện tượng vô kinh ở phụ nữ là gì?
Với người phụ nữ, kinh nguyệt sẽ xuất hiện khi bước vào tuổi dậy thì. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ quan sinh sản của họ đã bắt đầu hình thành và hoạt động, chuẩn bị cho giai đoạn thụ thai và mang thai sau này. Tuy nhiên ở một số phụ nữ, kinh nguyệt diễn ra không đều hoặc thậm chí không xuất hiện, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Theo các bác sĩ sản khoa, không có kinh nguyệt (hay còn gọi là vô kinh) là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt liên tục một thời gian hoặc vĩnh viễn do rối loạn chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, tử cung hoặc âm đạo.
Vô kinh được chia ra hai nhóm. Vô kinh nguyên phát là trường hợp đã quá tuổi đáng lẽ phải có kinh mà người con gái vẫn không có. Còn vô kinh thứ phát là trường hợp người phụ nữ đã từng có kinh từ một lần trở lên nhưng lại không có trong 3 chu kỳ liên tục (có thể là trên dưới 3 tháng) trở lên.
Ngoài ra còn có trường hợp người phụ nữ bị vô kinh giả. Đó là khi khi họ thực sự vẫn có kinh hàng tháng nhưng máu kinh không chảy được ra ngoài (để biết là có kinh) mà lại đọng ở bên trong do khuyết tật ở bộ máy sinh dục như không có âm đạo, màng trinh bị bịt kín.
Với những dấu hiệu mô tả trên đây, nhận biết một trường hợp vô kinh không khó. Mặc dù vậy, việc tìm ra nguyên nhân vì sao chị em bị vô kinh lại là một quá trình khá phức tạp.
Bạn có thể xem:
Không có kinh nguyệt có thai được không
Đối với những bạn bị vô kinh nguyên phát thì có thể là do buồng trứng hoạt động không bình thường nên chức năng của buồng trứng bị ảnh hưởng làm cho trứng không rụng được. Kể cả có sự phóng noãn xảy ra thì khả năng thụ thai là rất thấp. Chính vì vậy, trường hợp này rất khó có thai và còn có thể bị vô sinh, hiếm muộn.
Còn đối với những bạn bị vô kinh thứ phát là do quá trình rụng trứng bị rối loạn, không đều nên cũng gây khó khăn rất lớn cho việc thụ thai.
Ngoài việc khiến cho bạn khó có thai hoặc thậm chí dẫn đến tình trạng vô sinh thì vô kinh còn gây ra một số triệu chứng khác có hại cho sức khỏe cơ thể như ảnh hưởng đến dịch tiết âm đạo, gây ra tình trạng đau đầu, rụng tóc, trên mặt mọc nhiều lông, làm giảm thị lực, …
Do đó với câu hỏi không có kinh nguyệt có thai được không thì hầu hết các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên là rất khó để thụ thai được trong trường hợp này và bạn cần có một phác đồ điều trị phù hợp.
Tìm hiểu nguyên nhân không có kinh nguyệt
Theo BS. Trương Nghĩa Bình – Chuyên khoa sản – Khoa Sản Phụ Khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng: “Đối với những người mắc phải chứng vô kinh nguyên phát thì có rất nhiều khả năng buồng trứng gặp phải bất thường và hoạt động không bình thường. Tình trạng vô kinh này khiến việc thụ thai trở nên khó khăn và tỷ lệ thụ thai thành công thấp hơn so với những người bình thường. Còn với những chị em mắc vô kinh thứ phát thì chu kỳ rụng trứng sẽ bị rối loạn và ảnh hưởng tới khả năng thụ thai hay nói cách khác việc thụ thai là rất khó khăn.
Chính vì thế, khi xuất hiện biểu hiện vô kinh, các chị em nên sớm đến các trung tâm y tế hoặc các cơ sở chuyên khoa phụ sản để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh chính xác, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Có nhiều lý do khiến cho một người phụ nữ bị vô kinh. Trong đó thường gặp nhất là do các yếu tố sau:
Những bất thường trong cơ thể người phụ nữ
Chủ yếu là do dị tật, khuyết tật của cơ thể hoặc của bộ phận sinh dục, đặc biệt ở buồng trứng, tử cung. Những phụ nữ bị rối loạn di truyền về nhiễm sắc thể khiến cơ thể, đặc biệt bộ phận sinh dục không phát triển. Ngoài ra các dị tật bẩm sinh như không có buồng trứng, không có tử cung, … cũng gây ra tình trạng vô kinh.
Rối loạn nội tiết
Vùng chỉ huy nội tiết ở trên não bị suy thoái, hoặc do tăng hoạt động quá mức toàn bộ hệ thống hay từng bộ phận làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các bộ phận khác trong hệ thống đó. Các rối loạn của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng, …
Stress và lối sống
Những thói quen và lống sống sinh hoạt không khoa học có thể tác động đến chu kì kinh nguyệt làm cho cơ thể giảm khả năng sản sinh ra các hormone hỗ trợ rụng trứng, trầm trọng nhất nó có thể làm cho chu kì kinh hàng tháng của bạn biến mất và dẫn đến vô kinh.
Bạn có thể xem:
Làm thế nào để mang thai khi không có kinh nguyệt?
Khi có biểu hiện vô kinh, phụ nữ nên sớm đến các trung tâm y tế, cơ sở chuyên khoa phụ sản để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu vô kinh do yếu tố bên ngoài (thói quen sinh hoạt, căng thẳng) thì chị em nên duy trì một lối sống lành mạnh vì điều này có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể là:
– Tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày.
– Thực hiện thay đổi chế độ ăn uống khoa học.
– Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý.
Trong trường hợp bạn bị vô kinh do các vấn đề bệnh lý, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết và đưa ra lời khuyên cũng như phác đồ điều trị thích hợp cụ thể để giúp bạn sớm hồi phục khả năng sinh sản như bình thường.
Nguồn tham khảo: Người bị vô kinh có thể có thai không? – Vinmec
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!