Mẹ có biết khi nào bé biết bò? Làm thế nào để khuyến khích bé tập bò và khi nào mẹ cần lo lắng nếu con yêu chưa biết bò? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ câu trả lời và nhiều hơn thế nữa về chủ đề này.
Khi nào bé biết bò?
Các bậc cha mẹ luôn cảm thấy phấn khích và tự hào khi con mình đạt được tới những cột mốc phát triển quan trọng. Các cột mốc này chỉ ra rằng bé đang trên đà tăng trưởng và phát triển đúng hướng, và việc cha mẹ nhiều tự hào và hạnh phúc vì điều này là chuyện đương nhiên.
Bé biết bò chính là một trong những cột mốc mà nhiều phụ huynh mong đợi. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui nhìn con khôn lớn thì cha mẹ cũng trở nên lo lắng nhiều hơn bởi vì một khi bé bắt đầu bò, một con đường tự lập hoàn toàn mới cũng bắt đầu. Cha mẹ sẽ phải trông chừng trẻ nhiều hơn!
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và sự phát triển của các bé cũng vậy. Một số trẻ có thể đạt được các mốc phát triển nhất định sớm hơn so với tuổi trung bình và những trẻ khác thì muộn hơn. Thậm chí có trẻ còn bỏ qua giai đoạn tập bò. Điều này là hoàn toàn bình thường.
khi nào bé biết bò
Tại sao giai đoạn tập bò lại quan trọng với trẻ sơ sinh?
Theo Tiến sĩ Rallie McAllister, một trong những tác giả của cuốn sách The Mommy MD Guide to Your Baby’s First Year (Hướng dẫn của chuyên gia về năm đầu đời của bé) và các chuyên gia khác, giai đoạn tập bò rất quan trọng vì nhiều lý do:
- Việc tập bò góp phần vào sự phát triển toàn diện của bé vì kỹ năng này đòi hỏi bé phải phối hợp sử dụng cả trí não và cơ thể.
- Giúp tăng cường cơ bắp cho bé, đặc biệt là các cơ ở lưng, cổ, vai, cánh tay và bụng. Trên thực tế, những cơ bắp này cần phải đủ thì bé mới bắt đầu bò được.
- Hỗ trợ thị lực của cả 2 mắt bé. Do khi bé bò, bé cần sử dụng cả hai mắt cùng một lúc để tập trung vào điểm “mục tiêu” của mình.
- Kỹ năng điều hướng và trí nhớ của bé được cải thiện thông qua việc bò. Tiến sĩ McAllister giải thích, ví dụ, bé sẽ phát hiện ra rằng mình phải đi vòng quanh bàn rồi đi qua chiếc ghế tựa để đến chỗ để giỏ đồ chơi.
- Khi bé bò, tay và chân sẽ được vận động và phối hợp – điều này giúp bé có bước chuẩn bị để sau này tập đi nhanh hơn.
- Giúp bé phát triển ý thức độc lập và kỹ năng ra quyết định, khi bé tìm ra đích đến và cách để đến đích.
Bé bắt đầu tập bò khi nào và làm thế nào để bé tập bò?
Đầu tiên, hãy nhớ rằng không phải bé nào cũng trải qua giai đoạn tập bò. Nhiều trẻ bỏ qua giai đoạn này hoàn toàn và tiến thẳng đến giai đoạn tập đứng rồi tập đi.
Tuy nhiên, giai đoạn phổ biến để bé tập bò là trong độ tuổi từ 6 đến 10 tháng. Các dấu hiệu sẵn sàng bò ở bé là:
- Ngồi vững mà không cần đến sự hỗ trợ nào (khoảng 8 tháng tuổi)
- Đôi tay bé đủ lực để có thể giữ được cơ thể mình, gần giống như đang thực hiện động tác chống đẩy.
- Cân bằng trên cả hai cánh tay và đầu gối.
- Có thể đẩy người về phía trước và phía sau bằng cánh tay và đầu gối của mình
Ngay khi mẹ thấy những dấu hiệu này ở bé, rất có khả năng đó là lúc bé sẽ bắt đầu giai đoạn tập bò của mình! Bé sẽ bắt đầu bằng cách di chuyển bằng 2 tay và 2 chân từ tư thế ngồi. Một khi bé đã thành thạo việc đẩy người về phía trước hoặc sau bằng cánh tay và đầu gối của mình, bé sẽ tìm ra cách nhấc tay và đầu gối để tiến về phía trước trong những chuyển động bò đầu tiên.
Khi bé có thể bò thành thạo, bé luôn biết cách phối hợp tay và chân ở hai bên đối xứng của cơ thể, thay vì từ cùng một phía. Bé có thể đạt được kỹ năng này lúc khoảng 12 tháng tuổi.
Hãy nhớ rằng không phải tất cả các bé đều bò đến điểm đích. Một số bé di chuyển bằng mông, bằng bụng và thậm chí lăn tròn.
Cuối cùng, mẹ cũng không nên lo lắng về cách bé vận động. Điều quan trọng là bé đã biết tựu mình di chuyển. Miễn là bé biết cách phối hợp và sử dụng 2 tay và 2 chân với nhau, thì mẹ không cần phải lo lắng.
Bài tập bụng và bò
Hẳn cha mẹ nào cũng biết về tầm quan trọng của bài tập bụng đối với sự phát triển thể chất của bé. Các bài tập này là sự vận động đặc biệt cần thiết trước giai đoạn bé tập bò.
Chúng giúp bé tự mình ngẩng đầu lên, từ đó phát triển và củng cố sự chắc chắn của vùng cổ, cánh tay, thân và vai. Chân và hông của bé cũng được tăng cường khi bé sử dụng đôi chân nhỏ của mình trong các bài tập bụng.
Với tất cả sự phát triển cơ bắp qua các bài tập bụng , bé sẽ dễ dàng bò được.
Mẹ hãy khuyến khích bé di chuyển về phía trước bằng cách đặt một món đồ chơi trước mặt và ngoài tầm với của con trong khi bé đang trải nghiệm các bài tập bụng. Chẳng mấy chốc, bé sẽ trườn về phía trước bằng bụng để đến với món đồ chơi đó, và rồi bé sẽ nhanh chóng biết bò.
Những lưu ý về an toàn cho bé khi bò
An toàn cho bé dường như nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới khi bé bắt đầu biết bò.
Mọi đồ vật trong nhà đều phải được bảo vệ để tránh gây nguy hiểm cho bé một cách triệt để trước khi bé biết bò. Hãy nhớ rằng, ngay cả những điểm bé không thể với tới trước đây – chẳng hạn như khu bếp hay bàn ghế – đều sẽ sớm được bé với tới khi bé biết bám vịn.
Dưới đây là một số điều cần ghi nhớ:
- Không để đồ ăn thức uống nóng ở cạnh bàn hay hoặc khu bếp.
- Khi nấu, đảm bảo tay cầm của nồi được quay về phía sau bếp và nhắc nhở mọi thành viên trong nhà làm như vậy.
- Vặn chặt cánh cửa lò vi sóng bằng chốt chống trẻ em.
- Giữ tất cả các hóa chất tẩy rửa ngoài tầm với của bé. Nên cất chúng trong tủ âm tường nơi bé không thể với tới.
- Không mua hoặc cho bé mặc loại quần áo có dây rút hoặc ruy băng có thể bị lỏng. Chúng có nguy cơ làm bé bị mắc kẹt, đặc biệt là khi bé bò vòng quanh.
- Gỡ bỏ tất cả những đồ chơi treo và chuyển động ở phía trên cũi của bé khi bé đã biết bò.Bởi bé sẽ cố lấy chúng và có thể ngã qua một bên cũi.
- Dùng nắp cho mọi ổ cắm ở trong tầm với của bé
- Chặn lối ra ban công nếu bạn sống trong một căn hộ cao tầng. Lắp lưới an toàn cho cửa sổ trong nhà.
- Đảm bảo rằng dây rèm không được treo rủ xuống đất. Đây là một mối nguy hiểm lớn đối với các bé biết bò và tò mò.
- Lối vào tất cả các khu vực không an toàn đều phải được chặn lại (đặc biệt là cầu thang và nhà bếp. thùng rác cũng phải đặt ở nơi bé không thể với tới.
- Khi bé đang tập đứng, không nên dùng khăn trải bàn trong nhà. Bé có thể kéo khăn và mọi đồ vật trên bàn cũng sẽ rơi theo.
- Cố định tất cả đồ đạc mà bé có thể bám vịn vào (ví dụ: giá sách, ti vi) vào tường.
- Bịt góc tất cả các đồ vật có góc nhọn trong nhà. Đặc biệt là những chiếc bàn café thấp có góc cạnh.
- Loại bỏ tất cả các loại cây độc hại trong nhà.
Để kiểm tra xem liệu có còn mối nguy hiển nào với bé không, hãy thử đi bằng bàn tay và đầu gối của mình, ngang tầm mắt của bé và tìm kỹ xem liệu mình có bỏ sót điểm nào không.
Bé nên bò ở đâu?
Mẹ có thể cố gắng hết sức có thể để nhốt bé trong khu vực của một tấm thảm hoặc một chiếc chăn khi bé bò. Bé có thể chịu nghe theo sự “sắp xếp” này lúc đầu, nhưng một khi bé cảm nhận được “năng lực” tự do di chuyển của bản thân, thì sẽ không có gì ngăn cản bé tự do di chuyển cả!
Mẹ hãy để con được bò bất cứ nơi nào con muốn trong nhà, tất nhiên, con vẫn luôn phải được an toàn.
Nếu mẹ lo ngại rằng làn da đầu gối mềm mại của con có thể bị sần sùi và sẫm màu do cọ xát quá thường xuyên với sàn nhà, hãy luôn cho bé mặc quần mỏng, cotton hoặc quần bó để bảo vệ đầu gối cho con. Mẹ cũng có thể mua miếng đệm đầu gối được thiết kế đặc biệt cho trẻ sơ sinh khi bò.
Bé không tập bò, khi nào thì mẹ cần lo lắng?
Như đã nói ở trên, một số bé bỏ qua giai đoạn bò và “nhảy cóc” sang giai đoạn sau là tập đi. Cũng có một số bé bắt đầu bò ở độ tuổi muộn hơn, đặc biệt nếu trẻ sinh non.
Mẹ sẽ chỉ cần lo lắng nếu con lên 1 tuổi rồi mà vẫn không có biểu hiện quan tâm đến việc tự mình di chuyển. Nếu bé vẫn phát triển vẫn tốt, không có dấu hiệu chậm chạp, mặc dù “trốn” bò nhưng vẫn tiếp tục hoàn thành các cột mốc phía sau bình thường đó như biết đứng, đi rồi chạy thì cha mẹ không cần quá lo lắng.
Nếu nhận thấy bé không thể di chuyển tay và chân theo cách phối hợp, cũng như nếu bé dường như không thể đỡ trọng lượng cơ thể hoặc không có đủ năng lượng để đi lại thì cha mẹ nên gặp bác sĩ ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị yếu cơ.
Hi vọng bài viết này giúp ích các bậc phụ huynh. Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi bé nhà bạn biết bò khi nào? Và mẹ đã làm gì để hỗ trợ giai đoạn phát triển này cho bé nhé!
Theo The Asianparent
Xem thêm bài liên quan:
Xe tập đi có an toàn cho bé? Mẹ nên sử dụng xe tập đi như thế nào để giữ an toàn cho con?
Cẩm nang phát triển bé 10 tháng tuổi
Những gì mẹ cần biết về thực đơn khoa học và dinh dưỡng của bé 11 tháng tuổi
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!