Phụ nữ mang thai phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như ốm nghén, mệt mỏi, táo bón, đau đầu, mất ngủ… Một hiện tượng không hiếm gặp nữa là ra nhiều khí hư khi có thai. Vậy khi mang thai bị ra nhiều khí hư có sao không? Có ảnh hưởng tới thai nhi không? Và làm sao để xử lý tình trạng này? Các mẹ hãy cùng theAsianparent tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tại sao có hiện tượng ra nhiều khí hư khi có thai?
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này ở chị em, mà chủ yếu là do các thay đổi xảy ra trong cơ thể.
Khi có thai, các hóc môn trong cơ thể thay đổi, lượng estrogen tăng để phù hợp với sự phát triển của thai nhi. Điều này khiến cho cơ thể mẹ chưa kịp đáp ứng, khí hư vì thế cũng ra nhiều hơn.
Thai nhi phát triển trong bụng mẹ khiến tử cung, cổ tử cung, các bộ phận khu vực vùng kín cũng có những thay đổi nhất định để thích ứng với sự phát triển của thai nhi. Điều này khiến khí hư tiết nhiều hơn để thích hợp với sự giãn nở của vùng kín và điều hòa âm đạo.
Lưu lượng máu di chuyển về vùng chậu tăng lên. Lớp niêm mạc tử cung hoạt động mạnh hơn bình thường làm lượng chất nhầy tử cung tăng lên. Chất nhầy này chảy vào âm đạo tạo thành dịch âm đạo.
Về cuối thai kỳ, phần đầu của bé sẽ bị chèn vào vùng xương chậu nhiều hơn, gây ra hiện tượng khí hư ra càng nhiều hơn.
Ra nhiều khí hư khi mang thai khi nào là bất thường?
Ra nhiều khí hư khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên, nếu khí hư đi kèm một số biểu hiện sau đây, chị em nên đi khám để tránh biến chứng:
Khí hư màu trắng đục, sệt như sữa chua, không có mùi và vùng âm đạo bị ngứa: Đây là dấu hiệu cảnh báo các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, lộ tuyến cổ tử cung, tăng sản nội mạc tử cung, nhiễm nấm, rối loạn thần kinh thực vật…
Nếu khí hư màu xanh: Đây có thể là dấu hiệu viêm âm đạo nặng do bị nhiễm nấm, viêm lộ tuyến cổ tử cung hoặc mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Những triệu chứng thường gặp có thể thấy như khí hư ra nhiều, có màu xanh, trắng đục và mùi hôi tanh…
Khí hư đục và đặc quánh như keo, nếu để lâu sẽ khô cứng lại: Hiện tượng này do lưu thông khí huyết không bình thường hoặc do âm đạo bị nhiễm khuẩn nấm men.
Nếu có màu trắng đục như trứng gà, không có mùi, kéo dài bất thường và đi kèm hiện tượng đau bụng dưới, đau lưng: Đây là những dấu hiệu cảnh báo mẹ bầu có thể đang mắc chứng viêm vùng chậu.
Khí hư màu nâu hay khí hư có lẫn máu: Đây là hiện tượng mà chị em cần đặc biệt chú ý bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo sẩy thai, mang thai ngoài tử cung. Đồng thời, hiện tượng bất thường này cũng có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm, sinh non và những biến chứng thai nhi khác ở những tháng cuối của thai kỳ.
Làm gì khi phát hiện khí hư bất thường?
Khi thấy xuất hiện một trong các biểu hiện trên mẹ bầu cần đi khám phụ khoa tại những cơ sở y tế uy tín. Cần phải điều trị và khắc phục hiện tượng khí hư bất thường trước khi sinh để tránh lây nhiễm sang em bé.
Mẹ bầu tuyệt đối không được tùy tiện mua và sử dụng thuốc uống, thuốc đặt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc ở thời điểm này cần hết sức thận trọng vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ, ăn uống và sinh hoạt điều độ, không áp dụng tùy tiện những mẹo chữa dân gian không khoa học.
Phòng ngừa như thế nào?
Khi bị ra nhiều khí hư khi mang thai, nếu không có các biểu hiện bất thường thì chị em có thể hoàn toàn yên tâm bởi đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Bên cạnh đó các mẹ bầu cần chú ý thực hiện các việc sau để làm giảm nguy cơ viêm nhiễm:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, lau khô sau khi đi vệ sinh, thay quần lót 2 lần/ngày.
- Tránh mặc quần lót có chất liệu nylon hay bó khít cơ thể.
- Tránh việc thụt rửa âm đạo quá mức khiến cho môi trường âm đạo bị xáo trộn, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
- Không nên sử dụng các sản phẩm có mùi hương và chất khử mùi trên vùng âm đạo.
- Không tắm bồn vì tắm bồn có thể gây kích ứng, gây ngứa ở bộ phận sinh dục.
Khí hư ra nhiều khi mang thai là hiện tượng bình thường, các mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, chị em cần chú ý theo dõi những dấu hiệu khí hư bất thường cũng như những thay đổi của cơ thể. Khi phát hiện bất thường phải chủ động thăm khám trong thời gian sớm nhất mới có thể phát hiện bệnh và có định hướng điều trị đúng đắn, kịp thời.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!