Độ tuổi lý tưởng để phụ nữ sinh con luôn là đề tài được nhiều người quan tâm. Tất nhiên, “độ tuổi hoàn hảo” thay đổi tùy theo từng người. Một số người cảm thấy sẵn sàng để bắt đầu mang thai ở tuổi từ 20-25 trong khi những người khác thích chờ đợi cho đến khi họ có sự nghiệp vững chắc thì mới thực hiện thiên chức làm mẹ. Vậy độ tuổi sinh con tốt nhất là khi nào? Các yếu tố “tốt nhất” nên xem xét là gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau.
Độ tuổi và khả năng sinh sản
Khả năng sinh sản tự nhiên sẽ giảm theo tuổi tác và việc có con khi đã qua độ tuổi lý tưởng sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Khả năng sinh sản đều có giới hạn về độ tuổi ở cả nam và nữ nhưng ảnh hưởng tuổi lên khả năng sinh sản ở nữ là nhiều hơn. Đối với phụ nữ, khả năng sinh sản sẽ giảm dần ở tuổi 35. Đối với nam, các thông số về tinh dịch đồ cũng có giới hạn ở tuổi 35, nhưng khả năng sinh sản của nam giới không bị ảnh hưởng nhiều trước tuổi 50.
Đâu là độ tuổi sinh con tốt nhất?
Nói về độ tuổi sinh con tốt nhất thì điều đầu tiên phải đề cập đến là khi cơ thể bạn đã phát triển toàn diện nhất để đảm nhiệm tốt vai trò sinh sản. Đồng thời ở độ tuổi đó, người mẹ phải có tâm lý tốt, vững vàng về tài chính cũng như kiến thức trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Vì lúc này, cơ thể đã được phát triển toàn diện nhất để đảm nhiệm khả năng sinh sản tốt. Ngoài ra, ở độ tuổi này, chị em cũng đã có kiến thức, định hình tính cách, ổn định tâm lý, tự tin vào bản thân và độc lập về tài chính.
Mặc dù mỗi người sẽ có sự lựa chọn khác nhau về độ tuổi sinh con, nhưng có một sự thật là khả năng sinh sản của phụ nữ sẽ giảm theo thời gian. Xét về góc độ sinh học, phụ nữ từ 20 – 24 tuổi có khả năng thụ thai cao nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25 – 34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính… Nhìn chung, ở độ tuổi 20 – 34, phụ nữ đều được bác sĩ tư vấn nên sinh con.
Ngoài ra cũng cần phải chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh để đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ và chăm sóc tốt con cái. Do đó sau 3 đến 5 năm mẹ mới nên sinh đứa con tiếp theo, khi cơ thể đã phục hồi hoàn toàn sau lần sinh đẻ trước.
Các yếu tố “tốt nhất” nên xem xét khi sinh con
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng
Sinh con là một trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời nhưng cũng không phải dễ dàng và nhẹ nhàng. Nếu bạn đã có kế hoạch sinh con, hãy chuẩn bị tốt nhất về mặt tâm lý, giữ tinh thần lạc quan, giảm căng thẳng, hạn chế những xung đột để chăm sóc thai nhi khỏe mạnh theo tháng ngày.
Các nghiên cứu cho thấy, trong thời gian chuẩn bị sinh con, nếu phụ nữ duy trì những cảm xúc tích cực, vui vẻ sẽ giúp thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh. Ngược lại, những xung đột trong tâm lý như lo lắng, cáu giận, buồn phiền, thường xuyên bị stress là nguồn gốc của những rối loạn tâm lý sớm ở trẻ, thậm chí còn gây khó khăn cho trẻ khi đến tuổi dậy thì. Vì vậy, để sinh con được khỏe mạnh, các mẹ cần có sự chuẩn bị về tinh thần tốt nhất, cũng như trang bị đầy đủ kiến thức về quá trình mang thai và nuôi dạy con để đảm bảo em bé có tiền đề phát triển tốt nhất.
Đảm bảo nguồn tài chính tốt nhất khi sinh con
Ngoài sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, những kiến thức đúng đắn về quá trình sinh sản, vợ chồng bạn cũng cần sẵn sàng về cả vấn đề tài chính.
Khi sinh một đứa con, các mẹ sẽ phải chi tiêu rất nhiều, từ việc khám thai định kỳ đến sinh con; chi phí mua đồ dùng như quần áo, bỉm, sữa, hay những vấn đề lớn hơn như khi con bị bệnh, sau đó là nuôi ăn học. Do đó, vợ chồng hãy cân nhắc vấn đề tài chính một cách thấu đáo để chắc chắn mình đủ khả năng lo cho cuộc sống của con và cho con một tương lai tốt đẹp.
Sinh con ở những độ tuổi khác nhau sẽ như thế nào?
Để quyết định xem mình nên sinh con khi nào, bạn cần phải xét đến một số yếu tố như sức khỏe sinh sản, tâm lý sẵn sàng làm mẹ, nghề nghiệp ổn định, kế hoạch tài chính vững chắc… Một số lưu ý ở các độ tuổi mang thai và sinh con mà bạn nên biết.
Sinh con dưới 20 tuổi
Đây không phải là độ tuổi sinh con thích hợp nhất. Phụ nữ sinh con ở độ tuổi này dễ đối mặt với nguy cơ như sẩy thai, thai yếu hay sinh non. Cơ thể người mẹ lúc này còn quá trẻ, khung xương chậu chưa nở tốt sẽ dễ gặp sang chấn khi sinh vì vậy nguy cơ cao sẽ cần phải mổ lấy thai. Ngoài ra, việc thiếu kiến thức lẫn tiềm lực tài chính trong việc nuôi dạy con cũng là khó khăn không nhỏ khi sinh con trong độ tuổi này.
Ngoài ra, nếu sinh con trước 20 tuổi, người mẹ sẽ bị hạn chế khả năng học tập và cơ hội phát triển nghề nghiệp ổn định, do đó sẽ không có đủ điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho trẻ.
Độ tuổi từ 20-29
Đây là khoảng thời gian tốt nhất để mang thai. Thời điểm này, trứng của người phụ nữ đạt chất lượng tốt nhất và ít có nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến thai sản. Tuy nhiên lúc này bạn vẩn chưa sẵn sàng tâm lý để gánh vác trách nhiệm làm mẹ.
Nếu bạn duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống tốt thì độ tuổi từ 25-29 là giai đoạn lý tưởng nhất để sinh con. Ở độ tuổi này, người phụ nữ phát triển toàn diện về sức khỏe và thế chất, tài chính ổn định và tâm lý cũng đã sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm làm mẹ.
Sinh con ở độ tuổi 30-39
Khả năng sinh sản theo tự nhiên sẽ bắt đầu giảm dần từ tuổi 32. Ở tuổi 35, tỷ lệ thụ thai sau 3 tháng giảm còn 12%. Ở phụ nữ, số lượng và chất lượng trứng giảm dần theo thời gian khiến việc thụ thai sau 35 tuổi sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, nguy cơ sảy thai và các bất thường về di truyền ở thai nhi cũng cao hơn khi bạn mang thai ở tuổi đã cao.
Nếu ở độ tuổi 25, nguy cơ sinh con bị down và các hiện tượng đột biến gene chỉ nằm trong khoảng 1/1.250 thì tỷ lệ này là 1/400 ở độ tuổi 35 và tăng lên mức 1/109 với phụ nữ sinh con ở tuổi 40. Do đó, thông thường các bác sĩ đều khuyên các cặp vợ chồng nên kiên trì chờ đợi tin vui trong khoảng 6 tháng khi nghĩ đến các biện pháp điều trị vô sinh.
Sinh con trên 40 tuổi
Mối quan tâm lớn nhất khi mang thai ở tuổi ngoài 40 là các vấn đề liên quan đến sức khỏe mẹ và bé. Thai phụ sẽ gặp nhiều vấn để về nhiễm sắc thể hơn, đẩy nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh lên cao hơn. Ngoài ra, các biến chứng về thai kỳ sớm như mang thai ngoài tử cung, sẩy thai, cũng như các biến chứng thai kỳ sau này như tiền sản giật, tiểu đường; các vấn đề về nhau thai như nhẹ cân, sinh non, cũng như tỷ lệ suy thai cũng sẽ cao hơn. Tất cả những rủi ro này đều tăng lên nếu người mẹ có các tình trạng tồn tại từ trước như huyết áp cao, tiểu đường hoặc béo phì.
Mang thai ở độ tuổi lớn là một gánh nặng đối với cơ thể, là sự hy sinh rất lớn của người mẹ. Việc chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước và trong thời gian mang thai, sẽ giúp giảm được phần nào những nguy cơ nêu trên.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!