Điều trị thai ngoài tử cung chủ yếu gồm 3 cách là phẫu thuật, uống thuốc và theo dõi chờ đợi với trường hợp thai có thể tự bị sảy một cách tự nhiên.
Mang thai ngoài tử cung là gì?
Thông thường, sau khi trứng và tinh trùng gặp nhau, trứng được thụ tinh sẽ tiếp tục hành trình vào tử cung nhưng với trường hợp thai ngoài tử cung, trứng này sẽ vẫn ở lại trong ống dẫn trứng.
Tử cung có khả năng co giãn và phát triển cùng với thai kỳ. Trong khi ông dẫn trứng lại không thể phát triển và mở rộng theo cùng một cách như vậy. Do đó, khi thai ngoài tử cung tiếp tục phát triển và trở nên lớn hơn, khiến cho ống dẫn trứng bị căng lên rồi dẫn đến rách hoặc vỡ vòi trứng. Nếu điều này xảy ra, người phụ nữ có thể bị xuất huyết nghiêm trọng và cần được phẫu thuật khẩn cấp.
Tuy nhiên, ở một vài người, đôi khi thai ngoài tử cung sẽ tự co lại và sảy thai một cách tự nhiên.
Cứ 100 người phụ nữ mang thai thì có một trường hợp bị thai ngoài tử cung. Các bác sĩ thường khó biết được chính xác lý do của tình trạng này nhưng những người có nguy cơ cao với thai ngoài tử cung thường là:
- Phụ nữ sau khi điều trị hiếm muộn, vô sinh như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
- Người có tiền sử nhiễm trùng vùng chậu
- Phụ nữ có vấn đề về ống dẫn trứng
- Ở những phụ nữ đã từng phẫu thuật như sinh mổ, u nang buồng trứng hoặc cắt ruột thừa, …
- Phụ nữ mang thai trong khi sử dụng vòng tránh thai, …
Mang thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?
Thai ngoài tử cung là biến chứng nghiêm trọng mà người bệnh cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng và đôi khi thậm chí tử vong.
Bác sĩ sẽ xem xét phương hướng điều trị dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng của bạn, trong đó phổ biến nhất là 3 cách như sau:
- Phẫu thuật
- Dùng thuốc điều trị
- Theo dõi và chờ đợi
Cách xử lý thai ngoài tử cung bằng phẫu thuật
Phẫu thuật được khuyến nghị nếu bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã bị xuất huyết hoặc có khả năng xuất huyết. Việc đưa ra quyết định phẫu thuật cần được dựa trên các triệu chứng của người mang thai ngoài tử cung, kết quả kiểm tra và kết quả xét nghiệm.
Ở một số phụ nữ, họ có thể xuất hiện dấu hiệu ra máu âm đạo nhưng không đồng nghĩa với việc chắc chắn họ đang mang thai ngoài tử cung. Ra máu và kèm theo các cơn đau còn do nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như u nang buồng trứng hoặc viêm ruột thừa. Lúc này, phẫu thuật vẫn là điều cần thiết.
Phương pháp phẫu thuật nội soi đối với người mang thai ngoài tử cung được tiến hành như sau:
- Nội soi thực hiện trong khi bệnh nhân được gây mê toàn thân
- Bác sĩ mở một đường cắt nhỏ trên bụng
- Đưa kính vào để xem các cơ quan nội tạng của bạn
- Nếu một thai ngoài tử cung được tìm thấy, nó sẽ được loại bỏ. Thường thì cần phải loại bỏ một phần hoặc toàn bộ ống dẫn trứng để kiểm soát việc xuất huyết.
- Nếu thai phụ còn có các vấn đề khác, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ phải mở rộng vùng mổ
Điều trị thai ngoài tử cung bằng cách sử dụng thuốc điều trị
Nếu các bác sĩ nghĩ rằng nguy cơ xuất huyết của bạn là rất thấp, bạn sẽ được điều trị bằng các loại thuốc nhằm ngăn chặn thai kỳ phát triển. Việc tiêm thuốc cần có thời gian để thuốc phát huy hiệu quả và không phải lúc nào cũng thành công. Một số phụ nữ cần điều trị nhiều lần hoặc thậm chí phẫu thuật để chấm dứt hoàn toàn thai ngoài tử cung.
Điều trị bằng thuốc chỉ nên được sử dụng nếu thai ngoài tử cung rất nhỏ và không có dấu hiệu cho thấy bạn bị xuất huyết bên trong mà thôi.
Những thông tin quan trọng mà bạn cần biết khi dùng thuốc:
- Thuốc không an toàn với phụ nữ đang cho con bú
- Không mang thai lại trong vòng ba đến bốn tháng sau khi sử dụng thuốc
- Thuốc không an toàn với phụ nữ có tiền sử bệnh nền
- Bạn sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra gan và thận trước khi bắt đầu điều trị
- Sau khi điều trị bằng thuốc, bạn sẽ cần phải xét nghiệm máu và kiểm tra thêm một lần nữa
Theo dõi và chờ đợi
Trong một vài trường hợp, nếu bác sĩ nhận thấy thai ngoài tử cung của bạn đã bị sảy tự nhiên, bạn sẽ được tiếp tục theo dõi. Hầu hết thai sảy tự nhiên sẽ không gây ra đau đớn. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ có giảm xuống hay không. Sau đó bạn sẽ được thực hiện các xét nghiệm máu cho đến khi bác sĩ chắc chắn rằng việc mang thai ngoài tử cung của bệnh nhân đã chấm dứt hoàn toàn và không gây ra các rủi ro nào nữa.
Bạn cần theo dõi các dấu hiệu cơ thể và đi khám ngay nếu xuất hiện tình trạng sau trong quá trình điều trị:
- Đau bụng dữ dội
- Đau bả vai
- Ra máu
- Chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu
Mang thai ngoài tử cung và khả năng có thai sau này
Nếu bạn đã từng mang thai ngoài tử cung, nguy cơ gặp biến chứng trong những lần mang thai sau sẽ tăng lên. Bạn sẽ vẫn phải đối mặt với vấn đề thai ngoài tử cung trong tương lai vì tử cung đã từng được phẫu thuật, bị tổn thương và các vết sẹo của vòi trứng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của bạn.
Chính vì vậy, với những ai muốn tiếp tục sinh con, bạn cần được xét nghiệm và tư vấn kĩ lưỡng trước khi bắt tay vào kế hoạch mang thai lần tới.
Các bác sĩ thường khuyên chị en nên đợi ít nhất 2 tháng sau phẫu thuật và 3-4 tháng sau khi dùng thuốc trước khi mang thai trở lại. Do đó, đừng quên sử dụng các biện pháp tránh thai trong thời gian này. Đồng thời chị em nên bổ sung viên uống folate một tháng trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu mang thai.
Theo thewomens
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!