Có bệnh vái tứ phương là điều rất dễ hiểu. Song, không phải bệnh nào cũng có thể dùng thuốc bừa bãi. Việc điều trị bỏng bằng thuốc nam dưới đây là ví dụ.
Điều trị bỏng bằng thuốc nam, bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng
Cồn, dầu, xăng… những vật dụng dễ cháy khi để trong tầm tay của trẻ em sẽ dẫn đến thảm họa khôn lường. Nhẹ thì bỏng tay, chân, cháy đồ đạc, nặng thì bỏng toàn thân, thậm chí cháy nhà.
Thường thường, những tai nạn do bà hỏa gây ra thường để lại hậu quả rất nặng nề…
Nhập viện trong tình trạng bỏng nặng
Em bé nhập viện trong tình trạng vết bỏng nhiễm trùng nặng
Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, khi đang chơi tại nhà, một em bé đã vô tình làm cháy can cồn dãn đến bị bỏng nặng hai chân.
Có nhiều cách để trị bỏng, thuốc có, thực vật có, thảo dược có, đông tây y đều có…
Gia đình đã quyết định để bé ở nhà và điều trị bằng thuốc nam. Chính xác hơn là chữa kiểu dân gian vì có người quen thường xuyên chữa bỏng cho người dân trong làng bằng thuốc nam.
Tuy nhiên, sau 14 ngày điều trị bỏng bằng thuốc nam, bé ngày càng bị đau hơn. Vết bỏng có mùi hôi thối, chảy dịch, không đi lại được.
Ngay lập tức, gia đình đưa em đến Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) để điều trị.
Cần nhiều thời gian hồi phục
Những vết bỏng thường để lại hậu quả nặng nề
Theo kết quả của các bác sĩ, do tự ý điều trị bỏng bằng thuốc nam, hiện tại, vết bỏng của bệnh nhân đã lan ra toàn bộ vùng cẳng chân và kheo hai chân ở mức độ 2.
Vết thương bị nhiễm trùng nặng, có hỗn hợp chất màu đen (thuốc nam) cùng giấy, bết dính ở vết thương, có dịch mủ.
Sau khi được điều trị tích cực, hiện nay, sức khỏe bệnh nhân ổn định và tiến triển tốt. Tuy nhiên, để hồi phục chức năng của hai chân, em cần nhiều thời gian điều trị, phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương, từ đầu năm đến nay, viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bỏng trong tình trạng nguy kịch. Trong đó, việc điều trị bỏng bằng thuốc nam đôi khi không cho kết quả như mong muốn, thậm chí là khiến vết bỏng trở nên nguy kịch hơn.
Có bệnh nhân bị hoại tử sâu ở các vết bỏng, các bác sỹ phải ghép da rất phức tạp và để lại di chứng cũng như thời gian điều trị phục hồi chức năng kéo dài.
Phải làm gì khi bị bỏng?
Xé lòng da em bé gần như bị lột sau khi bỏng
Bị bỏng là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, thay vì để vết thương nhiễm trùng nặng thì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý và giảm thiểu mức độ thương vong do bỏng gây ra.
TheAsianParent gợi ý một số phương pháp
Ngâm nước lạnh và rửa sạch vết bỏng
Cần ngâm ngay vùng da bị bỏng vào nước sạch & lạnh (không dưới 5 độ C), hoặc rửa dưới vòi nước lạnh trong thời gian từ 15 – 20 phút. Điều này sẽ giúp làm giảm nhiệt độ và giảm độ sâu của vết bỏng, đồng thời giảm đau & giảm nguy cơ gây sốc cho người bị bỏng.
Lưu ý, tránh ngâm lâu hơn thời gian trên vì có thể làm tổn thương lớp biểu bì bên ngoài. Đồng thời, tuyệt đối không ngâm vết bỏng vào nước đá, không chườm đá lạnh vì sẽ khiến thân nhiệt hạ, gây ra hiện tượng co mạch máu, co cơ, khiến tình trạng bỏng trở nên trầm trọng hơn.
Sau khi ngâm bằng nước lạnh, bạn rửa sạch vết bỏng với nước muối sinh lý 0.9%, lau khô, bôi thuốc mỡ chống nhiễm khuẩn rồi băng nhẹ bằng gạc vô trùng.
Bôi thuốc kháng khuẩn
Dùng các loại kem bôi vết bỏng có chứa thành phần kháng khuẩn để chống nhiễm trùng. Cần sử dụng theo sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ. Không tự ý dùng các thuốc điều trị vết bỏng không rõ nguồn gốc và thành phần.
Lưu ý, không dùng các loại mỡ trăn, dầu cá, lòng trắng trứng… để bôi ngay vào vết bỏng, vì những cách này có thể khiến vết thương bị nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí có thể gây sốc bỏng.
Ngoài ra, khi bị bỏng, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được những người có chuyên môn khám và điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng lâu dài.
Theo VietnamPlus
Xem thêm:
Nổ điện thoại khi đang sạc, trẻ bị bỏng nặng và tràn dịch mảng phổi
Xé lòng bé sơ sinh bị bỏng toàn thân do rơi vào chậu nước sôi
SƠ Ý KHI DÙNG CỒN NƯỚNG MỰC Bố làm con tử vong vì bỏng nặng!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!