Những thứ cần chuẩn bị khi đi sinh ngoài quần áo của trẻ và vật dụng của mẹ thì mẹ bầu cần có một tinh thần và thể trạng tốt cho hành trình vượt cạn của mình. Tránh việc lo lắng hay tạo áp lực cho bản thân khi sắp đến ngày sinh sẽ làm cho mẹ mệt mỏi thêm.
- Công cuộc đi đẻ một vợ một chồng
- Đi đẻ mẹ nên ăn gì để có sức rặn con?
- Chuẩn bị kĩ lưỡng mọi thứ để không phải nháo nhào đi mua thêm
- Dặn người thân vào động viên bên cạnh lúc đau đẻ
- Chọn dịch vụ bệnh viện tốt một chút, mẹ nhàn con cũng khỏe
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang chia sẻ “Bạn sẽ không biết được rằng, khi đi sinh sẽ hoàn toàn tỉnh táo để thực hiện các thủ tục nhập viện hay đau đến không đi nổi. Vì thế, ngoài việc mua những thứ cần chuẩn bị khi đi sinh cho mẹ và bé, thì các ông bố cũng cần có một túi hành trang để hỗ trợ mẹ các hồ sơ cần thiết. Bố cần chuẩn bị các giấy tờ của mẹ như: chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, bản sao sổ hộ khẩu, hồ sơ khám thai. Tiền mặt hoặc thẻ ATM để tạm ứng viện phí và các chi phí phát sinh khác”.
Công cuộc đi đẻ một vợ một chồng
Công cuộc đi đẻ một vợ một chồng (Nguồn Thanhnien)
Mình sinh theo gói dịch vụ ở bệnh viện tại Hà Nội. Vì bố mẹ, người thân ở xa nên thôi hai vợ chồng đành túc tắc tự đi đẻ. Trước khi đi, mình lúc nào cũng lo lắng. Cứ hỏi đi hỏi lại chồng xem liệu đau đến mức nào. Mà chồng mình nói có gì đã có các chị y tá ở đây. Thôi đừng lo nhiều quá mà lại khó đẻ.
Rồi mình bắt đầu các cơn đau đẻ. Đau thấu trời thấu đất luôn. Con gò mạnh đạp như muốn nổ tung bụng. Nói thật với các mẹ là lúc đấy chỉ nghĩ khi nào con mới chịu chui ra chứ mẹ không chịu nổi nữa rồi. Nhìn sang thấy các mẹ khác đau đẻ, lăn lê quằn quại dưới sàn, miệng chửi rủa chồng lại càng thấy hãi. Còn chưa kể một mẹ bị vấn đề về thai sao đó, máu me khắp giường đẻ, nhìn mà quá hãi hùng.
Mình đã trải qua hơn 20 giờ đau đẻ, kiệt sức, mệt rã rời cộng thêm đau vết rạch tầng sinh môn. Nhưng cũng may là cuối cùng con yêu chào đời khỏe mạnh, mình cũng hồi phục nhanh. Dịch vụ bệnh viện tốt cũng giúp mình cảm thấy công cuộc đi đẻ không còn quá hãi hùng nữa.
Mình sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm đi đẻ của mình, giúp các mẹ chuẩn bị đến ngày dự sinh có thêm tinh thần và nhẹ nhàng hơn với hành trình này.
Mẹ có thể quan tâm:
Chuẩn bị đồ đi sinh mùa thu cho mẹ và bé cần những gì?
Đi đẻ mẹ nên ăn gì để có sức rặn con?
Bánh mì cung cấp năng lượng rất tốt cho các mẹ đi đẻ (Nguồn ảnh: Thanhnien)
Thực ra thì lúc đau quá cũng không muốn ăn uống gì nữa đâu. Mình nghe lời khuyên của bác sĩ trong lần khám thai cuối cùng, trước khi vào viện thì ăn đồ nhẹ nhàng, không quá nặng bụng, dễ tiêu như cháo với súp. Đến lúc nhập viện đau đẻ quá rồi thì cũng chẳng thiết đến ăn nữa.
Tuy nhiên, thời gian đau đẻ cho đến khi mở tử cung có thể kéo dài (như mình là hơn 20 tiếng đồng hồ) thì vẫn được khuyến khích uống sữa với uống nước để không bị kiệt sức và nạp năng lượng cho công cuộc rặn đẻ.
Chuẩn bị kĩ lưỡng mọi thứ để không phải nháo nhào đi mua thêm
Điều cần chú ý đầu tiên là nên tìm hiểu về dịch vụ sinh con tại bệnh viện nơi mẹ chọn để sinh bé trước khi mua những thứ cần chuẩn bị khi đi sinh vì có nhiều bệnh viện hiện đại cung cấp gần như đầy đủ mọi thứ cho các mẹ. Nếu không tham khảo sẽ dẫn đến lãng phí.
Hai là mẹ chuẩn bị đầy đủ tiền viện phí nữa. Một phần phải đóng cọc còn một phần thanh toán sau sinh. Ngoài ra các mẹ đừng quên các loại giấy tờ cần thiết để đi đẻ như CMTND, thẻ bảo hiểm, sổ hộ khẩu (có thể cần tới),… Và tất nhiên là đồ đi sinh cho mẹ và bé rồi.
Xong xuôi thì nếu có dấu hiệu cơn gò mẹ cứ bình tĩnh đi tắm rửa cho sạch sẽ, đóng bỉm vì thường lúc này các mẹ đã vỡ ối rồi.
Dặn người thân vào động viên bên cạnh lúc đau đẻ
Có gì cứ thẳng thắn bảo chồng (Nguồn ảnh: Tuoitre)
Đặc biệt là chồng. Anh ấy rất quan trọng để mẹ cảm thấy không cô đơn trong công cuộc đi đẻ này. Mà đàn ông nhiều khi không nói họ không biết đâu. Mấy mẹ đừng nghĩ anh ấy quan tâm tới vợ thì anh ấy tự khắc phải biết việc mà làm chứ.
Nhưng đàn ông họ suy nghĩ không giống phụ nữ. Việc mình tưởng to tát mà họ lại nghĩ là rất nhỏ nhặt. Vậy nên các mẹ cứ mạnh dạn yêu cầu, sai chồng, dặn dò chồng để khỏi lâm vào cảnh ngồi đấy tủi thân vì chồng không biết chăm vợ giống chồng người ta.
Cứ nói ngọt với chồng vào, bảo anh ơi, anh xoa lưng giúp em. Anh ơi, lát anh vào phòng đẻ cầm tay em, chụp hình con nha. Nói chung chị em cứ chủ động sẽ tốt hơn cho bản thân mình và cả chồng nữa. Chứ giận dỗi nhau lúc đi đẻ còn mệt hơn nữa.
Rồi lúc đẻ xong, việc chăm con cũng cứ mạnh dạn nhờ chồng giúp. Anh ấy thương vợ đau đẻ kiểu gì dù lóng ngóng nhưng vẫn sẽ chịu khó học cách thay tã, bồng con giúp các mẹ. Nhờ thế mà các mẹ cũng sẽ bớt mệt, nhanh hồi phục hơn.
Mẹ có thể quan tâm:
Những điều mẹ bầu nhớ tuyệt đối sẵn sàng trước khi chuẩn bị đi sinh
Chọn dịch vụ bệnh viện tốt một chút, mẹ nhàn con cũng khỏe
Mình rất may mắn vì đã chọn được một bệnh viện để đi đẻ hợp ý. Ở đây, các cô y tá nhẹ nhàng lắm. Không la hét, quát thác gì. Ngược lại các chị ý còn động viện, bảo mình chịu khó, qua cơn đau là em bé ra luôn. Lúc đi đẻ có y tá dễ thương bên cạnh thì cũng ấm lòng và dễ chịu như người thân vậy đó. Mình cũng nghĩ may mà y tá tận tình chứ không chắc sợ đau đẻ đến già luôn.
Cái nữa là bệnh viện lại có phòng sơ sinh riêng. Bé đẻ xong thì được đưa về phòng đó. Qua đêm tới sáng họ mới bế con vào để bú ti. Tranh thủ lúc đó mình ngủ để lại sức chứ không chỉ nghe tiếng con khóc thôi chắc mất ngủ cả đêm luôn. Mẹ mau lại sức nên sữa về dồi dào lắm. Các chị y tá cũng hướng dẫn mình tận tình cách cho con bú. Nói chung ngày ra viện là không phải lo lắng chuyện ít hay nhiều sữa cho con nữa.
Vậy nên trước khi sinh các mẹ nhớ nghiên cứu, tìm hiểu cho thật kĩ các gói sinh, chế độ dịch vụ nơi mình sẽ đi đẻ. Theo mình cái này là yếu tố quan trọng nhất để công cuộc đẻ em bé trở nên nhẹ nhàng.
Mình chia sẻ chút kinh nghiệm này, hi vọng sẽ có ích cho các mẹ trong những ngày sắp tới. Chúc cho các mẹ mẹ tròn con vuông, sinh nở dễ dàng và nhanh chóng.
Nguồn tham khảo: Chuẩn bị đồ đi sinh cần những gì? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!