Dạy con 3 năm đầu đời là cực kỳ quan trọng để có thể tạo nền tảng vững chắc nhất giúp con phát triển sau này. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường sống mà mỗi gia đình lựa chọn cách giáo dục con phù hợp nhất. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì ba mẹ cũng không nên bỏ qua những bí kíp vàng để giúp tạo đà tốt cho “giai đoạn vàng” này của con.
Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Tầm quan trọng của việc dạy trẻ trong 3 năm đầu đời
- Kinh nghiệm vàng dạy con 3 năm đầu đời
- Ba mẹ cần lưu ý điều gì trong cách dạy con 3 năm đầu đời?
Tầm quan trọng của việc dạy trẻ trong 3 năm đầu đời
Các nhà khoa học đã chứng minh 3 năm đầu đời là nền tảng cực kỳ quan trọng cho các mốc trưởng thành sau này, ví dụ như chiều cao lúc 2 tuổi sẽ bằng 50% chiều cao lúc trưởng thành và đến năm 3 tuổi não bộ của trẻ đã bằng 85% so với não người lớn. Thậm chí, 1 đứa trẻ 3 tuổi khỏe mạnh có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp 2 lần so với người trưởng thành. Chính vì vậy, nếu bỏ qua giai đoạn này thì không có cơ hội để bù đắp về sau cho trẻ.
Có thể bạn chưa biết:
Bí quyết nuôi con 3 năm vàng đầu đời là ba mẹ cần hết sức để đầu tư chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy trẻ trong giai đoạn 3 năm đầu. Vì đây là giai đoạn sẽ ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe, tầm vóc, trí tuệ, tâm hồn và tình cảm của trẻ. Đây là cuộc đầu tư dài hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển, thành công của trẻ sau này.
3 năm đầu đời ba mẹ nên dạy con như thế nào?
Có 4 lĩnh vực cơ bản nhất liên quan đến sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời mà cha mẹ cần quan tâm là: sự tăng trưởng cơ thể (kích thước, sức khỏe, sự phối hợp), sự phát triển của trí tuệ (suy nghĩ, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề), sự phát triển của nhân cách (mối quan hệ, hiểu biết xã hội, tình cảm) và sự tăng trưởng của não bộ (sự phát triển của tế bào thần kinh, khớp thần kinh).
Để có thể nuôi dạy thành công những đứa trẻ khỏe mạnh và thông minh, sau đây là những bí quyết cha mẹ luôn cần phải ghi nhớ và hướng dẫn bé ngay từ hôm nay:
Hãy tương tác cùng con mỗi ngày
Những tương tác trực tiếp với con như cùng ăn uống, vui chơi hoặc làm 1 việc gì đó cũng như những biểu cảm thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho trẻ sẽ cung cấp cho trẻ nền tảng cơ bản để phát triển kỹ năng tư duy của mình. Mẹ nên dành thời gian để đọc sách, nghe nhạc và chuyện trò với bé hằng ngày. Trong bất cứ hoạt động nào, mẹ hãy vừa làm vừa tương tác, hướng dẫn cho con, ví dụ như: hôm nay mẹ dạy con làm gì, 2 mẹ con đi chơi ở đâu, với ai… hay chia sẻ về cảm xúc của mình với con.
Tạo điều kiện cho trẻ vận động là cách dạy con trong 3 năm đầu đời ba mẹ cần ghi nhớ
Các hoạt động vui chơi, đặc biệt là vui chơi ngoài trời giúp bé tăng trưởng cơ thể, phát triển não bộ cũng như nhân cách của trẻ. Việc chơi đùa cùng các bạn tạo nền tảng cho khả năng tư duy, thể chất cũng như cảm xúc trong việc lên ý tưởng mọi việc và kỹ năng giải quyết tình huống, tiếp xúc với mọi người hay xa hơn là tương tác xã hội sau này.
Ngoài ra hoạt động thể chất ngoài trời không chỉ giúp bé khỏe mạnh, tăng đề kháng tự nhiên mà còn giúp trẻ thông minh hơn do các hoạt động này giúp tăng cường lưu lượng máu lên não và sản sinh thêm các tế bào thần kinh mới.
Tập cho trẻ thói quen ăn uống tự lập
Trong tâm trí của rất nhiều ba mẹ Việt luôn ám ảnh việc cần phải ép con ăn nhiều – thật nhiều, để bé có được thân hình “bụ bẫm”. Bữa ăn của bé đôi khi là những lúc căng thẳng nhất, nó trở thành trận chiến giữa cha mẹ và con nhỏ.
Thay vì áp lực và bắt ép con ăn, bữa ăn của trẻ nên được tôn trọng như là một cơ hội khám phá thế giới đầy thú vị cho bé.
Giai đoạn ăn dặm giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thông qua việc cầm nắm thức ăn cho vào miệng, phát triển xúc giác và vị giác nhờ sử dụng lưỡi lùa thức ăn, nếm các loại vị, nhai bằng răng và nuốt. Các nhà khoa học đã chứng minh nếu bé tự giác ăn uống và có tâm trạng tốt thì cơ thể cũng tiết ra nhiều dịch tiêu hoá và hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Ngoài ra, trong mỗi buổi ăn hãy giới thiệu cho trẻ “đây là miếng cà rốt màu cam, giúp con sáng mắt”, hay “cọng rau cải bó xôi này màu xanh, con ăn vào sẽ cao hơn”… Như vậy, trẻ sẽ tập được từ rất sớm thái độ ăn uống tích cực và bữa ăn của trẻ trở thành một niềm vui cho cả gia đình.
Mẹ đã biết chưa?
Giúp trẻ học giao tiếp xã hội và phát triển cảm xúc trong giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi
Khủng hoảng tuổi lên 2: Giai đoạn cái gì con cũng nói “KHÔNG”
Ba mẹ cần lưu ý điều gì trong cách dạy con 3 năm đầu đời?
Bạn không nên gây áp lực với trẻ
Với bất cứ 1 phương pháp giáo dục nào, ba mẹ đều tìm hiểu rất kỹ và muốn áp dụng tất cả cho bé yêu nhà mình. Tuy nhiên, bạn nên nhớ dù trí não phát triển rất nhanh thì con cũng chỉ là 1 đứa trẻ đang chập chững làm quen với thế giới, bé cần thời gian để học cách thích nghi và hòa nhập với cuộc sống.
Dù là hoạt động ăn uống hay vui chơi con cũng cần thời gian để hoàn thiện dần các kỹ năng nên ba mẹ đừng quá áp lực khi muốn con có thể thực hiện tốt được ngay. Trong giai đoạn này, sự tập trung chú ý của trẻ chỉ kéo dài khoảng 3 phút, nên nếu mẹ dạy mà con nhanh chán thì cũng đừng bắt ép con mà hãy chuyển sang 1 hình thức khác giúp con hứng thú hơn.
Cũng đừng so sánh hay chê bai con vì những cảm xúc tiêu cực đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con sau này.
Tạo không gian an toàn cho bé phát triển
Dù là ở nhà hay đi ra ngoài, bạn hãy luôn mang lại cho trẻ cảm giác an toàn để tạo điều kiện cho trẻ phát triển nhận thức. Vì trong 1 môi trường hoàn toàn mới, bé sẽ chỉ thể hiện sự tò mò và khám phá, trải nghiệm nếu có cảm giác an toàn từ cha mẹ mang lại. Sự tìm tòi về thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ tăng qkhả năng học hỏi, nhận thức của mình hàng ngày.
Luôn lập kế hoạch dạy trẻ trong các năm tiếp theo
Cách dạy con 3 năm đầu đời rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là bạn tập trung mọi nguồn lực của mình vào 3 năm này mà lơ là những năm tiếp theo. Quá trình phát triển thần kinh của trẻ sẽ diễn ra trong suốt thời thơ ấu cho đến tuổi thiếu niên của trẻ, ở các phần khác nhau của bộ não.
Việc bạn cần làm là lập ra những kế hoạch dạy trẻ phù hợp với từng giai đoạn trong cuộc đời của con. Như vậy thì bạn mới có thể tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách tốt và toàn diện nhất.
Ba mẹ chính là người bạn đồng hành cùng con
Trẻ nhỏ học hỏi tốt nhất khi có mối quan hệ ấm áp, gắn bó với những người thân yêu. Vì vậy, ba mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ học hỏi, phát triển trong những năm đầu đời. Sau này, khi đã tham gia vào chương trình giáo dục ở trường lớp, trẻ vẫn tiếp tục học hỏi về mọi lĩnh vực trong cuộc sống mà trẻ có cơ hội quan sát từ những người thân trong gia đình.
Thay lời kết
Cách dạy con 3 năm đầu đời như thế nào là việc mà mọi bậc cha mẹ đều nên chú trọng, đầu tư tìm hiểu và thực hiện 1 cách đúng đắn vì đây chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của trẻ sau này. Ba mẹ nên lập kế hoạch phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình và tính cách của trẻ, để khoảng thời gian đồng hành cùng con luôn đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!