Dấu hiệu chuyển phôi thất bại là gì? Có cần lưu ý gì sau khi chuyển phôi để tăng tỉ lệ thành công? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về chuyển phôi khi làm IVF
Chuyển phôi là bước thứ 5 trong quy trình làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Trước đó, người vợ sẽ được kiểm tra sức khỏe, kích trứng, chọc hút trứng để chuẩn bị cho quá trình tạo phôi cùng lúc với lấy tinh trùng hoặc sử dụng tinh trùng đông lạnh của người chồng. Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng thí nghiệm để thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài 2-5 ngày trước khi tiến hành chuyển phôi.
Sau khi thống nhất số lượng phôi chuyển, số phôi khỏe mạnh nhất được đưa vào buồng tử cung để chuẩn bị làm tổ và phát triển thành thai khi niêm mạc tử cung đạt điều kiện để phôi làm tổ và phát triển.
Từ 1-5 ngày, phôi thai sẽ di chuyển và làm tổ bằng cách bám vào nội mạc tử cung. Nếu quá trình chuyển phôi thành công thì đến ngày thứ 14 sau khi làm xét nghiệm, chỉ số HCG sẽ vượt quá 25 mIU/ml.
Dấu hiệu chuyển phôi thất bại
Sau khi chuyển phôi vào tử cung người mẹ, khoảng từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14, các dấu hiệu thụ thai có thể xuất hiện. Thậm chí trong một vài trường hợp, các dấu hiệu đã có thể nhận thấy vào ngày thứ 5. Trong trường hợp chuyển phôi thất bại thì dấu hiệu thường thấy sẽ bao gồm:
Ra máu âm đạo là dấu hiệu thất bại sau chuyển phôi dễ nhận thấy nhất
Một vài vết hồng hồng xuất hiện trên quần lót của chị em trong khoảng từ ngày 1–7 sau chuyển phôi là dấu hiệu an toàn của việc chuyển phôi thành công. Nhưng nếu ngay ngày thứ 2–3 sau chuyển phôi mà chị em thấy máu ra nhiều, có màu nâu sẫm, không dứt, kèm theo các triệu chứng đau bụng dữ dội thì đó là dấu hiệu thất bại. Phôi không bám vào thành nội mạc tử cung, không làm tổ, cơ thể mẹ không sinh ra hormone đồng nghĩa với việc niêm mạc tử cung bong ra giống như khi đến kỳ kinh nguyệt.
1 số mẹ sau khi chuyển phôi có phôi tương thích với nội mạc tử cung nhưng do chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không hợp lý nên lớp nội mạc tử cung không đủ dày, môi trường không thuận lợi cho thai nhi làm tổ, đến khoảng ngày thứ 10 sau chuyển phôi, phôi sẽ bị đẩy ra ngoài khiến mẹ bị chảy máu nhiều hơn.
Không có các dấu hiệu mang thai
Thông thường sau khi chuyển phôi, nếu phôi thai bám thành công và làm tổ ở niêm mạc tử cung, người mẹ sẽ có cảm giác đau và nặng ở bụng dưới; thân nhiệt tăng lên nhanh, có cảm giác nóng trong người; người có cảm giác mệt mỏi uể oải do sự thay đổi hormone để thích nghi với bào thai mới trong cơ thể; căng tức ngực, kích thước vòng 1 thay đổi. Nếu không có những biểu hiện mang thai này thì rất có thể quá trình chuyển phôi đã không thành công.
Kết quả xét nghiệm nồng độ beta HCG cho biết chuyển phôi thành công hay không
14 ngày sau khi chuyển phôi, chị em sẽ được chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ beta HCG. Nếu beta HCG ở mức > 25 IU/l thì được xác định là có thai.
Nồng độ này tăng gấp rưỡi trở lên sau 2 ngày thì được xác định là thai đang phát triển, chị em sẽ được kê thêm thuốc dưỡng thai đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
Nếu kết quả sau 2 ngày không tăng hoặc giảm thì cần được theo dõi thêm. Trường hợp thai sinh hoá thì nồng độ beta HCG trở về âm tính (<5 IU/l).
Xét nghiệm beta HCG dấu hiệu thất bại sau chuyển phôi chính xác nhất. Beta HCG âm tính tức là chị em sẽ phải chuẩn bị cho lần chuyển phôi tiếp theo trong thời gian tới.
Làm gì khi chuyển phôi thất bại?
Vì nhiều lí do như độ tuổi bố mẹ, chất lượng trứng, chất lượng tinh trùng, chế độ dinh dưỡng… mà việc chuyển phôi có khả năng thất bại. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp này chị em cũng đừng quá bi quan vì ngay từ đầu, IVF đã là 1 quá trình dài hơi đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và cả sự chuẩn bị về mặt tâm lý.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao
Chị em nên dành ra mỗi ngày 30–45 phút tập yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng để tạo tâm lý thoải mái cũng như tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai cho cơ thể.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trước và sau khi chuyển phôi, chị em không nên ăn những món khó tiêu, dễ gây táo bón hoặc tiêu chảy vì chúng có tác động rất lớn đến phôi thai. Nặng nhất là phôi không thể bám vào nội mạc tử cung hoặc bám chưa chắc chắn nên dễ bị tuột ra ngoài.
Chị em nên tránh xa đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất kích thích, đồ uống có cồn… vì những thực phẩm này làm cơ thể mất nhiều thời gian đào thải ra ngoài, làm tử cung bị co bóp ảnh hưởng đến quá trình chuyển phôi.
1 số loại thức ăn cần tránh sau khi chuyển phôi là nước dừa tươi, đu đủ, rau ngót vì dễ dẫn đến tuột phôi thai.
Hy vọng rằng những lưu ý trên sẽ giúp ích cho chị em trong quá trình tìm con của mình. Chúc chị em duy trì được sức khỏe và tinh thần ổn định để sẵn sàng chào đón con yêu nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!