Khi men ở bề mặt răng bị phá hủy sẽ tạo thành những lỗ trên răng, chúng ta hay gọi là sâu răng. Vậy con sâu răng có “mặt mũi” và lợi hại như thế nào?
Sâu răng ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe rất phổ biến
Nguyên nhân có con sâu răng – những lầm tưởng và sự thật
Có những điều chúng ta lầm tưởng về “con sâu răng”. Dưới đây là những lầm tưởng thường gặp và sự thật về con sâu răng.
Con sâu răng thực tế là gì?
Lầm tưởng: răng miệng gặp vấn đề là do một “con sâu” gây nên. Và thay vì đến nha sĩ, tin đồn khuyên chúng ta nên sử dụng các biện pháp tại nhà nhằm bắt chúng ra khỏi miệng để chữa sâu răng. Hút khói từ gạch nun, uống dầu ăn hoặc dùng thuốc không có nguồn gốc… là những cách mà tin đồn hướng dẫn mọi người diệt trừ sâu răng.
Sự thật: đây là một thông tin sai sự thật, phản khoa học và vô cùng nguy hiểm. Trong khoang miệng vốn không có một “con sâu răng” nào trú ngụ. Bệnh sâu răng là do streptococcus mutans – một loại vi khuẩn gây nên. Chúng lên men carbohydrate tạo ra axit và làm pH trong họng giảm xuống nhỏ hơn 5. Điều này dẫn đến sự khử khoáng trên bề mặt răng, làm mất vôi răng. Từ đó gây ra bệnh sâu răng ở cả trẻ em và người lớn.
Vệ sinh răng miệng kém nên sâu răng
Lầm tưởng: Cha mẹ cho rằng, trẻ dễ bị con sâu răng tấn công do đánh răng không kỹ và chưa biết dùng chỉ nha khoa.
Sự thật: Nhận định trên chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, khi mới chào đời, trong miệng bé không có bất cứ vi khuẩn có hại nào. Vi khuẩn có mặt sau đó là do bé bị lây thông qua người thân. Phổ biến nhất là truyền qua nước bọt. Nếu ba mẹ thường xuyên bị sâu răng, nguy cơ sâu răng ở trẻ do lây nhiễm cũng rất cao.
Nếu ba mẹ bị sâu răng, trẻ có nguy cơ bị lây nhiễm cao
Thuốc kháng sinh vô can
Lầm tưởng: Uống thuốc kháng sinh không liên quan gì đến việc gây ra con sâu răng ở trẻ.
Sự thật: Các loại kháng sinh thường được bác sĩ kê đơn để chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên ngoài ra chúng còn có tác dụng phụ là gây hại lên răng của bé. Tùy loại kháng sinh, tùy thời điểm và liều lượng mà tác hại lên răng không giống nhau. Có loại sẽ làm răng bị nhiễm màu, có loại tạo thành “con râu răng” ăn thủng răng.
Tất cả các thuốc dạng sirô dành cho trẻ em có chứa đường đều có nguy cơ gây sâu răng. Một số thuốc kháng sinh có thể gây trào ngược từ dạ dày lên thực quản và miệng họng. Từ đó làm tăng độ toan trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho con sâu răng phát triển.
Thuốc dạng sirô dành cho trẻ em có chứa đường đều có nguy cơ gây sâu răng
Không cần đi nha sĩ sớm
Lầm tưởng: Khi trẻ chưa mọc đủ răng và răng còn tốt thì không cần đi nha sĩ.
Sự thật: Bạn nên đưa con đi khám răng khi bé được 1 tuổi. Nếu bạn đợi đến khi bé lớn hơn một chút mới đưa bé đi khám thì nhiều khả năng lúc đó bé đã bị sâu răng rồi. Theo thống kê, chỉ có 10% trẻ 1 tuổi và 24% trẻ 2 tuổi đã từng đến nha sĩ.
Cách phòng và trị con sâu răng
Để phòng và trị con sâu răng, ba mẹ nên chú ý nhiều hơn đến việc vệ sinh răng miệng cho bé:
– Hạn chế ăn đường là cách tốt nhất để ngăn ngừa sâu răng. Bởi vì vi khuẩn cần đường để tồn tại. Tuy nhiên cùng một lượng bánh kẹo, bé ăn một lần ít nguy cơ sâu răng hơn bé chia thành nhiều lần ăn.
Ba mẹ nên nhắc nhở bé đánh răng thường xuyên từ nhỏ
– Không phải chỉ có các loại nước ngọt đóng chai, lon mới khiến trẻ bị sâu răng. Các loại nước ép trái cây, sữa mẹ và sữa công thức đều có thể khiến con sâu răng phát triển. Bởi lẽ trong chúng đều chứa đường. Ba mẹ nên hạn chế cho trẻ uống các loại nước này vào ban đêm.
– Flour có tác dụng ngừa sâu răng. Tuy nhiên nếu hấp thụ quá nhiều fluor thì có thể dẫn đến chứng nhiễm fluor, gây các đốm trắng trên răng. Trẻ dưới 2–3 tuổi chưa biết nhổ kem khi đánh răng vì thế ba mẹ không nên sử dụng kem đánh răng có chất fluor cho trẻ.
– Trẻ chưa mọc răng vẫn cần phải phòng ngừa bằng cách dùng khăn ẩm lau sạch nướu mỗi khi cho bé bú xong.
– Nhắc nhở trẻ thời gian cho mỗi lần đánh răng ít nhất 30 giây (tốt nhất là một phút). Mỗi ngày cho trẻ đánh răng hai lần, sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ.
Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ là cách ngừa sâu răng tốt nhất cho con
Thay lời kết
Lớp men răng ở trẻ mỏng và mềm vì thế mọi trẻ em đều có thể bị sâu răng. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể chủ động phòng ngừa được cho bé. Nếu có thể, ba mẹ hãy lên lịch kiểm tra răng cho bé theo 6 tháng/lần. Cái răng cái tóc là gốc con người nên ba mẹ hãy quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng cho bé hơn, ba mẹ nhé!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!