Gối là vật dụng quen thuộc thường thấy trong bất kì phòng ngủ hoặc không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi nào. Những chiếc gối thơm tho, êm mềm, dễ chịu có thể đem lại 1 giấc ngủ ngon và thoải mái hơn. Tuyệt vời là vậy nhưng có phải độ tuổi nào cũng thích hợp để dùng gối? Có nên cho trẻ sơ sinh nằm gối không? Sự thật về những nguy cơ mà những chiếc gối đem lại đối với giấc ngủ của trẻ sơ sinh có thể khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy bất ngờ.
6 nguy cơ tiềm ẩn khi dùng gối cho trẻ sơ sinh
Nhiều người lớn thường cảm thấy khó ngủ khi không được nằm trên chiếc gối quen thuộc và nghĩ rằng trẻ em cũng cần gối khi ngủ. Sự thật lại không hẳn như vậy. Mẹ sẽ tìm được câu trả lời về việc có nên cho trẻ sơ sinh nằm gối hay không nếu biết rõ về 6 nguy cơ tiềm ẩn khi cho bé dùng gối quá sớm và dùng không đúng cách.
Gây nguy cơ nghẹt thở
Ở độ tuổi này, xương cổ và sụn của trẻ còn rất mềm vì thế bé không có khả năng tự nhấc cổ. Khi nằm trên những chiếc gối mềm, đầu của bé có thể lún sâu vào gối. Hơn nữa khi trẻ xoay đầu hay nằm nghiêng mặt về 1 bên, gối có thể che kín lỗ mũi của bé dẫn đến tình trạng ngạt thở.
Nếu dùng những chiếc gối cứng và cho bé nằm sai tư thế thì phần đầu sẽ nhô cao hơn cơ thể của trẻ, khiến xương đốt cổ bị ép thành 1 đường cong, cằm kề sát gần ngực do cổ bị gập lại và vùng hầu họng nơi hơi thở đi qua sẽ bị chặn lại. Tình trạng này sẽ khiến cho bé dễ bị sặc, dẫn đến khó thở, suy hô hấp và có thể bị ngạt.
Ngoài ra, nếu mẹ sử dụng các loại gối nhồi vỏ đậu xanh hoặc ruột làm từ hạt xốp, hạt nhựa dẻo sẽ rất dễ bị bung ra và rơi vào đường thở của trẻ có thể gây ra tình trạng ngạt khí.
Trẻ có thể bị đột tử vì dùng gối quá sớm
Cho bé nằm gối quá sớm không chỉ khiến con dễ bị ngạt thở mà còn làm tăng nguy cơ gặp phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh – SIDS (Sudden Infant Death Syndrome). Đây là tình trạng trẻ sơ sinh đang khỏe mạnh bỗng đột ngột tử vong và không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Theo thống kê, những sự cố đáng tiếc này thường xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 1 tuổi khi đang ngủ.
Theo nhận định, rất có thể thủ phạm gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là những chiếc gối tưởng chừng như vô hại. Do khi ngủ, trẻ nhỏ thường không có ý thức tự kiểm soát bản thân. Nếu các bé cựa mình và xoay chuyển, thậm chí lẫy lật trong vô thức và nằm úp sấp, phần đầu của bé sẽ bị ép chặt vào gối khiến con khó có thể cử động dễ dàng. Vì gối lõm xuống và bao xung quanh đầu nên không có đủ không khí để bé hô hấp và gây nên những tai nạn đáng tiếc. Như vậy, nguy cơ tử vong vì cho trẻ sơ sinh nằm gối quá sớm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nằm gối sớm là nguyên nhân khiến bé dễ bị dị ứng
Là nơi tiếp xúc trực tiếp với phần da đầu và hấp thu một lượng lớn mồ hôi, tế bào da chết từ cơ thể trẻ mỗi ngày, tuy nhiên, gối lại không đủ thông thoáng để mồ hôi bốc hơi hoàn toàn. Từ đó, tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và tác nhân gây dị ứng phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó trẻ sơ sinh có làn da vô cùng nhạy cảm và hệ miễn dịch chưa thực sự hoàn thiện nên rất dễ bị mẩn ngứa, ngay cả khi tiếp xúc với chất liệu vỏ hoặc ruột gối không đảm bảo.
Trẻ sơ sinh ngủ gối làm hộp sọ bị biến dạng
Ngủ trên một chiếc gối mềm quá lâu có thể làm phát sinh hội chứng đầu phẳng hay còn gọi là bẹp đầu ở trẻ. Đây là hiện tượng trẻ sơ sinh nằm một bên quá lâu tạo thành vết lõm một hoặc hai bên mang tai, có trẻ phẳng ở đằng sau gáy. Nguyên nhân là do xương đầu của bé vẫn còn rất mềm. Hơn nữa, trong 1 năm đầu đời, chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh tăng trưởng rất nhanh. Nếu cho trẻ nằm gối quá sớm, đầu của bé có thể không giữ được cân bằng và đối xứng do hộp sọ to ra làm biến dạng cấu trúc đầu.
Gối gây tác động xấu đến hệ xương do cong vẹo cột sống
Không giống như người lớn, cột sống của trẻ sơ sinh là 1 đường thẳng, kích thước đầu và phần vai bằng nhau. Sử dụng gối khi ngủ sẽ khiến cơ thể trẻ sơ sinh không còn nằm trên một mặt phẳng. Từ đó các động tác xoay đầu và xoay người cũng trở nên khó khăn, đồng thời cổ bé bị vẹo sang 1 bên, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương và nguy cơ dị tật xương sống ở trẻ là rất cao.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, phần đầu và phần cổ của bé sơ sinh còn rất yếu nên nếu cho bé nằm trên những chiếc gối không đúng kích cỡ và độ cao trong nhiều giờ liên tục có thể khiến trẻ bị trật khỏi gối và làm bong gân cổ.
Chất liệu gối dễ gây biến động nhiệt
Vì khả năng điều nhiệt của bé không tốt như người lớn nên khi sử dụng gối với chất liệu không thông thoáng mà trẻ nằm lâu sẽ làm nhiệt độ bên dưới đầu tăng lên và gây biến động nhiệt đến toàn bộ cơ thể, làm trẻ sốt cao đột ngột. Nếu không được kiểm soát tốt, đấy chính 1 trong những nguyên nhân có thể gây tử vong và đe dọa tính mạng bé.
Trong nhiều trường hợp đã được ghi nhận, những bé sơ sinh nằm gối quá sớm còn gặp phải tình trạng sốc nhiệt, đặc biệt là vào mùa đông. Mồ hôi không thoát ra được ngấm ngược trở lại cũng khiến bé dễ bị cảm lạnh.
Thời điểm thích hợp có thể cho bé sơ sinh nằm gối là khi nào?
Trên thực tế, việc có nên cho trẻ sơ sinh nằm gối hay không còn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia y tế, trước những nguy cơ không lường trước có thể xảy đến trong giấc ngủ thì việc sử dụng gối cho trẻ sơ sinh đặc biệt là đối tượng mới sinh là hoàn toàn không cần thiết.
Hơn nữa, tính từ lúc lọt lòng cho đến trước khi biết lẫy, cột sống của bé vẫn còn thẳng nên khi trẻ nằm ngửa không cần gối sẽ tốt hơn cho sự phát triển hệ xương của bé vì lưng và gáy cùng nằm trên một mặt phẳng. Ngoài ra, đầu của trẻ sơ sinh thường to bằng chiều rộng của vai nên kể cả khi trẻ nằm nghiêng thì cũng vẫn không cần sử dụng đến gối.
Từ 1 nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu tại Anh về an toàn giấc ngủ thì trẻ sơ sinh trên 12 tháng tuổi mới nên dùng gối khi nằm ngủ. Việc dùng gối quá sớm sẽ cản trở sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, chưa kể có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm như đã nêu trên. Nếu để ý, các bậc cha mẹ cũng sẽ thấy, không bao lâu sau khi con chìm vào giấc ngủ, bé cũng sẽ chẳng cần phải nằm trên gối mà vẫn hoàn toàn có thể ngủ ngon và cảm thấy thoải mái đó thôi. Thế nên mẹ cũng có thể đợi đến khi trẻ được 2 tuổi hãy bắt đầu cho trẻ nằm gối, thậm chí có bé ngủ không gối cho đến 3 tuổi cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Cùng mẹ giúp bé có 1 giấc ngủ ngon
Trước khi chờ đến độ tuổi thích hợp để bắt đầu cho bé nằm gối, mẹ có thể lựa chọn 1 chiếc khăn mềm hoặc gối mỏng có độ dày chỉ khoảng 1mm để kê cho bé ngủ. Khi bé đến tuổi dùng được gối, mẹ đừng quên những lưu ý quan trọng sau để giúp con có 1 giấc ngủ ngon:
- Để con có 1 giấc ngủ ngon, mẹ nên chọn loại gối có độ cứng vừa phải, kích thước phù hợp, chiều rộng chỉ cần bằng hoặc lớn hơn một chút so với độ dài vai bé, khoảng 30 x 40cm. Độ dày của gối nên lựa chọn theo từng độ tuổi.
- Vỏ gối và ruột gối nên làm bằng chất liệu thoáng khí, mềm mại, thấm hút mồ hôi. Thường xuyên giặt gối sạch sẽ và phơi nắng, ngăn không cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập và gây hại đến làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.
- Trong khi ngủ, bố mẹ chú ý thay đổi tư thế đầu cho con ít nhất mỗi 2 giờ đồng hồ để tránh hội chứng đầu phẳng. Đặc biệt, vị trí giường hoặc nôi của trẻ phải luôn trong tầm kiểm soát của người lớn để đảm bảo an toàn tối đa.
- Khi đặt bé nằm ngủ nên điều chỉnh theo tư thế gối sâu về phía gáy, sát với cổ vai, cổ hơi ưỡn, ngửa ra sau 10 – 15 độ sẽ giúp trẻ có giấc ngủ an toàn và dễ chịu nhất.
Tạm kết
So với người lớn, thời gian ngủ của trẻ dài hơn rất nhiều nhưng không phải lúc nào bé cũng cần gối để ngủ. Với những kinh nghiệm đã chia sẻ, chắc hẳn các ông bố, bà mẹ đã biết rõ có nên cho trẻ sơ sinh nằm gối hay không và thời điểm thích hợp mà trẻ bắt đầu nằm gối là khi nào. Chúc các bé có được những giấc ngủ ngon trên những chiếc gối an toàn mà mẹ đã chuẩn bị!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!