Chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi – thế nào là điều trị đúng cách để ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng khác như nha chu, viêm tủy, viêm nướu… Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, con luôn cảm thấy đau nhức, khó chịu, không ăn uống được nhiều, tổn hại đến sự phát triển toàn diện và ảnh hưởng đến cả tâm lý của trẻ.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng ở bất kì độ tuổi nào. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm tình trạng sâu răng của trẻ thì quá trình chữa trị có thể sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém về tiền bạc.
Việc hiểu rõ tình trạng sâu răng sẽ giúp bố mẹ lựa chọn cách chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi được đúng cách. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Hiểu đúng về sâu răng ở trẻ 6 tuổi
Theo các bác sĩ nha khoa, sâu răng ở trẻ 6 tuổi là bệnh lý thường gặp vì răng của trẻ ở độ tuổi này chủ yếu là răng sữa nên men răng còn khá yếu. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, sẽ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố khác nhau và men răng bị tổn thương.
Về bản chất, dù ở độ tuổi nào mà cấu trúc răng bị phá hoại sẽ được gọi là sâu răng. Theo thống kê, có khoảng 85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa. So với răng vĩnh viễn, sâu răng sữa ở trẻ thường phát triển nhanh hơn. Đầu tiên là những tổn thương ở bề mặt răng, sau đó sâu răng sẽ tiếp tục phá hủy lớp men, lớp ngà răng và hình thành những lỗ sâu răng.
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ 6 tuổi.
Rất nhiều trẻ bị sâu răng từ rất sớm và trẻ em dễ mắc sâu răng hơn so với người lớn nhất là ở giai đoạn từ 6 tuổi trở xuống. Các bậc cha mẹ khi chăm sóc và vệ sinh răng miệng cho con cần biết rằng có nhiều nguyên nhân gây ra việc sâu răng ở lứa tuổi này, xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan:
Nếu cha mẹ của trẻ có men răng kém và đã bị sâu răng thì chắc chắn rằng khi sinh con, với bộ gen được di truyền trẻ cũng sẽ gặp phải các vấn đề tương tự với răng do mã gen quy định.
Vì cho rằng răng sữa sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn nên việc vệ sinh răng miệng ở trẻ nhỏ thường không được người lớn trong cả gia đình và tại trường lớp thực sự chú trọng. Sự tích lũy của đường, tinh bột dư thừa trong thức ăn tạo thành mảng bám trên răng bé chính là nguyên nhân gây ra sâu răng.
Việc cha mẹ không hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, trẻ tự đánh 1 mình qua loa thì sâu răng ở bất cứ độ tuổi nào kể ra sâu răng ở trẻ lớn 6 tuổi cũng không phải hiếm gặp.
Những trẻ có thể trạng ốm yếu, thường xuyên phải điều trị bằng kháng sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến men răng, khiến răng bị xỉn màu. Tỷ lệ sâu răng ở những trẻ này cũng cao hơn so với những trẻ khác.
Nếu trẻ không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó thiếu hụt canxi sẽ làm cho lớp men răng bảo vệ phía ngoài bề mặt trở nên mềm yếu, dễ tổn thương trước sự xâm nhập của vi khuẩn. Kết quả là những trẻ thiếu canxi rất dễ mắc sâu răng.
-
Vi khuẩn – Đường – Thời gian
Vi khuẩn luôn tồn tại trong khoang miệng. Còn trẻ em luôn thích đồ ngọt, bánh, kẹo, đường, sữa. Đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn.
Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng. Đồng thời chúng tiêu hoá đường để tạo a-xit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, tạo nên các đốm khuẩn trên răng và những đốm khuẩn này phát triển nhiều hơn để gây sâu răng.
Nhận biết trẻ 6 tuổi bị sâu răng
Trẻ bị sâu răng cần phải được điều trị sớm, ngay khi cha mẹ phát hiện ra những triệu chứng dưới đây trong khoang miệng và hàm răng của con:
Răng bị biến đổi màu sang sẫm hơn, xuất hiện các đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa 2 răng. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên về sự có mặt của vi khuẩn đang tấn công răng, làm mất khoáng chất đặc biệt là canxi trong men răng dẫn đến sự xuất hiện của những đốm trắng đục.
Giai đoạn này trẻ chưa có biểu hiện đau buốt, ê nhức nào hoặc có thể cảm thấy ê 1 chút khi ăn bánh kẹo, đồ ngọt. Nhưng nếu để ý thì hơi thở trẻ đã bắt đầu có mùi hôi khó chịu.
Dễ nhận thấy nhất ở trẻ 6 tuổi bị sâu răng đó là các lỗ sâu có màu đen xuất hiện ở mặt nhai hoặc mặt bên.
Để hình thành nên các lỗ sâu thường mất thời gian từ 2 đến 4 năm. Vì vậy có rất nhiều trẻ dù không nhìn thấy lỗ sâu nhưng men răng và ngà răng đã đang bị phá hủy trước khi tạo thành lỗ trên bề mặt răng.
Khi lỗ sâu còn nông có thể trẻ không đau, đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì trẻ bắt đầu bị hành hạ bởi những cơn đau răng với mức độ tăng dần.
Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt. Khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm và trẻ đau từng cơn, không ăn uống được, thậm chí ảnh hưởng đến cả các sinh hoạt khác như vui chơi, ngủ nghỉ.
Nhiều trẻ 6 tuổi khi bị sâu răng nghiêm trọng còn thấy được khuôn mặt có dấu hiệu bị lệch, sưng. Bé có thể sốt, mệt mỏi, chán ăn, sút cân nhanh chóng.
Nguy hại khi không chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi
Răng ở trẻ 6 tuổi là răng sữa nên tuổi thọ khá ngắn ngủi và còn được thay thế. Tuy nhiên ở những trẻ bị sâu răng sữa thì vấn đề này lại có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của răng vĩnh viễn cũng như sức khỏe thể chất của bé. Sâu răng ở trẻ 6 tuổi nếu không được xử lý đúng cách và triệt để sẽ để lại những nguy hại sau:
- Dưới mỗi răng sữa đều có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc. Nếu răng sữa bị sâu, vi khuẩn có thể làm hại đến nướu răng và mầm răng vĩnh viễn nằm bên dưới.
- Răng sữa mọc trong khoang miệng là để duy trì khoảng cách giữa các răng trên cung hàm, giúp răng vĩnh viễn có thể mọc đúng vị trí khi trẻ đến tuổi thay răng. Khi trẻ bị sâu răng sớm, răng vĩnh viễn có thể mọc lệch và ảnh hưởng đến khớp cắn và xương hàm, thậm chí là tác động tiêu cực đến khả năng phát âm.
- Nếu không chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi thì những chiếc răng sâu này có thể phải nhổ đi. Trước khi răng vĩnh viễn mọc, chức năng cắn, xé, nhai, nghiền thức ăn của răng bị mất đi và ảnh hưởng không nhỏ đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
- Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp-xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng mặt.
Điều trị và phòng ngừa sâu răng cho trẻ 6 tuổi
Tùy vào mức độ sâu răng của trẻ đang ở trong giai đoạn nào mà các bậc cha mẹ cần quyết định chữa răng cho trẻ 6 tuổi theo phương pháp nào.
Giảm đau tại nhà
Nếu vì một lý do nào đó mà chưa thể đưa bé đến nha khoa ngay được, bố mẹ có thể áp dụng một số mẹo chữa sâu răng tại nhà để tạm thời làm giảm cơn đau nhức và ngăn chặn sâu răng lây lan rộng.
- Ngậm nước muối từ 3 – 5 phút và súc miệng liên tục, nhiều lần bằng nước muỗi pha loãng. Các thành phần sát trùng tự nhiên trong muối sẽ giúp giảm nhiễm trùng, giảm đau do sâu răng gây ra đồng thời hạn chế những viêm nhiễm đến các khu vực khác.
- Gừng, tỏi và húng quế là những loại gia vị có tính cay nóng, kháng viêm có thể được sử dụng để hỗ trợ giảm đau nhức, chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi bằng cách giã nát vài lát gừng, tỏi hoặc húng quế và đắp lên vùng răng bị sâu.
- Trước khi tiến hành chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi, cha mẹ có thể để bé cắn 1 cục bông gòn được ngâm qua dầu đinh hương. Tinh dầu đinh hương được biết đến như loại dược liệu có tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm cao nên có thể được dùng để giảm đau nhanh khi bị đau răng.
- Chườm đá lên vùng mặt xung quanh vị trí đau do sâu răng gây ra có thể giảm sưng và làm dịu cơn đau tức thì do đá có tính hàn. Mẹ nên bọc viên đá lạnh vào một chiếc khăn tay và thực hiện biện pháp giảm đau tạm thời này giúp trẻ.
Điều trị tại cơ sở nha khoa
Những cách chữa theo phương pháp dân gian tại nhà chỉ tạm thời làm giảm các cơn đau. Chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi dứt điểm chỉ có thể được giải quyết khi bố mẹ đưa bé đến nha khoa càng sớm càng tốt. Tùy vào mức độ sâu răng khác nhau mà nha sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
- Ở mức độ nhẹ, nha sĩ có thể tiến hành làm sạch vết sâu răng để tiêu diệt mầm mống gây bệnh. Sau đó bôi gel flourine hay quét lên răng bé một lớp thuốc để bịt kín chỗ sâu, ngăn cho vi khuẩn không tiếp tục ăn mòn răng.
- Nếu bị sâu răng nghiêm trọng, ăn vào tủy răng khiến bé đau nhức dữ dội, các bác sĩ sẽ khử trùng, xử lý tủy răng rồi trám chỗ sâu lại. Trong trường hợp tệ hơn là chân răng đã bị hư hại gần như hoàn toàn thì nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng sâu.
Phòng ngừa sâu răng cho trẻ 6 tuổi
Để không phải sử dụng đến cách chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi khiến con phải chịu đựng những cơn đau hành hạ, mất nhiều thời gian và chi phí, các bậc phụ huynh nên chú trọng đến quá trình chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con
- Uống nước và làm sạch răng sau ăn với chỉ nha khoa.
- Chải răng 2 lần/ngày với bàn chải lông mềm và kem đánh răng cho trẻ em.
- Súc miệng với nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn miệng chuyên dụng.
- Hạn chế đồ ăn vặt, đồ ăn chứa nhiều đường và chất tạo màu.
- Tăng cường ăn rau củ quả để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm bổ sung canxi cho răng chắc khỏe như hải sản, trứng, sữa,…..
- Định kì đưa trẻ đến phòng khám nha khoa để được kiểm tra thường xuyên, phòng tránh nguy cơ sâu răng và các bệnh về răng miệng khác.
Lời kết
Sâu răng được xem là một bệnh nhiễm khuẩn, lây nhiễm và đa yếu tố. Sâu răng ở trẻ dưới 6 tuổi chủ yếu là sâu răng sữa.
Tuy nhiên, với suy nghĩ răng sữa chỉ tồn tại vài năm rồi sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn nên không ít bậc cha mẹ thường lơ là trong việc chăm sóc răng miệng của trẻ. Nó khiến răng bé dễ bị tổn thương và để lại hậu quả nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách.
Hi vọng, từ những thông tin hữu ích trong bài viết trên đây sẽ giúp các bậc phụ huynh kiểm soát tốt sức khỏe răng miệng và kịp thời chữa sâu răng cho trẻ 6 tuổi khi bệnh lý có dấu hiệu khởi phát. Chúc các bé luôn có hàm răng chắc khỏe cùng nụ cười tỏa sáng!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!