Chơi với con trong năm đầu đời thế nào để con được thông minh?
Năm đầu đời của trẻ sơ sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất với các mốc phát triển vô cùng ý nghĩa. Cách chơi và đồ chơi phù hợp với từng giai đoạn tháng tuổi sẽ giúp con học hỏi thế giới xung quanh theo một cách đặc biệt.
Chơi với con trong năm đầu đời thế nào để con được thông minh?
Với trẻ khoảng thời gian được vui chơi đúng nghĩa được xem là một hoạt động vô cùng quan trọng. Dạy con chơi và chơi với con một cách hợp lý, khoa học, phù hợp với khả năng và kỹ năng của con ở từng tháng tuổi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thể chất và trí tuệ vượt bậc ở trẻ. Do đó cha mẹ cần tìm hiểu các trò chơi cũng như cách chơi phù hợp với các bé, từ đó là nền tảng để bé trở thành một đứa trẻ hoạt bạt, thông minh và hạnh phúc.
Chơi với trẻ 1-3 tháng tuổi
Cha mẹ có thể chơi với con bằng cách chú trọng vào việc tiếp xúc, giao tiếp với trẻ nhiều nhất có thể. Rất đơn giản nhưng hiệu quả, giọng nói, các âm điệu lên bổng xuống trầm của cha mẹ sẽ mở ra một thế giới kỳ diệu, ấm áp và an toàn đối với bé. Bé sẽ bắt đầu biết cười và phản ứng lại với những âm thanh đó. Cha mẹ có thể đặt một giá đồ chơi treo trên cao để bé luyện phản ứng thị giác, những chiếc lục lạc, giọng hát du dương của chính cha mẹ, đều có thể trở thành trò chơi tuyệt vời cho phát triển của bé.
Chơi với trẻ 4-5 tháng tuổi
Bé bắt đầu nhận biết được khuôn mặt của cha mẹ và những người thân xung quanh. Lúc này bé bước sang mốc phát triển mới với việc biết lẫy mình, kiểm soát được một số hoạt động đơn giản. Bé sẽ cố cầm nắm những đồ vật ở ngay trước mặt và rất thích nhét đồ vật vào miệng. Vào giai đoạn này cha mẹ hãy cho bé chơi những đồ chơi mà bé có thể cầm nắm và phát ra những âm thanh leng keng như một quả bóng vải với lục lạc ở trong, vòng đeo chân, đeo tay có tiếng kêu hoặc thảm đệm có hình thú vật phát ra tiếng kêu. Cha mẹ cũng cần lưu ý chọn đồ chơi mềm, dễ vệ sinh và có độ lớn phù hợp để tránh xảy ra nguy hiểm cho bé.
Chơi với trẻ 5-6 tháng tuổi
Bước sang những tháng này, khả năng di chuyển của bé đã trở nên linh hoạt hơn rất nhiều. Bé rất hứng thú với các âm thanh và các sự vật có thể chuyển động xung quanh bé. Do đó các trò chơi và đồ chơi giúp bé kích thích các giác quan cũng như để bé bắt đầu học cách tư duy, xử lý vấn đề sẽ rất thích hợp vào giai đoạn này.
– Búp bê vải giúp bé phát triển xúc giác và thị giác
– Các đồ chơi tạo ra âm thanh, tiếng động như lục lạc, nhạc cụ đơn giản để kích thích thính giác của bé
– Gương nhựa giúp bé nhận ra khuôn mặt và nụ cười của chính mình
– Sách vải với các chất liệu khác sẽ giúp bé tiếp xúc với các bề mặt
– Chơi ú òa với bé. Khi khuôn mặt cha mẹ biến mất trong giây lát, bé sẽ được luyện tập khả năng tư duy và dự đoán sự việc. Đây thực sự là một trò chơi mà bất kỳ em bé 5-6 tuổi nào cũng yêu thích.
Chơi với trẻ 6-7 tháng tuổi
Bé 6-7 tháng tuổi có thêm mốc phát triển mới là bé đã bắt đầu tự ngồi được khá vững, một số trẻ thậm chí còn đã có thể bò. Nếu phải xa mẹ hoặc người chăm sóc bé sẽ cảm thấy lo lắng. Bé đã bắt đầu biết bắt chước cách âm thanh từ cha mẹ, một số bé thậm chí còn rất thích thú với trò chơi phun nước bọt. Cách chơi và đồ chơi phù hợp với bé ở những tháng này là:
– Trò chuyện với bé thật nhiều, làm miệng tạo các âm thanh để bé có thể bắt chước theo.
– Chơi ú òa để giúp bé làm quen dần với sự xa cách mẹ.
– Các đồ chơi phát ra âm thanh, tiếng động như trống, đàn, lục lạc, sách có tiếng kêu,v.v.
– Hình khối bằng vải hoặc gỗ
– Sách vải hoặc sách giấy cứng với những hình vẽ lớn, nhiều màu sắc, ít chữ để bé nhận biết màu sắc cũng như phát triển xúc giác.
Chơi với trẻ 7-8 tháng tuổi
Bé nghịch ngợm hơn và bắt đầu biết trườn, bò. Một số bé còn có thể leo treo lên những nơi có tầm cao như bàn, ghế, cầu thang. Bé rất thích dỡ tung mọi thứ khỏi hộp và ném chúng khắp nơi. Bé đã có những chiếc răng đầu tiên. Cách thể hiện cảm xúc của bé cũng mạnh mẽ hơn. Vì vậy đồ chơi và trò chơi mà bé yêu thích là:
– Đồ chơi bằng vải hoặc silicon an toàn để bé có thể gặm
– Các đồ chơi có tiếng động hoặc phát ra nhạc
– Bóng vải giúp bé luyện tập kỹ năng trườn, bò
– Sách vải hoặc sách giấy cứng vẫn là một trong các loại đồ chơi bé sẽ rất yêu thích
– Giấy cho các bé thích vò, xé. Đây cũng là lúc mẹ nên dạy bé phân biệt sách là để đọc, nếu con thích xé mẹ sẽ cho con thứ khác để con tập xé thỏa thuê.
– Hình khối bằng vải hoặc gỗ với nhiều màu sắc để bé phát triển kĩ năng cầm, nắm, giúp bé làm quen với việc cầm thìa tập ăn.
Chơi với trẻ 8-9 tháng tuổi
Bé bắt đầu bò rất thành thạo. Giờ đây bé có thể hiểu được ý nghĩa của lời nói từ cha mẹ. Bé di chuyển rất thành thạo và đã có thể tự bốc đồ ăn cho vào miệng. Cha mẹ có thể lựa chọn đồ chơi và trò chơi phù hợp với giai đoạn này để giúp bé phát triển thể chất và trí tuệ như:
– Trò chơi ú òa để bé hiểu được việc xa cách mẹ
– Các đồ chơi tạo âm thanh, tiếng động. Cha mẹ có thể làm các chuyển động vui nhộn để bé bắt chước theo.
– Các đồ chơi có thể chuyển động nhằm kích thích bé tò mò và di chuyển theo đồ vật.
– Đồ chơi gỗ giúp bé rèn luyện độ khéo léo của đôi tay
– Sách vải hoặc sách bìa cứng
Chơi với trẻ 9-10 tháng tuổi
Từ bò, giờ đây bé đã chuyển sang bám đứng. Mẹ sẽ thấy bé nghịch ngợm hơn các tháng trước rất nhiều. Bé thích thú và rất háo hứng với thế giới xung quanh. Lúc này đây bé thực sự rất giỏi bắt chiếc mọi người. Thời gian này cha mẹ sẽ nhận ra rằng các đồ chơi với bé có thể không hấp dẫn bằng chính những đồ vật trong nhà. Bé sẽ rất hứng thú với việc kéo ngăn tủ quần áo và lục tung chúng lên. Bé lôi bát đĩa, đồ dùng của cha mẹ ra chơi rất say sưa. Bé thực sự đã trở thành một chuyên gia khám phá. Vì vậy cha mẹ có thể chọn lựa đồ chơi và các trò chơi với bé như:
– Một chiếc xe kéo đẩy với rất nhiều mẩu gỗ: Loại đồ chơi này vừa giúp bé tập đứng, di chuyển và còn giúp bé phát triển thị giác.
– Các trò chơi xếp hình với những khối gỗ đa dạng để bé luyện tập độ khéo léo của tay và khả năng tư duy
– Thìa bát nhựa và cùng chơi trò ăn cơm. Một cách để bé tập luyện khả năng tự xúc ăn rất hữu hiệu.
– Bóng vải hoặc bóng nhựa mềm giúp bé trườn bò thành thạo hơn
– Các loại sách lật giở, những loại sách này vừa giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm đồng thời lại luyện tập thị giác và thói quen đọc sách ngay từ nhỏ.
Chơi với trẻ 11-12 tháng
Bé đã có thể bước đi những bước đầu tiên trong đời. Những nơi có bậc cầu thang lên xuống sẽ luôn thu hút bé. Một số bé có thể nói được một số từ đơn giản có ý nghĩa. Các bé rất thích được ra ngoài khám phá. Lúc này đây các trò chơi theo kiểu khám phá sẽ rất phù hợp với bé. Mẹ có thể dẫn bé ra ngoài công viên, cho bé cầm nắm, tiếp xúc với cây cỏ, sỏi, đá. Bé sẽ hoàn toàn không chán nếu đưa bé ra một sân chơi với xích đu, cầu trượt. Đồ chơi mà bé sẽ rất thích thú như:
– Đồ chơi mô phỏng đồ đạc trong nhà như bộ đồ nấu ăn, uống trà, lều bóng
– Các nhạc cụ để bé học cách mô phỏng âm thanh như một chiếc trống nhỏ.
– Đồ chơi giúp bé leo trèo
– Sách vải hoặc sách giấy cứng, sách lật giở đều rất phù hợp cho bé khám phá
Theo The Asianparent Thái Lan
Các bài viết liên quan:
TĂNG CHỈ SỐ THÔNG MINH CHO TRẺ: Tiết lộ 8 cách thức cực đơn giản mà cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được
9 hoạt động chơi với bóng cho bé!
Tại sao các trò chơi cảm quan là tốt nhất với bé?
14 khu vui chơi cho bé tại TPHCM
Các vấn đề cơ bản về an toàn đồ chơi mà mỗi phụ huynh đều nên biết
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!