Khi lập gia đình, ai cũng muốn ở riêng để tiện bề sắp xếp mọi thứ theo ý muốn của mình. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi bạn phải chung đụng với chị em dâu của mình. Chị em dâu sống chung dưới một mái nhà thực sự là một thách thức.
Chị em dâu sống chung: trăm bề bất tiện
Bàn tay năm ngón, còn có ngón dài ngón ngắn. thật sự. Không chỉ là một người phụ nữ xa lạ, chị em dâu của bạn chưa chắc đã hoà hợp với bạn, mà ở giữa hai bạn còn có mẹ cha mẹ chồng, anh chị em bên chồng,… Chuyện so sánh hơn kém là không thể tránh khỏi.
Sống chung với nhau trong một gia đình lớn, không tránh khỏi được lòng người này mất lòng người kia. Mỗi lần nghe mẹ chồng công khai khen ngợi em dâu, mua cái này hợp ý bà, chăm con khéo, lại chẳng bao giờ thấy nặng lời với chồng… dù bản thân không có ý ganh đua, nhưng bạn cũng chạnh lòng.
Mỗi người đều chăm lo một gia đình riêng, nên có thể ít khi chạm mặt. Thời đại ngày nay, ai cũng mải mê tìm kế sinh nhai, không có nhiều thời gian cho nhau. Chính vì không thân cận, nên càng khó nói chuyện với nhau. Chị em dâu sống chung trong một ngôi nhà chồng. Dù rộng rãi đến đâu, mỗi gia đình đều có một không gian riêng, nhưng vẫn không tránh những lúc va chạm.
Nhất là khi những đứa trẻ dần lớn, bắt đầu tranh chấp với nhau. Con ai – người đó quý. Mỗi lần bọn nhỏ tranh cãi, chị em dâu lại “mặt nặng mày nhẹ” với nhau. Sớm chiều chạm mặt, nhưng cứ coi như người xa lạ thật chẳng dễ chịu gì.
Lời khuyên giúp chị em dâu sống chung thuận hòa
Ông bà ta có câu “chị em dâu như bầu nước lã”. Có lẽ ý câu này đang nhắc đến những bất tiện phát sinh khi chị em dâu sống chung mái nhà. Thế nhưng, với một chút khéo léo, bạn có thể khiến việc sống chung với chị em dâu bớt căng thẳng hơn.
Tôn trọng không gian riêng của mỗi người
Mặc dù sống chung một mái nhà, nhưng rõ ràng mỗi người sẽ có một không gian riêng. Không gian này cần được tôn trọng.
Bạn hãy dạy con mình không được tự tiện bước vào phòng riêng của vợ chồng em dâu. Nếu những đứa trẻ muốn chơi với nhau, bọn nhỏ có thể chơi ở những không gian chung như phòng khách, phòng ăn, sân,…
Ngôi nhà truyền thống của Việt Nam thường có nhiều không gian mở gắn kết với nhau. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không thể chia ranh giới rõ ràng giữa các khu vực chung và riêng.
Ý thức giữ gìn không gian chung
Đối với các không gian chung, như căn bếp và phòng khách, chị em dâu nên chủ động giữ gìn ngăn nắp. Tuyệt đối tránh trường hợp “trăm sãi không ai đóng cửa chùa.” Thậm chí, “mất lòng trước được lòng sau”, chị em bạn dâu cũng phải thoả thuận với nhau quy tắc sống ngay từ ban đầu.
Ví dụ: việc sử dụng bếp và các phụ kiện bếp như tủ lạnh, bếp ga… Thức ăn riêng của mỗi nhà cất vào tủ lạnh nên sử dụng hộp trữ có màu khác nhau. Không sử dụng chung đụng. Càng không cố tình xâm phạm, sử dụng đồ đạc riêng của chị dâu hoặc em dâu.
Đóng góp tài chính rõ ràng
Hiếm khi chị em dâu sống chung một nhà mà “chia bếp lửa”. Thường hai bạn sẽ đóng góp chung: một người lo chợ búa bếp núc, hoặc sẽ góp lại cho mẹ chồng đi chợ hàng tháng.
Bạn và chị em dâu của mình nên ngồi lại và thống nhất mức chi trả. Bạn và chị em dâu không máu mủ ruột rà. Tuy nhiên, hai người đã về cùng một nhà. Nếu không thân mật, hai người cũng nên đối đãi khách khí với nhau một chút.
Phân công công việc cụ thể
Nếu có thể, chị em dâu nên cùng nhau “xắn tay áo lên làm”. Ngược lại, việc ai nấy làm, đừng so đo tính toán.
Ví dụ: nếu bạn là người đi làm về trước, bạn có thể nấu cơm. Em dâu của bạn về sau, cô ấy có thể giúp bạn rửa chén. Một người lo sân trước, một người dọn sân sau,… Trong gia đình nhiều người, công việc nhà chắc chắn là một gánh nặng lớn. Mỗi người san sẻ một chút, nhà cửa sẽ thuận hòa.
Kiên nhẫn và hòa nhã, gắn kết mọi thành viên trong gia đình
Trong một gia đình lớn, chắc chắn sẽ có lúc tranh chấp. Vào những lúc như vậy, bạn cần giữ bình tĩnh, hãy lắng nghe và chia sẻ.
Tránh việc “thêm dầu vào lửa” khi mẹ chồng và em dâu tranh cãi. Càng không nên bênh vực con cái của mình quá nhiều. Những đứa bé có thể chưa hiểu chuyện. Nhưng bạn là mẹ, là vợ, đã trưởng thành, cần cư xử đúng mực.
Đặc biệt, đừng bao giờ bày tỏ ý kiến về phương pháp dạy con, chuyện vợ chồng của nhà chị em dâu của mình. Khi được hỏi ý kiến, hãy đưa những lời khuyên và nhận định tích cực.
Thật ra, khi bạn chưa thể có ngôi nhà riêng của mình, chị em dâu sống chung không phải là quá tệ. Hãy nghĩ đến việc bạn phải đi thuê trọ, không biết chủ nhà thế nào, lúc ốm đau bệnh tật không có người bên cạnh giúp đỡ…
Xích mích là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chị em dâu cũng là người bạn có thể tin cậy gửi con khi có việc gấp. Và cuối cùng, các chị em dâu cũng không thể sống chung một mái nhà mãi mãi. Cư xử lễ độ, tôn trọng nhà chồng và sòng phẳng – đó là bí quyết bạn có cuộc sống thoải mái hơn.
Chúc bạn và chị em dâu sống chung đừng “như bầu nước lã” nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!