Từng giây, từng phút đều vô cùng quý giá! Không tin? Hãy hỏi những bệnh nhân nguy kịch được cấp cứu ngừng tuần hoàn sẽ rõ!
Cấp cứu ngừng tuần hoàn, bác sĩ kéo cháu bé về từ cửa tử
Sự việc xảy ra vào chiều hôm qua (4/6) đối với một em bé 5 tuổi, trú tại Lào Cai.
Nghỉ hè, bố mẹ cho em về thăm ông bà ở Yên Bái. Trong lúc bé đang chơi ở võng, bất ngờ xuất hiện những cơn đau quằn quại vùng ngực và bụng.
Toàn thân em tím tái, khó thở, nhịp thở ngắt quãng.
Ngay lập tức, em được gia đình đưa đến trạm y tế phường. Song, bé ngay lập tức được chuyển lên tuyến trên vì vượt quá khả năng ở trạm.
Trên đường đi, thỉnh thoảng em bị ngừng thở, lơ mơ và mất dần ý thức.
Ngừng thở khi nhập viện
Clip ghi lại cảnh bác sĩ “nhanh như chớp” cấp cứu cho bệnh nhân
Khi được chuyển vào trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương, em đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bé ngừng thở, không có mạch, huyết áp, SPO2 không đo được.
Tím tái toàn thân!
Không kịp khai thác bất cứ thông tin gì, các bác sĩ ngay lập tức áp dụng các biện pháp hồi sinh tim phổi. Ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản… Thậm chí, thiết lập các đường truyền để sử dụng thuốc vận mạch.
Bên cạnh đó, do xác định đây là ca cấp cứu ngừng tuần hoàn, lệnh báo động đỏ toàn viện đã được kích hoạt. Tất cả các lực lượng, từ bác sĩ nhi, hồi sức cấp cứu, chống độc, bác sĩ tim mạch được huy động để đưa ra những quyết định tối ưu nhất.
Sau hơn 30 phút áp dụng đồng bộ các biện pháp cấp cứu tối khẩn cấp, tim của bé đã đập trở lại. Mặc dù còn rời rạc, yếu ớt, nhưng ít nhất đã lên xung.
Monitoring hiện sóng điện tim. Các chỉ số mạch, huyết áp SPO2 tái xuất hiện.
Đến tối hôm qua, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên khoa cấp cứu chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương.
Sáng nay (5/6), sức khỏe của bé đã được cải thiện.
Khi nào phải cấp cứu ngừng tuần hoàn?
Việc cấp cứu người bị ngừng tuần hoàn phải thận trọng
Theo các bác sĩ, ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể. Đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, tuần hoàn vành, phổi…
Có 3 trạng thái cơ bản là: Vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương… Nhưng cũng có thể là hậu quả cuối cùng của một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận…
Trong y học, người ta còn sử dụng một số thuật ngữ khác để chỉ việc cấp cứu trạng thái ngừng tuần hoàn như: Cấp cứu ngừng tim phổi, hồi sinh chết lâm sàng, hồi sinh tim-phổi, hồi sinh tim-phổi-não…
Nguyên nhân ngừng tuần hoàn?
Trường hợp của em bé ở Lào Cai khá may mắn khi được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có phước như vậy.
Các bác sĩ chỉ ra một số nguyên nhân gây ra ngừng tuần hoàn
+ Nguyên nhân do tim:
– Bệnh thiếu máu cơ tim.
– Tắc mạch vành cấp.
– Các bệnh cơ tim.
– Viêm cơ tim.
– Chấn thương tim chèn ép tim cấp.
– Kích thích trực tiếp vào tim.
+ Nguyên nhân tuần hoàn:
– Thiếu khối lượng tuần hoàn cấp (các loại sốc).
– Tắc mạch phổi (do khí, do cục nghẽn).
– Cơ chế phản xạ dây phế vị.
+ Nguyên nhân hô hấp:
– Tràn khí màng phổi nặng.
– Thiếu oxy cấp (thường gây ra vô tâm thu): dị vật, tắc đường thở.
+ Nguyên nhân rối loạn chuyển hoá:
– Rối loạn chuyển hoá kali.
– Tăng canxi máu cấp.
– Tăng catecholamin cấp.
– Hạ thân nhiệt.
+ Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc:
– Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim.
– Do tác dụng phụ của thuốc.
+ Nguyên nhân khác:
– Điện giật.
– Đuối nước.
Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản
Một số bước cơ bản khi gặp phải trường hợp ngừng tuần hoàn
Khi phát hiện bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn thì phải tiến hành cấp cứu ngay gồm 3 động tác phải làm:
– A (Airway: giải phóng đường thở)
– B (Breathing: hô hấp nhân tạo hay thổi ngạt)
– C (Chest compressions: ép tim ngoài lồng ngực)
Nói cách khác, khi gặp phải bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mỗi phút đều quý giá như vàng.
– Khai thông đường thở cho bệnh nhân
– Thổi ngạt
– Ép tim ngoài lồng ngực
– Dùng thuốc cấp cứu
– Sốc điện (Nếu có dụng cụ)
Theo Infonet
Xem thêm:
Đau xót tình cảnh mẹ bầu tử vong, con vừa đẻ ra đã phải cấp cứu
Sơ cấp cứu các tai nạn cho bé (P1)
Nghẹt đường thở với giấy ăn bé trai 2 tuổi phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!