Cãi nhau với vợ tăng nguy cơ tim mạch cho người chồng không phải là điều mà ai cũng biết. Hãy đọc bài viết sau để biết cách hạn chế các cuộc tranh luận tiêu cực, từ đó vừa bảo vệ hạnh phúc gia đình, vừa tốt cho sức khoẻ.
Cãi nhau với vợ tăng nguy cơ tim mạch cho cánh mày râu
Một nghiên cứu trước đây của Đại học Northwestern (Mỹ) đã cho rằng hôn nhân không hạnh phúc có thể dẫn đến nỗi đau ngay cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Theo dõi các cặp vợ chồng thông qua nội dung trò chuyện, biểu hiện gương mặt, ngôn ngữ hình thể, giọng nói trong khi họ tranh luận cùng nhau suốt 20 năm, các nhà nghiên cứu cho rằng hành vi này thực sự có mối quan hệ với sức khỏe. Đặc biệt là đối với người đàn ông đóng vai trò người chồng trong gia đình.
Kết quả cho thấy: 80% nam giới gắt gỏng với vợ thường xuất hiện dấu hiệu tim mạch như đau ngực, thở dốc, tim đập nhanh. Lý giải cho hiện tượng trên, tiến sĩ Claudia Haase cho biết, khi giận dữ sẽ khiến huyết áp, nhịp tim tăng lên. Về lâu về dài, điều này khiến trái tim yếu đi, thiếu sự khỏe mạnh, dễ gặp phải các vấn đề tim mạch.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phát hiện thêm, những người đàn ông thường né tránh ánh mắt vợ, không thể hiện nhiều cảm xúc khi tranh luận dễ bị đau lưng, căng cơ. Trong khi đó, tỷ lệ này với người cởi mở, thường biểu lộ cảm xúc là 23%. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ có tình huống này là do thói quen lảng tránh sẽ khiến cơ thể đối phương bị co cứng, nhất là đối với cơ vai, cơ cổ, dần dần sẽ tạo nên những cơn đau.
Cãi nhau với vợ tăng nguy cơ tim mạch cho chồng mà còn ảnh hưởng đến cả con cái
Những cuộc cãi nhau với vợ tăng nguy cơ tim mạch cho người chồng, nhưng nó cũng ảnh hưởng sâu sắc đến người con. Tùy trường hợp, mức độ nặng nhẹ của cuộc mâu thuẫn mà khả năng ảnh hưởng đến con cái sẽ lớn tới đâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, cho dù cuộc cãi vã của bố mẹ chỉ ở mức độ nhẹ, con cái vẫn bị tác động bởi sự tiêu cực đó.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra cho dù đó chỉ là đứa bé 6 tháng tuổi, chưa nhận thức được quá nhiều điều. Thế nhưng, khi bố mẹ lớn tiếng, nhịp tim của trẻ cũng sẽ tăng theo, những hormone căng thẳng bắt đầu tiết ra.
Tùy vào độ tuổi, sự tranh cãi lớn nhỏ, con trẻ sẽ bị tác động theo nhiều cách. Với trường hợp trẻ sơ sinh, bé sẽ ngủ khó, ảnh hưởng sự phát triển của não trong thời kì đầu. Trẻ tiểu học sẽ cảm thấy uất ức, chán nản, ảnh hưởng đến việc học tập. Và với những bé lớn hơn, thậm chí chuyện làm hại bản thân là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bí quyết hạn chế những cơn nóng giận dẫn đến cãi vã với vợ
Lắng nghe lẫn nhau
Một trong những yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất chính là học cách lắng nghe. Hầu như khi tức giận, người ta chỉ muốn bày tỏ quan điểm của mình mà rất hiếm khi chịu nghe đối phương nói gì. Việc phớt lờ ý kiến của người khác hay dùng những lời nói gây tổn thương sẽ chỉ khiến cuộc tranh cãi bùng nổ lớn hơn. Vì vậy, thay vì cố cho là mình đúng. Hãy đặt bản thân vào đối phương và thử mở lòng để hiểu cũng như thông cảm cho họ.
Học cách bình tĩnh
Nếu như bạn là một người quá nóng nảy và không thể nào nhẫn nhịn như cách trên thì hãy tránh đi nơi khác. Điều này không chỉ tốt cho người ấy mà còn tốt cho chính bản thân bạn. Bạn cũng là người cần phải “hạ hỏa” và người kia cũng cần thời gian tự trấn tĩnh và suy nghĩ về vấn đề của cả hai. Thời gian này, hãy làm bất cứ điều gì mà bản thân bạn thấy thoải mái. Đó có thể là mua sắm, xem phim hay thậm chí đi ngủ… Cho nhau thời gian bình tĩnh và tìm ra hướng giải quyết sau đó là cách tốt nhất vào lúc này.
Nói lời xin lỗi
Khi nhận ra bản thân sai, đừng ngại phải nói lời xin lỗi. Hay thậm chí, cho dù bạn không sai trong câu chuyện đó đi chăng nữa thì bạn cũng đã vô tình làm điều gì đó gây tổn thương đến người còn lại để họ phải thấy bực tức. Nếu có thể hãy nói ra lời xin lỗi sau tất cả. Trong tình yêu và hôn nhân, giữ cái tôi của mình sẽ chỉ khiến mối quan hệ thêm tồi tệ mà thôi.
Tranh luận dẫn đến quá khích, to tiếng với nhau hầu như là vấn đề mà cặp đôi nào cũng sẽ rất dễ mắc phải. Nhìn ở một góc độ tích cực, chúng sẽ khiến ta hiểu nhau hơn, tự cải thiện để bản thân tốt hơn. Thế nhưng đó chỉ là khi bạn tranh luận để tìm ra hướng đi chung, góp ý để cùng nhau phát triển. Hãy luôn cố gắng giữ bình tĩnh và thái độ tốt nhất có thể để không biến những cuộc tranh luận tích cực thành sự tiêu cực, ảnh hưởng sức khỏe của bản thân lẫn gia đình bạn.
Theo bestie
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!